Nơi tên bạn là một bài ca
Tại ngôi làng Kongthong hẻo lánh ở vùng nông thôn đông bắc Ấn Độ, mỗi người dân làng sẽ có tới ba cái tên: một cái tên thông thường, một giai điệu độc đáo, và một giai điệu ngắn hơn để làm một biệt danh.
Một điệp khúc tiếng ve sầu vang lên từ những khu rừng rậm cận nhiệt đới khi chiếc ô tô đi bấp bênh qua con đường hẹp khoét sâu vào những ngọn đồi dốc. Quanh một khúc cua, một giai điệu khác trôi qua thung lũng - giai điệu này nhẹ nhàng hơn, du dương hơn. Một vài khúc quanh nguy hiểm nữa sau đó, những ngôi nhà đầu tiên của làng Kongthong hiện ra trước mắt, kèm theo nhiều giai điệu bay bổng khác trong không khí khi một người dân trong làng gọi người khác.
Nép mình giữa đồi East Khasi xanh tươi của bang Meghalaya phía đông bắc Ấn Độ, bạn chỉ có thể đến làng Kongthong bằng cách lái xe 3 tiếng từ thủ phủ Shillong của bang. Dân cư ở những nơi này còn thưa thớt, và ngôi làng được bao quanh bởi những rặng núi cao tráng lệ và những hẻm núi sâu đến chóng mặt. Đây cũng là quê hương của một truyền thống độc đáo gọi là “jingrwai iawbei”, đã phát triển mạnh mẽ ở đây trong nhiều thế kỷ. Theo truyền thống này, mỗi đứa trẻ sơ sinh ở Kongthong đều được người mẹ ban cho không chỉ một cái tên thông thường mà còn cả một giai điệu du dương riêng biệt khi chúng sinh ra. Trong khi tên thật mọi người chỉ được sử dụng cho các giấy tờ chính thức, giai điệu này trở thành danh tính của họ cho suốt cuộc đời. Một khi ai đó qua đời, giai điệu của họ sẽ đi theo họ, không bao giờ được lặp lại cho bất kỳ ai khác.
“Đó là cách người mẹ thể hiện tình yêu và niềm vui vô bờ bến khi đứa con chào đời”, bà Shidiap Khongsit, một phụ nữ thuộc bộ tộc Khasi – bộ tộc sống ở Kongthong. Bên trong túp lều lợp mái tranh nghiêng, bà Khongsit và chồng bà Bring Khongjee bận rộn đốt lửa. Giữa lúc thúc gỗ lên lửa bằng cách thổi không khí qua một đường ống dài, bà kể về bốn đứa con của mình và hát tên giai điệu của chúng - mỗi tên dài từ 14 đến 18 giây và đều khác biệt rõ rệt. “Đây là phiên bản dài hơn, để chúng tôi hát trên cánh đồng khi một người cần gọi ai đó qua những ngọn đồi và thung lũng”, bà giải thích.
Trước đây, các giai điệu được dùng để tìm thấy nhau trong rừng khi săn bắn, đồng thời cũng là để “xua đuổi tà ma”. “Chúng tôi tin rằng những linh hồn xấu sống trong rừng không thể phân biệt được các giai điệu với nhau, hoặc với tiếng kêu của động vật”, bà Khongsit nói. “Do đó, bạn sẽ không gặp nguy hiểm gì khi được gọi bởi giai điệu của mình trong rừng”. Bà ấy cũng giải thích rằng cái tên đặc biệt này cũng có một phiên bản ngắn hơn, một trích đoạn từ giai điệu dài như thể là một biệt danh. Khi nghe từ xa, các giai điệu giống như tiếng huýt sáo, đó là lý do tại sao Kongthong được mệnh danh là “Ngôi làng huýt sáo”.
