Nơi nóng lên nhanh nhất hành tinh, gấu Bắc Cực ăn thịt cả tuần lộc

Thị trấn Cực Bắc thế giới Longyearbyen - khu định cư xa xôi hàng đầu hành tinh, thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy - ước tính ghi nhận mức nóng gấp sáu lần trung bình toàn cầu.

Dù mới sống tại nhà thờ ở Svalbard được 3 năm, linh mục Siv Limstrand đã bị sốc bởi tác động của biến đổi khí hậu trong suốt thời gian qua.

“Vào mỗi chủ nhật, mỗi khi chúng tôi tề tựu để bày tỏ sự tôn kính với Chúa trời, biến đổi khí hậu cùng mối đe dọa từ hiện tượng này luôn nằm trong một phần lời cầu nguyện của chúng tôi”, vị linh mục nói. “Chúng tôi biết rằng đồng hồ đang quay ngược”.

Tại thủ phủ Longyearbyen, người dân luôn phải mang theo súng để phòng chạm trán với gấu Bắc Cực.

Băng tan khiến gấu Bắc Cực khó tìm hải cẩu - thức ăn chính của loài này. Vì vậy, nhiều con gấu đang khám phá khu vực có nhà ở nhằm tìm kiếm thức ăn. Hiện tại, loài này còn ăn cả tuần lộc, vốn không phải là con mồi của chúng.

Cộng đồng sinh sống tại khu vực này rơi vào nguy cơ đối mặt với lở tuyết khi mùa đông tới. Trong khi đó, họ lo ngại các trận lở bùn cuốn trôi mọi thứ vào mùa hè.

Các nhà khoa học liên tiếp nhận định Longyearbyen là nơi nóng lên nhanh nhất Trái Đất. Theo các chuyên gia từ Viện Địa cực Na Uy, khu vực này đang nóng lên nhanh hơn 6 lần so với trung bình toàn cầu.

Trong 50 năm qua, nhiệt độ ở Svalbard đã tăng 4 độ C. Động vật hoang dã cùng con người đang vật lộn để tồn tại ở đây, theo BBC.

Không còn là nơi “an toàn” cho cả người sống lẫn người chết

Tại nghĩa trang của nhà thờ, những cây thánh giá bằng gỗ màu trắng bám trụ vào sườn núi. Bên trái và bên phải của nghĩa trang có những rãnh, giống như đường hầm trong lòng đất. Những rãnh này là tàn tích của trận lở đất, gần như cuốn trôi toàn bộ nghĩa trang xuống dòng sông bên dưới.

"Khi tôi nhìn vào đây, nó giống như một vết thương”, linh mục Limstrand thở dài. “Nó phần nào gợi cho tôi về hành tinh đầy vết thương của chúng ta”.

Giờ đây, khi nguy cơ lở đất hoặc tuyết lở tăng lên rất nhiều, nghĩa trang cần được di dời. “Đây không còn là nơi an toàn cho cả người sống lẫn người chết”, bà Limstrand nói.

“Nếu là gấu Bắc cực, để tồn tại vào lúc này, tôi nghĩ cần phải siêu giỏi trong việc săn mồi vì hải cẩu - nguồn thức ăn chính của loài này - đang giảm dần”, nhà thám hiểm Bắc Cực Hilde Fålun Strøm chia sẻ. “Không chỉ vậy, lớp băng mà cả hải cẩu và gấu phụ thuộc vào cũng đang biến mất dần”.

 Vị trí của Longyearbyen. Ảnh: BBC.

Vị trí của Longyearbyen. Ảnh: BBC.

Kể từ những năm 1980, lượng băng trên biển vào mùa hè đã giảm một nửa. Theo Nature Climate Change, một số nhà khoa học lo ngại băng vào mùa hè sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2035.

Báo cáo này cùng với trận tuyết lở ở Longyearbyen vào năm 2015 khiến bà Strøm lo lắng. “Trận lở tuyết cướp đi sinh mạng của 2 người. Họ là những người đầu tiên ở Svalbard chết vì biến đổi khí hậu”, bà nói. “Chúng tôi không còn cảm thấy an toàn trong chính ngôi nhà của mình nữa. Sức mạnh thiên nhiên - vốn là thứ tôi luôn yêu thích - giờ đã vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Đối với Fålun Strøm, sự kiện này thành bước ngoặt cuộc đời. Bà bỏ việc làm trong lĩnh vực du lịch và thành lập dự án mang tên Hearts in the Ice, cùng với nhà thám hiểm người Canada Sunniva Sorby. Trong hai năm, họ sống một mình ở vùng hoang dã xa xôi nhất ở Bắc Cực.

