Nỗi niềm sâu kín của nữ thiếu tá xinh đẹp hay đóng phim lên sóng giờ vàng VTV

''Có đêm về đến nhà, con đã ngủ say và sáng sớm tôi lại đi nên hai mẹ con sống cùng mà hiếm khi trò chuyện, thấy áy náy và thương con vô cùng'', diễn viên Kim Dung trải lòng.

Lời tòa soạn

Các nghệ sĩ mặc áo lính vừa nuôi ngọn lửa đam mê nghệ thuật cháy trong tim, vừa được rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí vượt khó để chinh phục những thử thách và vươn tới thành công. Họ đi dọc chiều dài đất nước, từ núi rừng biên cương đến hải đảo xa xôi để mang tới những chương trình nghệ thuật đặc sắc, những món ăn tinh thần bổ ích cho các chiến sĩ và nhân dân, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Mời độc giả VietNamNet đón đọc những bài chân dung nghệ sĩ trong quân đội với những lát cắt sinh động và ý nghĩa.

Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, nữ diễn viên Kim Dung của Nhà hát Kịch nói Quân đội chia sẻ về tình yêu nghề, niềm tự hào với màu áo lính và cả những nỗi niềm sâu kín của một người mẹ.

Học mọi lúc mọi nơi

- Hướng tới kỷ niệm 80 năm truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, chắc hẳn công việc của Kim Dung tại Nhà hát rất bận rộn?

Kỷ niệm 80 năm truyền thống quân đội và 70 năm ngày truyền thống của Nhà hát Kịch nói Quân đội, chúng tôi dàn dựng vở diễn mới. Ngoài ra, tôi còn tham gia lịch trình biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trên địa bàn Quân khu 4, Miền Trung, Tây Nguyên… và các nhiệm vụ chính trị khác nên thời gian này khá là bận.

Kim Dung là gương mặt tiêu biểu trong phong trào của đơn vị.

Kim Dung là gương mặt tiêu biểu trong phong trào của đơn vị.

- Ngoài những lúc làm việc, chị có sở thích gì?

Tôi rất thích đọc sách, đặc biệt là sách về chính trị. Điều này có vẻ khác lạ vì ngày nay, người trẻ ít quan tâm đến thể loại này, nhưng tôi thực sự đam mê tìm hiểu về những tấm gương sáng trong quân đội, các nhà lãnh đạo chính trị lớn. Tôi bị thu hút bởi những thông tin ấy và thấy chúng bổ trợ rất nhiều cho công việc chuyên môn.

Để giải trí, tôi thường xem các gameshow: Shark Tank, Cơ hội cho ai, Gương mặt điện ảnh, Anh trai vượt ngàn chông gai hay Anh trai say hi… Mặc dù chuyên môn chính là kịch, không phải ca múa nhạc, nhưng để đáp ứng công việc hiện tại tôi phải làm việc với ê-kíp gồm đạo diễn, biên kịch, biên đạo, nhạc sĩ, âm thanh, ánh sáng và visual... Do chưa có cơ hội được đào tạo bài bản làm đạo diễn nên tranh thủ học hỏi mọi lúc mọi nơi.

Khi không có thời gian học trong lớp, tôi tranh thủ thu nạp kiến thức từ cuộc sống xung quanh để xây dựng nền tảng cho công việc. Tôi cũng may mắn được làm MC cho chương trình: Pháp luật và cuộc sống, Lá chắn… trên VTV5.

- Trước đây, Kim Dung học Cao đẳng Truyền hình, vậy ai là người đã nhìn ra tố chất để đưa bạn đến với sân khấu?

- Trước đây, Kim Dung học Cao đẳng Truyền hình, vậy ai là người đã nhìn ra tố chất để đưa bạn đến với sân khấu?

