Nỗi sợ xã hội được dẫn truyền trong não như nào
Hạch hạnh nhân và chất dẫn truyền Serotonin trong não bộ có tác động đến cảm xúc sợ hãi của con người.
Nằm sâu bên trong thùy thái dương có một nhóm tế bào hình quả hạnh nhân gọi là hạch hạnh nhân, là mô não đóng vai trò sản sinh cảm xúc, nhận biết và điều tiết cảm xúc. Phần não bộ này là một phần của hệ thống Limbic, chịu trách nhiệm xử lý các trải nghiệm cảm xúc, được biết đến như là “trung tâm nỗi sợ”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi một người trải qua cảm xúc lo âu khi giao tiếp xã hội, hạch hạnh nhân trong não sẽ được kích hoạt khiến người đó càng lo lắng cao độ.
Chẳng hạn, khi giao tiếp với người lạ, người mắc chứng sợ xã hội trở nên rất căng thẳng vì lo rằng mình cư xử sai sót. Thậm chí họ xuất hiện các triệu chứng như mặt tái nhợt, tay chân run và tim đập nhanh, đó chính là hệ quả của hạch hạnh nhân hoạt động quá mức.
Hạch hạnh nhân giống một lò phản ứng, có thể nhanh chóng đưa ra phán đoán dựa trên các tín hiệu cảm xúc, huy động mọi hệ thống trong cơ thể để chống lại những nguy hiểm nhận biết được. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng nhận biết cảm xúc một cách chính xác. Đôi lúc có những trường hợp không cần thiết phải căng thẳng nhưng nó cũng sẽ khiến chúng ta cùng lo lắng, sợ hãi.
Hạch hạnh nhân hoạt động quá mức khiến cơ thể con người xuất hiện những phản ứng lo âu và hoảng sợ. Đây là phản xạ trực tiếp của hạch hạnh nhân sau khi nhận được các tín hiệu như “áp lực” và “lo lắng”. Những phản ánh đó căn cứ trên tình cảm, cảm xúc và ký ức tiềm thức được lưu trữ từ trước. Có nghĩa là, chúng chưa chắc đã hợp lý.
Bên cạnh hạch hạnh nhân, Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh liên quan tới cảm xúc hạnh phúc, có tác dụng nhất định trong việc kiểm soát cảm xúc, giảm lo lắng, điều tiết sự thèm ăn và giấc ngủ.
Serotonin có thể giúp chúng ta giảm căng thẳng, làm cho ta thấy thoải mái, thư giãn, tự tin, phấn chấn… mang lại cảm giác vui vẻ và hạnh phúc. Nồng độ Serotonin trong cơ thể quá cao hoặc quá thấp có thể khiến người ta tức giận, trầm cảm, lo âu, sợ hãi, thu mình, gắt gỏng… Do đó, điều quan trọng là phải giữ nồng độ Serotonin trong cơ thể ở mức bình thường.
Serotonin được sản xuất từ Tryptophan, được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Khi nồng độ Serotonin quá thấp, bạn có thể ăn các thực phẩm có hàm lượng Tryptophan cao như thịt, các loại hạt, trứng, chuối, quả óc chó… để làm tăng nồng độ Serotonin, đồng thời giảm phản ứng lo lắng và sợ hãi.
Nói chung, có thể dùng thuốc để giảm hoạt động của hạch hạnh nhân và điều tiết nồng độ Serotonin trong cơ thể, giúp thư giãn và bình tĩnh hơn, từ đó làm giảm các triệu chứng sợ hãi khi giao tiếp xã hội.
Nguồn Znews: https://znews.vn/noi-so-xa-hoi-duoc-dan-truyen-trong-nao-nhu-nao-post1467781.html