'Nỗi sợ mơ hồ' khi làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học
Khi làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học thành phim, các nhà làm phim và đạo diễn thường có 'nỗi sợ mơ hồ' về lịch sử, lúng túng khi tiếp xúc với chủ đề này.
Thực trạng làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học tại Việt Nam
Không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như một “mảnh đất màu mỡ” để khai thác. Một thống kê cho thấy cứ năm tác phẩm điện ảnh thì có một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Tại Việt Nam, số lượng phim truyện sản xuất một năm là 40 phim, ở mức trung bình nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim rất phong phú, dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể kể đến như: phim Chị Tư Hậu (từ truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái); phim Con chim vành khuyên (từ truyện ngắn Câu chuyện một bài ca); phim Mẹ vắng nhà (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi)…
Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm như: Sao tháng 8; Hà Nội mùa đông năm 46; Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như Long Thành cầm giả ca; Những người viết huyền thoại; Mùi cỏ cháy; Đào phở và piano…
Thuộc khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024, hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” được tổ chức nhằm thảo luận những vấn đề đặt ra khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; những nhận thức phù hợp khi làm phim khai thác đề tài lịch sử, đối với chính sử, huyền sử và dã sử; vấn đề nâng tầm và phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, kinh nghiệm quốc tế.
Hội thảo do bà Đinh Thị Thanh Hương - Chủ tịch điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio chủ trì. Các khách mời là nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đạo diễn Charlie Nguyễn… đã đưa ra các ý kiến xoay quanh chủ đề làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.
Thách thức và cơ hội khi làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học
Chia sẻ về những thách thức và khó khăn khi chuyển tác phẩm văn học thành phim, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ Tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết “chúng ta bị hạn chế trong nghệ thuật và tư duy”: “Hai nền điện ảnh chuyển thể tác phẩm văn học lịch sử thành công là Mỹ và Trung Quốc. Mỗi khi xem tôi đều nghĩ đến cốt truyện, kịch bản và đọc lại tác phẩm văn học. Với đề tài này, thách thức đến từ chính chúng ta, từ đoàn làm phim, tác giả, nhà quản lý đến người xem, với cách nhìn khác nhau.
Với một tác phẩm lịch sử ở Việt Nam lâu nay có khó khăn là đôi khi tác giả tôn trọng lịch sử quá, hay mang nỗi sợ hãi mơ hồ về lịch sử, nhân vật và đề tài nên đã kìm hãm sự sáng tạo. Chúng ta phải được quyền tạo ra một không gian sáng tạo nhân vật hay giai đoạn lịch sử đó. Ở Việt Nam, có nhiều nhà làm phim tài năng làm ra các bộ phim sáng giá nhưng đề tài lịch sử bị hạn chế, đề tài văn học thì mở rộng hơn một chút. Chúng ta đang sợ hãi và tự ngăn cản mình, thiếu sáng tạo hay không dám phán định lịch sử. Chúng ta bị hạn chế trong nghệ thuật và tư duy”.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng bày tỏ “nỗi sợ mơ hồ” khi làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học thành phim. Anh cho biết: “Có nỗi sợ và hoang mang, bối rối, lúng túng khi tiếp xúc với chủ đề này dù nhiều người ôm ấp dự án lịch sử vô cùng hấp dẫn, mang tính kết nối giữa lịch sử và thế hệ ngày nay. Các nhà làm phim có nỗi sợ mơ hồ khi tiếp cận đề tài lịch sử và tác phẩm văn học để chuyển thể thành phim. Đây cũng là tâm tư của tôi nhiều năm qua. Nhiều người đón nhận phim lịch sử như một phim tài liệu, điều này sẽ ‘bó tay bó chân’ nhà làm phim. Nếu điện ảnh là lịch sử thì là câu chuyện khô khan, hoàn toàn không có cảm xúc. Khó khăn của chúng ta là làm sao để có cái nhìn đúng đắn về đề tài lịch sử”.
Trước câu hỏi, chính sách hiện tại và định hướng trong tương lai để hỗ trợ cho các tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học đề tài lịch sử, các nhà làm phim cần lưu ý điều gì? PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng đây là chủ đề quan trọng với sự phát triển điện ảnh nói riêng và sự phát triển văn hóa Việt Nam nói chung, đồng thời cũng là chủ đề gây tranh cãi.
"Tôi cho rằng các phim lịch sử sẽ phải là dòng phim quan trọng với đất nước. Chúng ta luôn mong muốn có các bộ phim của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Các bộ phim làm sao để truyền tải thông điệp văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, chính trị. Có nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển phim lịch sử Việt Nam, đặc biệt từ các cơ quan quản lý, cái này vừa đúng vừa sai. Tôn trọng lịch sử là trách nhiệm đạo đức của tất cả mọi người, đặc biệt là các nghệ sĩ. Lịch sử cần được tôn vinh và tôn trọng, trở thành động lực để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Chúng ta nên có nhiều chính sách khuyến khích dòng phim liên quan đến chủ đề lịch sử", PGS. Bùi Hoài Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông Bùi Hoài Sơn cũng nhắc tới bộ phim mang đề tài lịch sử ra mắt vào năm ngoái và gây tranh cãi là “Đất rừng phương Nam” khi đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. "Tôi tâm đắc ý kiến của đạo diễn Charlie Nguyễn. Đó là lịch sử có nhiều chi tiết đúng nhưng cũng có nhiều góc khuất nên chúng ta có thể sáng tạo để lịch sử hấp dẫn hơn, dễ đi vào trái tim con người hơn. Chúng ta phải tôn trọng giá trị lịch sử cũng như trách nhiệm đạo đức nhưng có thể sáng tạo song không phủ nhận những giá trị của lịch sử. Nhà nước nên có chính sách tạo điều kiện cho phim lịch sử bằng việc đặt hàng để có các bộ phim, tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm thời đại. Dù mọi thứ cần có thời gian để thích nghi và phù hợp hơn với thực tế, nhưng tôi nghĩ đây là một con đường đúng đắn", ông Bùi Hoài Sơn cho biết.