Nỗi niềm người đóng BHXH 35 năm, chờ '7 mùa xuân' mới tới tuổi hưu
Bạn đọc bày tỏ băn khoăn, đã đóng đủ 35 năm BHXH nhưng mới 55 tuổi, sức khỏe giảm sút, không đảm bảo công việc, lúc này về hưu sớm 7 năm lại không được hưởng mức tối đa 75%.
Liên quan đến việc góp ý dự luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách phù hợp để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động khi về hưu.
Một bạn đọc thắc mắc: “55 tuổi đóng đủ 35 năm BHXH hưởng kịch lương hưu 75%, nhưng tại sao lại bắt đóng tiếp 7 năm nữa thì vẫn 75%, không tăng lên, mà nếu nghỉ thì lại bị trừ 2%“.
Theo bạn đọc này, đóng thêm thì không tăng nhưng nghỉ lại bị trừ. Với 7 năm đóng thêm khi nghỉ hưu 62 tuổi, BHXH cũng trả 1 lần, vậy tại sao khi người lao động đóng chưa tới 20 năm nghỉ rút một lần thì BHXH lại không muốn? Nên sửa lại khi đóng đủ 35 năm thì được nghỉ hưu ngay, như vậy mới khuyến khích người lao động đóng nhiều.
Bạn đọc tên Bình cũng bày tỏ: “Mục tiêu để người lao động có lương hưu, tạo điều kiện cho người đóng muộn, chưa đủ, cớ sao gây khó dễ cho người đã theo đuổi đủ năm đóng BHXH, thậm chí còn thừa. Khi người lao động đã cố gắng theo đuổi đủ 35 năm lúc này tuổi tối thiểu cũng ngoài 55 tuổi, sức khỏe giảm sút, bệnh tật đeo bám nên không thiết tha và không đảm bảo được công việc, mất việc. Đề nghị cần công bằng khuyến khích người lao động tham gia đủ 35 năm. Những điều này ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của BHXH".
"Cần có chính sách nhất quán khi đóng đủ 35 năm được quyền lựa chọn hưởng hưu hay đóng tiếp thể hiện văn minh và công bằng...”, bạn đọc tên Bình đề nghị.
Thẳng thắn nêu rõ 3 quyền lựa chọn cho người đóng BHXH đủ 35 năm trở lên, bạn Phạm Hồng Sơn nêu quan điểm: "Thứ nhất, hoặc về hưu ngay mà không bị trừ % do thiếu tuổi. Thứ hai, tiếp tục đi làm nhưng không phải đóng BHXH. Thứ ba, tiếp tục đi làm và tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu cao hơn. Thế mới công bằng và hấp dẫn".
Tương tự, bạn Đặng Trí Dũng ý kiến: “Nếu đã đóng đủ năm để hưởng đủ 75% nhưng tuổi nghỉ hưu chưa tới, người lao động có quyền chốt sổ và thôi đóng phí chờ đến tuổi hưu. Những năm còn lại, họ có quyền nhận toàn bộ số phí mà người sử dụng đóng BHXH cộng vào lương để tăng thu nhập cá nhân”.
Hoán đổi năm đóng để về hưu "non"
Nhiều người lao động dù chưa đến tuổi về hưu nhưng thừa 35 năm BHXH, nay muốn hoán đổi năm đóng để được nghỉ sớm hơn mà vẫn hưởng đủ 75%.
Bạn Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: “Tôi thống nhất cao và mong mỏi để những người thừa năm đóng, thiếu tuổi nghỉ hưu vẫn được hưởng 75% lương hưu. Tôi làm công nhân ngành cao su từ năm 16 tuổi, đến nay 52 tuổi, đóng BHXH được 36 năm 4 tháng, nhưng giờ nghỉ thì tôi bị trừ 2% lương”.
Đồng quan điểm, bạn LXT ý kiến: “Nên có quy định cho phép người lao động lấy số năm đóng thừa để bù cho thời gian thiếu tuổi để họ được nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng vì chúng ta đã lấy căn cứ là thời gian đóng tối đa 35 năm rồi”.
Bạn đọc tên Hường cho rằng: “Người lao động luôn thiệt thòi. Điển hình như ngành khách sạn, nhân viên bộ phận lễ tân, nhà hàng, đến tuổi 40 không còn trẻ để phục vụ. Người sử dụng lao động phải thay thế và bố trí sang vị trí khác không thích hợp, không có sức khỏe để đảm bảo công việc. Lúc đó, người lao động phải lựa chọn nghỉ việc trước tuổi và nhận lương hưu non với mức lương thấp. Vậy khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nên đưa ra độ tuổi về hưu của từng ngành nghề phù hợp với các đối tượng lao động”.
Bạn Nguyễn Văn Hưng nêu ý kiến: "Người lao động không mong muốn về hưu sớm để nhận lương hưu thấp, nhưng khi họ chấp nhận mức lương thấp để được về hưu, cớ sao lại không có chính sách hợp lý, thỏa đáng giải quyết mà cứ phải bắt đủ tuổi, đủ năm đóng BHXH. Nên có chính sách đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều”.