Nỗi niềm những nạn nhân của tội phạm buôn người được giải cứu

Nhiều năm trôi qua, nhưng những ký ức kinh hoàng của các nạn nhân về những ngày tháng bị lừa bán sang nơi đất khách quê người khiến cho họ nhiều đêm ngủ không ngon giấc. Trong số họ, có những người đã được may mắn đoàn tụ với người thân và có một cuộc sống mới. Bên cạnh sự ấm ức, tủi hổ, không ít người vẫn còn đau đáu với những dang dở phía bên kia biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái tuyên truyền pháp luật cho hội viên phụ nữ và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Ảnh: Duy Thái

Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái tuyên truyền pháp luật cho hội viên phụ nữ và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Ảnh: Duy Thái

5 năm bị bán làm vợ ở xứ người, được trở lại Việt Nam, những gì xảy ra với chị L. H (quê ở Sơn La) ngày đó vẫn như mới. Thua kém về nhan sắc nên ở độ tuổi 25, chị vẫn thui thủi một mình trong khi bạn bè cùng trang lứa đã yên bề gia thất. Trước đó, vào một ngày cuối năm 2018, có 2 người phụ nữ tìm đến ngỏ ý muốn thuê chị L. H làm thuê với mức lương 2.000.000 đồng/tháng. Với chị, thật sự đây là cơ hội hiếm có để có việc làm với đồng lương mơ ước. Đồng ý đi cùng 2 người phụ nữ đó đến chỗ làm chính là chuyến đi định mệnh của đời chị H. Chị bị bán sang làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc và có với nhau 1 bé trai. Đến tháng 1/2022, chị được Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang giải cứu. Về Việt Nam, chị phải để lại con đã 3 tuổi bên Trung Quốc và vô cùng đau khổ, nhớ thương con da diết.

Không giống như chị H, ở tuổi 23 đang căng tràn sức sống, M (quê ở Thái Nguyên) vui tươi, nhí nhảnh cùng các bạn. Một lần gặp người bạn mới quen rủ đi chơi, M bị lừa bán sang một thị trấn heo hút ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) làm vợ của người đàn ông hơn mình đến cả chục tuổi... Sau 8 năm làm vợ của người đàn ông xa lạ với 2 đứa con, năm 2019, M phải để lại đứa con trai cho nhà chồng và đem theo con gái chưa đầy 5 tuổi vượt rừng, tìm đường về Việt Nam. May mắn thay, M đã được Đồn Biên phòng Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn phát hiện và đưa về nhà khi M đang đói lả, kiệt sức tưởng chừng sẽ chôn thân nơi rừng núi.

Y. L, dân tộc Xơ Đăng (sinh năm 2008, trú tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cũng là một trong những trường hợp được giải cứu vào ngày 20/8/2022. Trước đó, vào tháng 4/2022, L quen biết với một người đàn ông có tài khoản mạng Facebook là Lê Ngọc Nhất. Đối tượng Nhất dụ dỗ L sang Campuchia làm việc cho một công ty Trung Quốc với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”. Khi đối tượng dẫn L cùng 5 người khác nhập cảnh trái phép sang Campuchia qua đường mòn biên giới tỉnh Long An thì mỗi người làm việc một nơi, không liên lạc được với nhau. Nhất bán L cho công ty đầu tiên với giá 1.800 USD, sau đó, L tiếp tục bị bán cho công ty khác. Vì áp lực công việc đòi hỏi quá cao không đáp ứng được, L muốn xin nghỉ việc để về Việt Nam, công ty bắt L phải nộp 3.500 USD hoặc phải dụ dỗ được từ 3-5 người sang làm cho công ty thì mới cho về nước.

Ngày 17/7/2022, L đã tìm cách mượn điện thoại của một người Việt Nam làm cùng liên lạc qua Facebook cầu cứu gia đình. Bằng công tác nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Đắk Xú và Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), BĐBP Kon Tum đã phối hợp với Phòng PCMT&TP, BĐBP Tây Ninh giải cứu L thành công.

Thiếu tá Bùi Công Huân, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng PCMT&TP, BĐBP Kon Tum cho biết: Năm nay, với gia đình cô bé Y. L thì đây chính là một cái Tết đoàn viên, hạnh phúc. Hiện, Y. L đã được giới thiệu đi làm thuê cho một gia chủ tại quê nhà và thường xuyên được cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Xú thăm hỏi, động viên, hỗ trợ một số vật dụng thiết yếu. Y. L bây giờ đang rất hạnh phúc, em đang phấn đấu tiết kiệm tiền để giúp gia đình có một cái Tết đầy đủ và tươm tất.

Tại Đồn Biên phòng Xín Cái, chúng tôi gặp vợ chồng chị Mùa Thị Hòa đang vui vẻ trò chuyện cùng Thiếu tá Phan Anh Toản, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái. Được biết, chị Hòa được anh Toản và đồng đội giải cứu khi anh còn đang công tác tại Đồn Biên phòng Xín Mần vào tháng 7/2019. Trước đó, chị Hòa (sinh năm 1970, trú tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) bị lừa sang Trung Quốc làm thuê, khi sang đến nơi, chị bị ép buộc lao động tại một xưởng da giày và làm việc cật lực 12-15 giờ mỗi ngày. Không thể chịu đựng được nên chị đã tìm cách trốn về nước. May mắn thay, chị đã được BĐBP Hà Giang giải cứu. Năm 2020, chị đã lấy chồng và có 1 bé trai. Vô cùng biết ơn cán bộ đã trực tiếp cứu mình, năm nào cũng vậy, cứ đến gần dịp Tết, chị đều đưa chồng con lên thăm và cảm ơn những người đã mang lại cuộc sống mới cho mình.

Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục PCMT&TP BĐBP cho biết, tất cả các nạn nhân trên có người may mắn được giải cứu về đoàn tụ cùng gia đình, có người không may bỏ mạng nơi xứ người. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều nạn nhân được giải cứu đã có gia đình, có con với người nước ngoài nên khi được đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam, họ vẫn canh cánh những nỗi niềm riêng.

Mai Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-niem-nhung-nan-nhan-cua-toi-pham-buon-nguoi-duoc-giai-cuu-post458155.html