Nội tệ giảm giá giúp thu ngân sách tăng
Đồng nội tệ giảm giá có thể giúp các nền kinh tế có nguồn thu ngân sách hải quan chiếm tỷ trọng lớn sẽ có thêm nguồn thu ngân sách đáng kể.Theo báo cáo tình hình thực hiện ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ tài chính, nguồn thu ngân sách tăng 22% so với cùng kỳ, bằng 94% dự toán. Trong đó, thu nội địa tăng 18,8% (bằng 88,9% dự toán), thu từ dầu thô tăng 103,5% (bằng 213% dự toán), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 22,1% (bằng 100,8% dự toán).
Theo báo cáo “Triển vọng ASEAN, củng cố tài khóa: Một chặng đường dài” bàn về chính sách tài khóa ở các nước trong khu vực ASEAN của HSBC, hiện các quốc gia đang ứng phó với biến động khó lường của môi trường kinh tế vĩ mô.
Các vấn đề này được quan tâm nhiều do những đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị, lạm phát tăng và giá dầu cao lên.
Không giống như chi ngân sách khi chính phủ có thể chủ động kiểm soát ngân sách, nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào những thay đổi của các chỉ số kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn như lạm phát đang gia tăng, tiền của các nước thuộc ASEAN đã mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, trong khi tốc độ tăng trưởng của khu vực được dự báo sẽ chậm lại do nhu cầu của thế giới sụt giảm.
“Sự không chắc chắn của môi trường kinh tế vĩ mô ngày nay đồng nghĩa với sự không chắc chắn về nguồn thu ngân sách cơ bản của một quốc gia. Đó là lý do vì sao phần lớn chính phủ các nước ASEAN đang dự toán tăng trưởng thu ngân sách trong năm 2023 thấp hơn xu hướng trước đây”, báo cáo HSBC nhận định.
Khối nghiên cứu của HSBC cũng đưa ra kịch bản ước tính những thay đổi về tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá ngoại tệ có thể tác động đến thu ngân sách chính phủ như thế nào.
Theo báo cáo, với Việt Nam, ước tính mỗi thay đổi 1 điểm phần trăm tiền đồng giảm giá có thể mang về cho ngân sách khoảng 104 triệu đô la, còn nếu lạm phát thay đổi 1 điểm phần trăm thì tăng thêm 357 triệu đô la.
“Với Philippines và Việt Nam, hai nền kinh tế có thu ngân sách hải quan chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách, đồng nội tệ giảm giá có thể tạo ra một nguồn thu ngân sách đáng kể”, báo cáo nhận định.
Tác động của lạm phát cũng ở hai chiều, vì khi giá hàng hóa cao hơn thì thu thuế nhiều hơn, nhưng nếu người dân giảm nhu cầu, mua hàng hóa ít đi thì nguồn thu thuế cũng giảm.
Báo cáo cũng cho thấy trên thực tế, tăng trưởng thu ngân sách năm 2022 tính tới thời điểm hiện tại của nhiều quốc gia ASEAN đang ở mức cao so với trước đây, bao gồm cả Việt Nam.
Dù vậy, sau hai năm tung ra những gói hỗ trợ tài khóa không nhỏ, thâm hụt được dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2022. Ở ASEAN, phần lớn nguyên nhân là do những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp còn tăng nhằm giảm tác động của tình trạng lạm phát gia tăng, đặc biệt là trường hợp Malaysia và Indonesia.
Còn với Singapore, Indonesia và Việt Nam, các nước này nhiều khả năng sẽ đưa mức thâm hụt về mức trước đại dịch. Malaysia, Thái Lan và Philippines sẽ duy trì thâm hụt tài khóa lớn, cần nhiều thời gian hơn để củng cố, báo cáo HSBC nhận định.
D.Nguyễn
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/noi-te-giam-gia-giup-thu-ngan-sach-tang/