Nỗi niềm người lính - Truyền năng lượng sống hữu ích cho đời
Tiến sĩ, nhà báo - nhà văn Dương Thanh Biểu thật tinh tế chọn thể loại Truyện ký văn học để tự sự, để thuật, tả về đời chiến sĩ 'Chống giặc Mỹ xâm lược' và 'Chống giặc nội xâm' của mình cùng đồng đội một cách hết sức trung thành với hiện thực khách quan.
Nói như tên tập sách của ông trước đó do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành là: “Từ trận chiến tới trận chiến”, hoặc trước nữa là tập ký “Một thời trận mạc” cùng 5 - 7 đầu sách văn học do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đều đậm dấu ấn cuộc đời miên man chinh chiến của ông. Nghĩa là hơn 40 năm dòng trong vòng xoáy trận mạc; ông xứng danh là “lính chiến” danh tiếng chống đế quốc Mỹ xâm lược và “chống giặc nội xâm”.
Truyện ký “Nỗi niềm người lính” được kể lại, thuật tả theo trình tự thời gian. Sự mạch lạc được phân khúc theo chương mục giống như Tiểu thuyết. Ấy cũng là cái tạng, vốn tính minh bạch, rành rõ của Dương Thanh Biểu ngay cả trong lối viết, chẳng dập theo ai. Mười bốn chương của tập Truyện ký là sự chưng cất đặc quánh niềm vui và nỗi buồn của một kiếp người trọn đời “trận mạc” đúng cả nghĩa đen nghĩa bóng.
Suốt mấy mươi năm phục vụ trong quân ngũ và ngành Kiểm sát, biết bao được - mất, đắng cay, biết bao nỗi niềm chung riêng theo suốt cuộc đời của Dương Thanh Biểu. Mười bốn chương mục trải theo thời gian, nhưng đọc rồi vẫn thấy từ chương đầu đến chương cuối luôn có sự đan cài, vấn vít với nhau như sự đời nhân quả, cái này làm nên sức sống của cái kia...
Mấy chương đầu, với tiêu đề: Thời trai trẻ và Em mãi đợi anh về, rất sâu rất đậm tình cảm của tác giả với quê hương: Làng Ngũ Phúc thân thương, thanh bình bên bờ sông Lam hiền hòa thơ mộng. Nơi ấy gia đình của Biểu nghèo khó, nhưng đầm ấm tình cha, con, anh em, thân hữu. Cho dù mẹ mất sớm, nhưng cha của Biểu luôn tần tảo, cuốc cày “xới đất lật cỏ” gánh trọn số phận “gà trống nuôi con”. Nơi ấy có mái trường thân thương ấm áp tình thầy trò, bạn hữu và người con gái tên Thảo học cùng lớp khiến Biểu từng yêu vụng nhớ thầm!... Nơi ấy, Biểu chứa chan hy vọng được dự báo sẽ sang Liên Xô (thuở ấy là thiên đường của XHCN) để học tập, để trở về phục vụ quê hương... Nhưng rồi, bom đạn Mỹ bắn phá miền Bắc, bắn phá thành Vinh và làng quê thân yêu của mình. Đất nước sục sôi ra trận. Thanh niên làng Ngũ Phúc đua nhau vào lính. Biểu là con trai duy nhất của gia đình, trong diện miễn trừ nhưng vẫn quyết cùng bạn bè nhập ngũ.
Hành quân vào trận tuyến là phân khúc quan trọng mở đầu đời nhà binh “đánh quân Mỹ xâm lược” của Dương Thanh Biểu. Tác giả để 4 chương, chọn lọc những vụ, trận tiêu biểu làm tiêu đề các chương: Mai táng tử sĩ – Ngọn đuốc sống Vương Tử Hoàng – Vây lấn Đắk Siêng – và Trước Hiệp định Paris! Nhiều lần đọc, đọc nhiều lần mà tôi vẫn giàn giụa nước mắt bởi tình chiến sĩ, đồng chí, anh em, chỉ huy, sống chết bên nhau, cùng san sẻ nắm cơm, hớp nước, băng bó vết thương cho nhau.
Dương Thanh Biểu, tả, thuật rất đỗi tự nhiên. Anh không cố ý làm văn, không sính từ hoa mỹ, nhưng giàu lòng cảm xúc nên cuốn hút người đọc, đọc đến mê say. Tôi bảo đó là lối viết bằng con tim truyền lửa của người lính. Bởi thế, khi đơn vị tham chiến tại Mặt trận B3, tỉnh Kon Tum mùa Xuân 1969 cùng những trận đánh vây lấn ở Đắk Siêng cuối năm 1970, và các trận đánh trước Hiệp định Pari, Biểu luôn là người trong cuộc, từng sống mái với quân thù đến cùng, nên nay viết lại, kể lại rất sống động. Hình ảnh, hành động rất đẹp của Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng tháo vát, linh lợi, quyết liệt chỉ huy chiến đấu trên Đồi Cháy, chỉ khi trúng bom na pan, thân hình bùng lên như đám lửa thì Hoàng mới ngừng chỉ huy chiến đấu. Ngọn đuốc Vương Tử Hoàng mãi sáng trong tâm can đồng đội, trong lòng Dương Thanh Biểu. Cho dù các trận đánh ở Tây Nguyên, Kon Tum được miêu tả phần lớn chỉ thuộc tiểu đội của anh, nghĩa là Dương Thanh Biểu chỉ viết, chỉ kể, tả lại những gì mình là người trong cuộc... Nhưng, đọc rồi tôi vẫn nghiệm ra sự tài tình của những người dùng binh, họ có những tố chất rất đẹp, rất cơ bản, ấy là: Mưu lược; Quyết đoán và Chọn đúng đối tượng và thời điểm để đánh, để tổng lực chiến đấu!....
Trước Hiệp định Paris ít ngày, không may Dương Thanh Biểu phải nằm viện nhiều tháng và phải nhận quyết định ra Bắc tiếp tục điều trị!... Lúc này, cảm xúc trào dâng, Dương Thanh Biểu bày tỏ: “...Khi ở chiến trường thì mong được trở về thăm quê hương, nhưng khi chuẩn bị rời xa mảnh đất khói lửa này thì mới hay tâm hồn của mình đã gắn chặt với nó...”!
Đó là nỗi niềm muốn sẻ chia, muốn nhắn gửi cho hôm nay, cho cả mai sau... Nhưng, đắng cay nhất lại là những ngày anh ra Bắc, được về quê ăn Tết, trước khi lên nằm viện ở Việt Bắc! Anh thốt bằng lời khi thắp nén hương trên nấm mồ người cha bị bom Mỹ sát hại: “Cha ơi! Con đâu ngờ gia đình ta lại lâm vào cảnh bi đát đến thế này. Con không còn cha nữa. Nhà cửa thì rách nát, các em con phải đi ở đợ, học hành dở dang, người yêu của con cũng bị bom Mỹ giết hại. Vết thương còn đầy trên thân hình con với hai bàn tay trắng. Cha ơi, sao đời con phải chịu nỗi bất hạnh lớn đến nhường này!”.
Rời quân ngũ, ít năm sau Dương Thanh Biểu được Tổ chức chọn vào Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, “làm lính” chiến trên mặt trận “Chống giặc nội xâm”. Anh cần mẫn, cẩn trọng với công việc tuần tự từ giúp việc, tham dự, đến chủ trì hàng chục vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng. Chức trách cũng lớn dần theo công việc, từ Kiểm sát viên lên Thẩm phán, Vụ Phó, Vụ Trưởng rồi Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... kiêm Tổng Biên tập tờ báo của Ngành.
Kỷ niệm sâu đậm nhất với anh là những vụ án được anh rút làm tiêu đề cho tập truyện ký từ Chương 8 đến Chương 14. Chương nào cũng xác lập ấn tượng rất sâu đậm với người đọc. Bảy vụ án tiêu biểu như 7 câu chuyện, cũng từa tựa như những truyện ngắn với những tình tiết ly kỳ, có thắt có mở, lắm khi rất bất ngờ, bởi lòng người gian trá, mưu mẹo; bởi sự tài tình của cán bộ Kiểm sát, Kiểm tra bóc mẽ, phơi trần sự thật trắng đen. Ví như vụ mượn nhà để ở giữa thời sơ tán chống Mỹ, rồi lập mưu biến thành nhà của mình rất bài bản ở số 15, phố Thịnh Yên, Hà Nội... được Viện trưởng Hoàng Quốc Việt chỉ đạo làm rõ trắng đen...