"Không ai có thể nói chắc truyền thống bắt đầu từ khi nào, nhưng hầu hết đều đồng tình rằng nó đã xuất hiện từ khi làng Kongthong ra đời”, bà Kongsit cho biết. “Bản thân Kongthong đã ở đây ngay cả trước khi vương quốc Sohra được thành lập bởi bộ tộc chúng tôi và bộ tộc từ các làng khác trong khu vực”. Nếu xét sự thật rằng vương quốc Sohra được thành lập ở thị trấn Cherrapunji gần đó, từng nổi tiếng là nơi ẩm ướt nhất thế giới, vào khoảng đầu thế kỷ 16, thì ngôi làng – và cả truyền thống của nó – giờ đã hơn 500 năm tuổi. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, tục lệ này chưa bao giờ được ghi lại cho đến gần đây.
Tiến sĩ Piyashi Dutta, hiện là trợ lý giáo sư tại Trường Truyền thông Amity ở thành phố Noida, đã tìm hiểu về làng Kongthong trong khi viết bài luận để lấy bằng tiến sĩ của mình. “Jingrwai iawbei thực chất có nghĩa là một giai điệu (jingrwai) được hát để tôn vinh tổ tiên, hoặc người mẹ đầu tiên của bộ tộc (iawbei) . Vì vậy, tục lệ này cũng mang một ý nghĩa biểu tượng - rằng họ không chỉ đang gán một giai điệu cho những đứa trẻ sơ sinh, mà còn bày tỏ sự kính trọng với tổ tiên của họ”, cô nói.
Con trai của bà Kongsit, anh Rothell Khongsit đã chuyển đến Shillong để học cao hơn và tìm được một công việc chính phủ ổn định, để rồi lại từ bỏ nó và chuyển về làng. Giờ đây, anh là chủ tịch Ủy ban Phát triển Làng Kongthong và là thư ký của Hiệp hội Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp Bản địa của làng. “Tôi không hài lòng với công việc của tôi trong thành phố lớn”, anh nói. “Trái tim của tôi thuộc về ngôi làng này, và tôi có niềm đam mê quảng bá văn hóa của chúng tôi”.
Cho đến gần đây, anh Rothell cho biết, dân làng không biết rằng tục lệ độc đáo của họ có thể thu hút du khách. “Nó đã ăn sâu vào DNA của chúng tôi. Một người phụ nữ không được dạy cách sáng tác một giai điệu, nó đơn giản là đến với cô ấy một cách tự nhiên sau khi sinh con. Chúng tôi học các giai điệu được ban cho mình, và cho các thành viên khác trong gia đình và bạn bè, giống như cách chúng tôi học tiếng mẹ đẻ - bằng cách lắng nghe chúng kể từ khi sinh ra”.
Mặc dù vậy, gần đây, với sự quan tâm từ bên ngoài ngày càng tăng, ngôi làng đang bắt đầu nhận ra tiềm năng du lịch của mình. Vào năm 2014, một con đường chính thức đến Kongthong đã được thiết lập để thay thế con đường mòn xuyên núi trước đây; và một năm trước đó, một ngôi nhà homestay được xây dựng để dành cho du khách ghé thăm ngôi làng. Tháng 9 năm nay, Kongthong đã được đề cử cho giải thưởng Làng Du lịch Đẹp nhất của UNWTO, nơi công nhận “những ngôi làng nông thôn biết cách áp dụng các phương pháp tiếp cận tiến bộ đối với ngành du lịch”
Đi qua ngôi làng, bạn sẽ thấy con đường quanh co nào cũng có một hàng hoa bao quanh, được điểm xuyết bởi những con bướm nhiều màu sắc. Những túp lều tranh nằm rải rác khắp nơi một cách ngẫu hứng. Ngôi làng cũng đặc biệt sạch sẽ và không có rác. Đứng trên điểm quan sát xuống toàn cảnh bức tranh tuyệt đẹp các rặng núi xung quanh, anh Rothell kể về kế hoạch phát triển Kongthong như một ngôi làng di sản.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-ten-ban-la-mot-bai-ca-post1404429.tpo