Nỗi sợ mơ hồ khi làm phim lịch sử ở Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói thẳng lý do vì sao đề tài phim lịch sử ít và hiếm thành công: 'Chúng ta hạn chế trong nghệ thuật và tư duy'.

Bà Đinh Thị Thanh Hương - Chủ tịch điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio, Chủ trì Hội thảo; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, PGS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ông Tiền Trọng Viễn - Giám đốc sản xuất As One Pro đến từ Trung Quốc và đạo diễn Charlie Nguyễn (từ trái qua). Ảnh: Quỳnh An

Bà Đinh Thị Thanh Hương - Chủ tịch điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio, Chủ trì Hội thảo; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, PGS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ông Tiền Trọng Viễn - Giám đốc sản xuất As One Pro đến từ Trung Quốc và đạo diễn Charlie Nguyễn (từ trái qua). Ảnh: Quỳnh An

Chúng ta thiếu sáng tạo hay không dám phán định lịch sử

Hội thảo chủ đề “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" diễn ra sáng 9/11 trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024. Có thể nói đây là hội thảo có tính thời sự và nói trúng vấn đề, chỉ đúng điểm yếu của đề tài phim lịch sử tại Việt Nam mà nhiều người dù biết rõ nhưng không hề nói ra.

Với sự chủ trì của bà Đinh Thị Thanh Hương - Chủ tịch điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio, các khách mời là nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đạo diễn Charlie Nguyễn; nhà sản xuất phim Trinh Hoan đã đưa ra các ý kiến thẳng thắn và xác đáng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi trả lời câu hỏi Thách thức, khó khăn khi chuyển tác phẩm văn học thành phim của bà Thanh Hương đã nêu ý kiến: "Hai nền điện ảnh chuyển thể tác phẩm văn học lịch sử thành công là Mỹ và Trung Quốc. Mỗi khi xem tôi đều nghĩ đến cốt truyện, kịch bản và đọc lại tác phẩm văn học. Với đề tài này, thách thức đến từ chính chúng ta: đoàn làm phim, tác giả, nhà quản lý, người xem... với cách nhìn khác nhau.

Với một tác phẩm lịch sử ở Việt Nam lâu nay có khó khăn là đôi khi tác giả tôn trọng lịch sử quá, hay mang nỗi sợ hãi mơ hồ về lịch sử (nhân vật và đề tài) nên đã kìm hãm sự sáng tạo. Chúng ta phải được quyền tạo ra một không gian sáng tạo nhân vật hay giai đoạn lịch sử đó. Ở Việt Nam có nhiều nhà làm phim tài năng làm ra các bộ phim sáng giá nhưng đề tài lịch sử bị hạn chế. Chúng ta đang sợ hãi và tự ngăn cản mình. Chúng ta thiếu sáng tạo hay không dám phán định lịch sử. Chúng ta hạn chế trong nghệ thuật và tư duy".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ ý kiến tại hội thảo sáng 9/11 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh An

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ ý kiến tại hội thảo sáng 9/11 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh An

Các nhà làm phim có nỗi sợ mơ hồ

Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ thêm: "Có nỗi sợ và hoang mang, bối rối, lúng túng khi tiếp xúc với chủ đề này dù nhiều người ôm ấp dự án lịch sử vô cùng hấp dẫn. Các nhà làm phim có nỗi sợ mơ hồ. Đó cũng là tâm tư của tôi nhiều năm qua. Nhiều người đón nhận phim lịch sử như một phim tài liệu, nó sẽ bó tay bó chân nhà làm phim. Nếu điện ảnh là lịch sử thì hoàn toàn không có cảm xúc, là câu chuyện khô khan".

Trước câu hỏi trực diện của bà Thanh Hương: Chính sách hiện tại và định hướng trong tương lai để hỗ trợ cho các tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học đề tài lịch sử, các nhà làm phim cần lưu ý gì? PGS. Bùi Hoài Sơn nói đây là chủ đề quan trọng với sự phát triển điện ảnh nói riêng và sự phát triển văn hóa Việt Nam nói chung, đồng thời cũng là chủ đề gây tranh cãi.

"Các phim lịch sử sẽ phải là dòng phim quan trọng với đất nước. Chúng ta luôn mong muốn có các bộ phim cho người Việt Nam, vì người Việt Nam. Các bộ phim làm sao để truyền tải thông điệp văn hóa, lịch sử, chính trị. Có nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển phim lịch sử Việt Nam, đặc biệt từ các cơ quan quản lý, cái này vừa đúng vừa sai. Tôn trọng lịch sử là trách nhiệm đạo đức với mọi người, đặc biệt là văn nghệ sĩ. Chúng ta có nhiều chính sách khuyến khích dòng phim này", PGS. Bùi Hoài Sơn nói.

Cảnh trong bộ phim "Đất rừng phương Nam" gây tranh cãi khi ra rạp năm ngoái. Ảnh: Galaxy.

