Nơi quy tụ dòng vốn, dòng tri thức chiến lược đột phá
Trong Hội nghị 'Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam' do Bộ Tài chính tổ chức tại TP.HCM chiều 28/3, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng TP.HCM phái đóng vai trò chủ chốt để kiến tạo một trung tâm tài chính toàn diện.
Trung tâm tài chính Việt Nam sẽ quy tụ các dòng vốn chất lượng và các dòng tri thức sáng tạo đột phá với các chuẩn mực quốc tế.
Nơi quy tụ các dòng vốn chất lượng
Phát biểu khai mạc hội nghị này, ông Nguyễn Văn Được- Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: TP.HCM hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò trở thành Trung tâm tài chính của Việt Nam.

Hội nghị xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam
Thành phố có nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu.
TP.HCM hiện là trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư lớn.
TP.HCM có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo... Chính quyền TP đã có những thiết kế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại như thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán hạ tầng số và các ứng dụng tài chính công nghệ.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM – Nguyễn Văn Được, việc hiện thực hóa trung tâm tài chính đầu tiên của Việt Nam chính là quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương.

TP HCM hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò trở thành Trung tâm tài chính của Việt Nam (Ảnh: BTC)
Việc Trung ương chọn TP.HCM làm trung tâm tài chính quốc tế là niềm vinh dự lớn và cũng là trọng trách nặng nề mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP phải nỗ lực để thực hiện thành công.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, rõ ràng TP.HCM cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, qua đó mong muốn có sự tham gia và hỗ trợ của các bên liên quan để thực hiện thành công mục tiêu này.
“TP rất mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, tổ chức tư vấn, các định chế tài chính, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng TP trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính này. TPHCM cam kết sẽ cùng Trung ương đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia... trong và ngoài nước để kiến tạ một trung tâm tài chính toàn diện; noi quy tụ những dòng vốn chất lượng, các dòng tri thức sáng tạo đột phá theo chuẩn mực quốc tế”, ông Nguyễn Văn Được nói.
Sớm có chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng, bối cảnh tài chính toàn cầu đang chuyển dịch nhanh chóng, nhiều trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đang tái cấu trúc mạnh mẽ để thích ứng, trở thành những đầu tàu về đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ tài chính và sản phẩm chuyên biệt.

Phối cảnh một trong những phương án để hình thành Trung tâm tài chính Việt Nam (Ảnh: BTC)
Việt Nam với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư cải thiện liên tục, đang đứng trước cơ hội vàng để tham gia và định vị vai trò của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.
Theo đó việc phát triển Trung tâm Tài chính Việt Nam được xác định là một trong những mũi nhọn chiến lược giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính phủ Việt Nam đang xây dựng dự thảo nghị quyết trình Quốc hội việc hình thành Trung tâm Tài chính tại Việt Nam, hướng tới thiết lập khung pháp lý mở, minh bạch với các chính sách ưu đãi đặc thù vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo nghị quyết sẽ tập trung vào ba nhóm chính sách chính, gồm: Thành lập Trung tâm Tài chính và bộ máy quản lý; Các cơ chế, chính sách áp dụng cho Trung tâm Tài chính; Quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp...
Chính vì vậy, hội nghị lần này sẽ cụ thể hóa hơn những bước đi của Việt Nam nói chung và TP.HCM riêng để xây dựng trung tâm tài chính.

Việc hiện thực hóa trung tâm tài chính đầu tiên của Việt Nam chính là quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ
“Chúng tôi mong rằng Trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ kết nối sâu rộng vào dòng chảy tài chính toàn cầu. Qua đó đóng góp vai trò bổ trợ cùng phát triển hài hòa với các trung tâm tài chính hiện hữu trên thế giới. Chúng tôi cũng cam kết đồng hành chặt chẽ với cộng đồng các nhà đầu tư trên chặng đường phát triển này”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thành công một Trung tâm Tài chính hiện đại, đẳng cấp quốc tế, không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng mà còn là nơi khởi phát những đột phá về tài chính xanh, tài chính số, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực.