Nối thành công cẳng chân gần đứt lìa cho người phụ nữ bị tai nạn giao thông
Cẳng chân phải của một phụ nữ gần đứt lìa do tai nạn giao thông được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh nối lại thành công.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bệnh nhân L.T.N (74 tuổi, trú xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện với vết thương gần đứt lìa cẳng chân phải do tai nạn giao thông.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Khoa Ngoại tổng hợp phối hợp với Khoa Chấn thương chỉnh hình nhanh chóng xử trí hồi sức tích cực, truyền dịch, truyền máu, giảm đau, thực hiện xét nghiệm... Tiếp đó, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình đã cố định xương, nối gân, còn bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp tiến hành nối 2 động mạch và tĩnh mạch.
Bác sĩ Trần Viết Công, Khoa Ngoại tổng hợp, trưởng kíp phẫu thuật cho biết ca mổ diễn ra trong hơn 5 tiếng đồng hồ, ê kíp đã thành công nối cổ bàn chân phải cho bệnh nhân N.
Theo bác sĩ Công, quá trình phẫu thuật khá khó khăn do vết thương phức tạp, các mô cơ dập nát nhiều, mạch máu, gân cơ khó xử lý. Ê kíp đã rất nỗ lực, nhanh chóng xử trí và ưu tiên khâu nối vi phẫu mạch máu gồm 2 động mạch và tĩnh mạch cho bệnh nhân nhằm tái thông mạch máu bàn chân nhanh nhất có thể.
Rất may mắn là bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời, trong khung “giờ vàng” để cứu phần chi bị đứt gần lìa cho bệnh nhân là trước 6 tiếng đồng hồ. Nếu để lâu hơn, các mô bắt đầu chết, việc nối liền khó thành công.
Hiện tại bệnh nhân N. tỉnh táo, huyết động ổn định; bàn chân và các ngón chân hồng ấm, có thể cử động nhẹ. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại Khoa Ngoại tổng hợp. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động trở lại bình thường.
Bác sĩ Công khuyến cáo, đối với các trường hợp bị đứt lìa hay gần lìa chi (bàn tay, bàn chân), bệnh nhân cần được làm sạch vết thương, băng ép cầm máu, bất động phần chi bị đứt hoặc bảo quản phần chi đứt lìa. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Việc bảo quản phần chi đúng cách và phẫu thuật càng sớm thì tỷ lệ nối thành công cũng như phục hồi chức năng càng cao.