Đến vụ án Tạ Định Đề thoát vòng lao lý nhờ Viện Kiểm sát kiên quyết bóc mẽ thói định kiến, quy chụp, thiển cận của những bề trên cố tình can thiệp “chỉ đạo” theo ý cá nhân... Ở đó Dương Thanh Biểu luôn nhìn nhận và quý trọng đức tính nhân văn với nhân dân, kiên quyết với kẻ thù của các Viện trưởng Kiểm sát thuộc mỗi thời kỳ như Hoàng Quốc Việt, Trần Quyết, Lê Quang Đạo, Hà Minh Trí... luôn thấm thía lời dạy của Bác: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”!
Ấn tượng sâu đậm và kịch tính cũng rất rõ ở các vụ án thuộc các chương: Cuộc gặp không hẹn trước; Sự gục ngã và nỗi buồn; Đi tìm sự thật... Đúng là không hẹn trước, ấy là Vụ án Lê Văn Tống, tức Lý Tống về tội “cướp máy bay”. Lý Tống là tên ngổ ngáo, bất hảo, liều lĩnh. Hắn từng chỉ huy đội hình 3 chiếc máy bay A37 ném bom Đắk Tô, Tân Cảnh, Kon Tum vào ngày 13 tháng 2 năm 1973, thì chính hôm đó Dương Thanh Biểu, trong vai Đại đội trưởng Đại đội 1, Trung đoàn 28, chỉ huy đã bắn cháy đúng chiếc máy bay của Lý Tống. Nay thì hắn trong vai bị can, Biểu trong vai thẩm vấn... cuộc thẩm vấn trở nên lý thú và mùi mẫn. Chuyện rất thật mà đọc cứ ngỡ như đùa, như là truyện ngắn, thật như bịa... cuốn hút đến lạ lùng!
...Đi tìm sự thật là Vụ án Lã Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty Tiếp thị và Thương mại nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT cùng đồng bọn đã sử dụng vốn do ngân sách Nhà nước cấp cũng như đi vay nhiều ngân hàng để thực hiện các dự án nhưng sau đó đã tham ô cả 100 tỷ đồng. Một số bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Bộ NN&PTNN phạm tội thiếu trách nhiệm, nhưng lại đổ lỗi cho Bộ trưởng, nên công luận thông tin loạn xạ khiến Dương Thanh Biểu trong vai Phó Viện trưởng phải tổ chức đối chất giữa nguyên Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn, và Bộ trưởng đương nhiệm Lê Huy Ngọ với 2 thứ trưởng là Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân, tiếp đó Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nhận tham dự phiên tòa xét xử các bị cáo. Nhờ đó Bộ trưởng Lê Huy Ngọ giải được nỗi oan trước dư luận, bởi ông chỉ là người kế thừa chủ trương đã định và trách nhiệm thuộc bổn phận của các Thứ trưởng. Sự thật ấy chỉ là một khía cạnh của vụ án do Thị Oanh gây nên, nhưng bằng sự giải tỏa này khiến ông Lê Huy Ngọ mãi ở trong lòng dân, và họ yêu mến cứ gọi ông là “Bộ trưởng của Nông dân”…
Sự gục ngã và nỗi buồn là vụ án buôn bán ma túy xuyên quốc gia, còn gọi nôm na là vụ án Vũ Xuân Trường, diễn ra trong 2 năm 1996 – 1997. Cái kết lại được mở ra khi Siêng Phênh chuẩn bị ra pháp trường chịu án từ hình thì hắn khai hết sự thật về phía "quân ta" trong đó chủ mưu là Vũ Xuân Trường... Kết cục, niềm vui là cơ quan Kiểm sát đã làm rõ sự thật... Nhưng nỗi buồn miên man đau đớn, ấy là ngày xử án thì đúng là: Quân Ta xử quân Ta. Bởi, lần đầu tiên vụ án đông tới mấy chục bị cáo mà phần đông lại là cơ quan đánh án, điều tra, trong đó có cán bộ cao cấp như Vũ Xuân Trường. Buồn! Nỗi buồn đắng cay lay lả lòng tự trọng của cán bộ, chiến sĩ.
Tập truyện ký văn học về nỗi niềm người lính, cũng là cách để tác giả tri ân những đồng đội, đồng nghiệp và những người thân yêu đã đi qua đời mình như một lời biết ơn, lời cảm tạ. Âu đó cũng là những bài học bổ ích cho các thế hệ cán bộ tư pháp của hiện tại và tương lai. “Nỗi niềm người lính” rất có thể sẽ truyền thêm năng lượng sống hữu ích cho mỗi chúng ta!