“Tôi lo lắng về khí hậu. Tôi muốn tích cực tham gia tìm giải pháp. Tôi nghĩ vẫn còn thời gian để cứu một thứ gì đó”, bà nói.

Vẫn không từ bỏ nhiên liệu hóa thạch

Ít ai hiểu về Svalbard hơn Kim Holmén - cố vấn đặc biệt tại Viện Địa cực Na Uy - người đã nghiên cứu về quần đảo trong hơn 40 năm. Đứng tại chân sông băng Longyear, ông chỉ tay lên đỉnh sườn đồi mà theo ông từng là nơi đánh dấu mức của sông băng cách đây 100 năm.

Ông ước tính độ cao khoảng 100 m đã bị mất. Băng tan làm mực nước biển trên thế giới tăng. Số phận của nơi này gắn bó chặt chẽ với số phận của toàn thế giới.

Svalbard là điểm nóng địa chính trị, và chiến sự Ukraine đang ảnh hưởng tới nơi này. Ông Holmén cho biết xung đột hiện khiến việc hợp tác giữa các nhà khoa học khí hậu ở Nga và phương Tây đình trệ. Ông tin điều này làm suy yếu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 Ông Kim Holmén hiện có nhiệm vụ bảo vệ gấu Bắc cực. Ông luôn mang theo súng bên mình. Ảnh: BBC.

Ông Kim Holmén hiện có nhiệm vụ bảo vệ gấu Bắc cực. Ông luôn mang theo súng bên mình. Ảnh: BBC.

Trong khi đó, đứng sâu 8 km trong sườn núi tại Svalbard, ông Bent Jakobsen cho biết công ty của ông - Stoke Norske - sẽ sớm đóng cửa mỏ than cuối cùng còn sót lại ở Na Uy như một phần quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo.

“Quyết định này làm tôi buồn. Tôi đã ở đây cả đời. Tôi nghĩ về nó như một thị trấn khai thác than, và giờ điều này sắp kết thúc. Nó ngày càng giống một thị trấn du lịch”, ông nói.

Longyearbyen được thành lập là thị trấn khai thác than vào đầu thế kỷ XX, theo Insider. Tuy nhiên từ lâu, du lịch đã vượt qua khai thác than trở thành nguồn thu nhập chính của người dân Svalbard. Hàng chục nghìn du khách đến đây mỗi năm bằng máy bay và tàu thủy gây thêm áp lực môi trường cho nơi này.

Từ bỏ than đá ít nhất sẽ làm giảm lượng khí thải carbon cao chóng mặt tại Svalbard. Tuy nhiên, ông Jakobson không cảm thấy thuyết phục. “Nếu không lấy từ đây thì sẽ lấy ở nơi khác. Họ vẫn chưa tìm ra sản phẩm thay thế hoàn hảo”, ông nói.

Tuy nhiên, phóng viên BBC cho hay 2 tuần sau cuộc trò chuyện trên, công ty Store Norske thông báo trì hoãn đóng cửa khu mỏ. Quyết định này là do khủng hoảng năng lượng đang hiện hữu ở châu Âu.

BBC nhận định điều này đặt ra câu hỏi: Tại nơi nóng lên nhanh nhất Trái Đất còn không thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, thì liệu có thể hy vọng những nơi khác làm điều này?

Phó thị trưởng Longyearbyen, Stein-Ove Johannessen, đồng tình chiến lược xanh nên được phát triển từ nhiều năm trước. Trong khi đó, ông cũng nói than đá là nguồn cung cấp an ninh năng lượng quan trọng của quần đảo.

Giống như các cộng đồng trên khắp hành tinh, khi nói đến biến đổi khí hậu, Svalbard chỉ đơn giản là không hành động đủ, và cũng không đủ nhanh.

Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn khi bị chi phối phần nào bởi chiến sự Ukraine. Một lần nữa, các chính phủ trên khắp thế giới sẽ lại được hỏi liệu họ có sẵn sàng hy sinh hôm nay để cứu lấy ngày mai, BBC nhận định.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-nong-len-nhanh-nhat-hanh-tinh-post1369466.html