Là người rất yêu sân khấu, niềm đam mê được biểu diễn trước ánh đèn sân khấu đã đưa tôi tìm đến Nhà hát Kịch nói Quân đội và NSƯT Huỳnh Phương là người phát hiện ra khi tôi có cơ hội thoại thay vai trong một buổi chị diễn viên đóng chính bị ốm. “Các chị ơi, còn một quả ở gốc me chưa nổ…” là câu nói đưa tôi đến cơ hội là kíp 2 của nhân vật Thoa trong vở diễn Tôi và các nhân vật phụ, sau đó là Chuyện làng đồi của tác giả Hà Đình Cẩn.

Vở kịch đầu tiên khi thực tập ở Nhà hát, tôi được phân công ở kíp 2, nhưng NSND Lê Hùng thử vai đã thấy được 'ngọn lửa' nhiệt huyết của tôi nên trao đổi với NSND Minh Hằng. Đảng ủy Ban Giám đốc, Hội đồng nghệ thuật đã tin tưởng giao vai diễn chính cho tôi. Trong quá trình rèn luyện và phát triển nghề nghiệp tôi còn có cơ hội được học hỏi từ NSND Lê Chức, NSND Lê Khanh, NSƯT Mai Phương, NSƯT Nguyệt Hằng...

Có lúc tôi “giận” chính mình

- Có khi nào Kim Dung cảm thấy mình ôm đồm quá nhiều việc và không cân bằng được thời gian dành cho những người thân yêu?

Là người "say" việc nên nhiều lúc tôi cũng cảm thấy quá tải, không đủ thời gian dành cho những người thân yêu. Hồi con chưa đầy 1 tuổi, tôi phải đi công tác xa gần 2 tháng. Lúc đó, con vẫn chưa cai sữa và rất nhớ mẹ, mỗi ngày xem qua ảnh hay clip người nhà gửi cho, thấy con mong ngóng mẹ mà tôi "giận" chính mình vì không thể ở bên con.

Những khi phải đi công tác dài ngày, tôi phải gửi con cho cô giáo cả tháng trời, con hoàn toàn ở với cô để tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Lúc con ốm, mẹ ở xa, xót con vô cùng mà phải cố gắng khắc phục, mong rằng sau này lớn lên con sẽ hiểu cho mẹ. Có đêm về đến nhà, con đã ngủ say và sáng sớm tôi lại đi nên hai mẹ con sống cùng mà hiếm khi trò chuyện, thấy áy náy và thương con vô cùng.

Thời gian tới, tôi hy vọng có thể sắp xếp công việc để dành thời gian cho những người thân yêu, đặc biệt là con trai bởi với người phụ nữ, gia đình vẫn là điều quan trọng nhất.

Kim Dung và cậu con trai tên Minh Khang vừa đón sinh nhật 6 tuổi.

Kim Dung và cậu con trai tên Minh Khang vừa đón sinh nhật 6 tuổi.

- Chồng cũ của Kim Dung cũng là một nghệ sĩ mặc áo lính, những tưởng hai bạn sẽ đồng hành lâu hơn vì có sự thấu hiểu và chia sẻ trong công việc?

Cùng là nghệ sĩ trong quân đội, tuy nhiên, sự khác biệt quá lớn trong quan điểm sống và nghệ thuật khiến chúng tôi không thể đi tiếp. Cả hai quyết định dừng lại trong hòa bình. Hiện nay, tôi và anh vẫn là đồng nghiệp, cùng hỗ trợ nhau nuôi dạy bé Minh Khang.

Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Dung, Phó đoàn trưởng Đoàn diễn 1, Nhà hát Kịch nói Quân đội sinh năm 1990 tại Tuyên Quang. Với 12 năm làm việc tại Nhà hát Kịch nói Quân đội, Kim Dung có bề dày thành tích xuất sắc. HCB Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, HCV trong Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, HCV cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017. Năm 2021, cô giành HCĐ trong Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc. Năm 2023, cô tiếp tục giành được HCV trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân.

Ngoài ra, nữ diễn viên còn tham gia phim: Gái già xì-tin, Chạm tay vào nỗi nhớ, Lời ru mùa đông, Cao hơn bầu trời, Phố trong làng, Những nẻo đường gần xa...

Linh Đan

Minh Châu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thieu-ta-kim-dung-va-noi-niem-sau-kin-cua-nguoi-me-2329519.html