Nơi sự sống hồi sinh...
Mưa rừng xối xả cào cứa vào lán tạm của các đội rà phá vật cản thuộc Quân khu 2 đang làm việc tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương. Rừng núi thâm u, gió lạnh ướt át lùa qua tấm chăn mỏng. Tiếng thở dài xen với tiếng trở mình trằn trọc của bộ đội. Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội rà phá vật cản của Sư đoàn 316 quay sang nói với tôi: Công việc rà phá bom, mìn hết sức nguy hiểm, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Trời mưa đất nhão dò mìn dễ mất an toàn, mong sao mai tạnh ráo để bộ đội còn làm cho kịp tiến độ...
Như người lính trận trở về đời thường, Lùng Vai mang nhiều thương tích, đó là những trái bom, mìn còn lẩn khuất sâu trong lòng đất, tận hang cùng ngõ hẻm. Vết thương chưa lành nhưng nhiệm vụ “phên giậu” với Tổ quốc không lúc nào ngơi nghỉ. Ông Sùng Seo Sài, Trưởng thôn Cốc Phúng chia sẻ: Xã Lùng Vai có 5/21 thôn, trong đó có thôn Cốc Phúng thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Trở ngại lớn nhất của chúng tôi là đất rộng, nhưng diện tích nhiễm bom, mìn nhiều nên thiếu đất canh tác.
Theo người dân địa phương, đất Lùng Vai màu mỡ, phù hợp với cây chuối, dứa... Cây chuối trồng trên mảnh đất này buồng dài như chiếc đòn gánh, quả to như cổ tay, vị thanh ngọt đặc trưng, hàm lượng dinh dưỡng cao. Chuối ở Lùng Vai là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, mỗi tấc đất bị bỏ hoang là nỗi xót xa của cả người dân và chính quyền địa phương.
Đồng cảm và thấu hiểu những trăn trở của địa phương, Quân khu 2 đã điều động các đội công tác: Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316, Đội rà phá vật cản Lữ đoàn 543, Đội rà phá vật cản Bộ Tham mưu Quân khu đi rà phá bom mìn trên diện tích 100 ha thuộc xã Lùng Vai.
Đại úy Nguyễn Thanh Tú, Phó đội trưởng Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 dặn dò: Rà phá bom, mìn, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn như không được vội vàng, hấp tấp; người sau đi đúng vết chân người trước; buổi sáng đi đường nào, khi về phải đi đúng đường đó. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch nên khi vào địa hình mới có bom, mìn, anh nhớ thực hiện nghiêm.
Tại thực địa, cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng bắt tay vào làm nhiệm vụ. Người phát cây, dọn cỏ, người cầm máy dò mìn, người thuôn, đào đất… Động tác ai nấy đều rất khẩn trương nhưng cũng rất tỉ mỉ, cẩn thận, nhẹ nhàng. Cách tôi không xa, Binh nhất Liệu Văn Thành đang dùng thuốn dò mìn. Hai chân Thành đứng vững chắc, hai tay cầm thuốn chuyên dụng chọc xuống đất mềm dẻo nhưng dứt khoát gọn gàng từ trái sang phải, từ gần đến xa. Đôi mắt Thành tập trung cao độ vào mũi thuốn khi dò lần trong lòng đất. Sau hơn một giờ lần mò, tìm kiếm, mũi thuốn của Thành chạm vào vật gì đó “sồn sột”. Người lính trẻ nhẹ nhàng đặt thuốn dọc theo thân người, dùng xẻng hớt từng lớp đất mỏng khoảng 1 cm. Khẩn trương nhưng cũng rất từ tốn, đến độ sâu khoảng 30 cm, quả mìn 652A lộ ra. Thành nhẹ nhàng đưa quả mìn lên khỏi mặt đất. Đây là giây phút căng thẳng nhất của công đoạn dò gỡ mìn.
Không gian im lặng, đặc quánh khiến tôi nghe thấy cả nhịp tim mình đang đập và cảm nhận được từng mạch máu đang chuyển động trong động tác tay của Thành. Chiến sỹ tuổi đôi mươi có nước da đen cháy vì nắng gió này đưa tay vào túi công tác bên hông lấy ra một chiếc vam nhỏ vặn dưới đáy quả mìn, vô hiệu hóa kíp nổ rồi lật quả mìn lên mở nắp vô hiệu hóa miếng kẹp nổ. Mấy chục năm chôn vùi dưới đất nhưng bên trong quả mìn vẫn còn sáng loáng. Nhìn những chi tiết sáng bóng ánh lên sắc lạnh gợn trong tôi suy nghĩ rờn rợn. Mìn còn mới thế kia, chẳng may chân ai giẫm phải thì… Tôi không muốn nghĩ tiếp nữa vì cái điều “chẳng may” kia đã bị chiến sỹ công binh vô hiệu hóa thành công.