Cảnh trong bộ phim "Đất rừng phương Nam" gây tranh cãi khi ra rạp năm ngoái. Ảnh: Galaxy.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cũng nhắc tới bộ phim đề tài lịch sử rất nóng ra rạp năm ngoái và gây tranh cãi là Đất rừng phương Nam khi đối mặt với nhiều ý kiến "thô thiển" từ cư dân mạng. "Tôi tâm đắc ý kiến của anh Charlie Nguyễn. Đó là lịch sử có nhiều chi tiết đúng nhưng cũng có nhiều góc khuất nên có thể sáng tạo để lịch sử hấp dẫn hơn, dễ đi vào trái tim khán giả hơn. Chúng ta phải tôn trọng giá trị lịch sử như giá trị đạo đức nhưng có thể sáng tạo. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho phim lịch sử bằng việc đặt hàng để có các tác phẩm xứng tầm thời đại", ông bày tỏ

Nhà quay phim Trinh Hoan bày tỏ quan điểm tại hội thảo. Ảnh: Quỳnh An

Nhà quay phim Trinh Hoan bày tỏ quan điểm tại hội thảo. Ảnh: Quỳnh An

Áp lực khi làm phim đề tài lịch sử từ công chúng lẫn cơ quan quản lý

Trong phiên 2 của hội thảo, nhà quay phim Trinh Hoan (Đất rừng Phương Nam) thẳng thắn nói: "Khó khăn khi làm phim chính là kinh phí và sự quan tâm của công chúng. Họ vẫn xem như một bộ phim tài liệu lịch sử. Đó là điều khó vượt qua. Và cũng khó thuyết phục các nhà đầu tư, khó thuyết phục khán giả và thu hồi vốn".

Ông Trinh Hoan khẳng định muốn làm phim lịch sử phải có sự hỗ trợ của nhà nước, đầu tiên là thuế bởi hiện nay không có chính sách nào để các nhà làm phim tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nhà nước cũng cần xem lại việc ưu đãi thuế VAT cho các nhà làm phim lịch sử.

"Muốn điện ảnh phát triển, đặc biệt là sản phẩm văn hóa lịch sử thì phải suy nghĩ tới việc tiếp cận nguồn vốn. Nhà nước phải có định hướng, tạo điều kiện cho các nhà làm phim lịch sử, nếu không sẽ rất khó để phát triển những bộ phim đề tài lịch sử", nhà quay phim Trinh Hoan kiến nghị.

Tiếp nối câu chuyện này, ông Tiền Trọng Viễn - Giám đốc As One Pro., nhà sản xuất rất nhiều bộ phim lịch sử thành công của Trung Quốc cho biết, các phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, đề tài lịch sử được khán giả Trung Quốc đón nhận rất nồng nhiệt. Một trong những ưu thế là các tác phẩm văn học và chi tiết lịch sử đi vào lòng dân rất sâu đậm như Thủy Hử, Tây Du Ký... Song vì khán giả quá am hiểu lịch sử nên đây là thách thức lớn, đòi hỏi các nhà làm phim phải sáng tạo mới có thể kéo người xem đến rạp.

Ông Tiền Trọng Viễn chia sẻ kinh nghiệm làm phim lịch sử ở Trung Quốc: "Trong quá trình chế tác phim và chọn tác phẩm, phải có quy trình cụ thể. Ví dụ Trường An tam vạn lý có chủ đề về nhà thơ Lý Bạch, chúng tôi phải nghiên cứu rất nhiều để đưa ra tác phẩm hoàn chỉnh. Làn sóng tích cực là các bạn trẻ thi nhau đọc thơ nhà Đường sau khi xem phim. Năm ngoái, chúng tôi còn có tác phẩm Phong Thần. Hai phim này thành công vì trên nền tảng văn học, ê-kíp có sự sáng tạo và thay đổi nhằm đưa tác phẩm đến gần với công chúng".

"Đào, Phở và Piano" là bộ phim được làm từ kinh phí nhà nước có thành công hiếm hoi ngoài rạp. Ảnh: ĐPCC

"Đào, Phở và Piano" là bộ phim được làm từ kinh phí nhà nước có thành công hiếm hoi ngoài rạp. Ảnh: ĐPCC

Ông cho biết khi quay phim đều có chuyên gia lịch sử, văn học hỗ trợ, phân tích từ những chi tiết nhỏ nhất. Các nhà làm phim thường nhận được sự trợ giúp của rất nhiều cơ quan, bộ ban ngành. "Quay phim ở đâu chúng tôi cũng được địa phương ủng hộ nhiệt tình về tài chính. Từ lúc viết kịch bản tới khi chế tác làm phim rồi ra rạp hay phát sóng, ở mọi giai đoạn chúng tôi đều được hỗ trợ kinh phí".

Chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Mỹ Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lam-phim-de-tai-lich-su-chung-ta-dang-so-hai-va-tu-ngan-can-minh-2340320.html