Sau khi gỡ xong quả mìn, Binh nhất Liệu Văn Thành, Đội rà phá vật cản của Sư đoàn 316 ra vị trí an toàn nghỉ giải lao. Bỏ chiếc mũ bảo hiểm và trang bị ra khỏi người, tôi thấy mặt Thành đỏ như gấc, mái tóc bết đẫm mồ hôi. Qua những giây phút căng thẳng, mệt nhọc, nét mặt Thành rạng rỡ: Tôi như trút được gánh nặng trăm cân. Triệt phá được mối nguy hiểm cho người dân. Một cảm giác tự hào, sung sướng lắm!
Rừng núi Lùng Vai trùng điệp, vẽ bức tranh thiên nhiên, chia ra mảng miếng rõ rệt. Trên đỉnh núi là rừng cây rậm rạp, dưới chân, thung lũng, dốc thoải phủ xanh màu của chuối, dứa, chè… Là cán bộ dày dạn kinh nghiệm, có thâm niên nhiều năm rà phá mìn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 cho biết, những nơi đất màu mỡ, yên ngựa thường là những nơi được bố trí mìn nhiều nhất. Chỉ huy bộ đội rà phá bom, mìn cần thường xuyên nhắc nhở bộ đội khi bước vào nơi nguy hiểm. Kinh nghiệm của những người đi trước là điều hết sức quý giá đối với lính công binh, vì chúng tôi không có cơ hội sửa sai từ lỗi của chính mình.
Sau gần 3 tháng, các đội rà phá vật cản của Quân khu 2 làm việc cật lực, hơn 60 ha đất ở xã Lùng Vai đã được quét sạch bom, mìn. Đất sạch đến đâu, bà con trồng cây, tăng gia sản xuất đến đó. Có những vạt đồi, chuối được trồng ngay sau khi bộ đội vừa dọn xong bom, mìn, nay đã cao lút đầu người. Dấu hiệu màu xanh của sự sống, màu xanh no ấm đang hồi sinh theo từng dấu chân của họ.
Bước vào nhiệm vụ rà phá vật cản như bước vào trận chiến thực sự, chỉ “sai một ly” cũng có thể đánh đổi bằng cả tính mạng. Vì thế, để hạn chế đến mức thấp nhất về thương vong, khi huấn luyện bộ đội, những cán bộ chỉ huy như Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đại úy Nguyễn Thanh Tú thường xuyên chú trọng làm tốt “3 thật”: Huấn luyện thật sát thực tế; thực hành thật chắc chắn; kiểm tra thật kỹ lưỡng. Để đạt được “3 thật”, chỉ có cách duy nhất là cán bộ, chiến sỹ phải “đội nắng thắng mưa” huấn luyện công phu, tỉ mỉ, bền bỉ, nhẫn nại trên bãi tập, tích cực truyền thụ kinh nghiệm của người đi trước với người đi sau, tăng cường kèm cặp giữa chiến sỹ cũ với chiến sỹ mới và bảo đảm thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ.
Trưởng thôn Cốc Phúng Sùng Seo Sài ánh mắt vui tươi cho biết: Bộ đội Quân khu 2 về rà phá bom, mìn, bà con tin tưởng, vui mừng lắm. Thời gian trước, chính quyền địa phương đã nhiều lần khảo sát để xây dựng công trình nước sạch cho người dân, nhưng do nơi đây có nhiều mìn và các loại vật liệu nổ nên chưa thể triển khai. Rà phá hết bom, mìn thì vùng đất bỏ hoang trước kia sẽ được thay bằng những ruộng lúa, bãi ngô... Công trình nước sạch cũng sẽ được đầu tư. Cuộc sống của người dân trong bản chắc chắn được cải thiện.
Lặng thầm với công việc trả lại bình yên và màu xanh cho đất, những người lính công binh các đơn vị thuộc Quân khu 2 đã và đang làm hồi sinh sự sống trên những dải đất biên cương Lào Cai. Mồ hôi, nước mắt và xương máu của các anh góp phần để người dân dựng xây cuộc sống no ấm, bám đất, bám rừng, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/noi-su-song-hoi-sinh-z62n2020052209315198.htm