Nơi thờ người con gái họ Vương là cung phi triều Lê

Tọa lạc ở trung tâm thôn Chu Đậu với không gian thoáng đãng, đình Chu Đậu thờ 3 vị Thành hoàng làng, trong đó có Vương Quý Thị, cung phi của vua triều Lê (thế kỷ XVIII).

Toàn cảnh đình Chu Đậu

Chu Đậu là một vùng quê trù phú nằm bên sông Thái Bình, thuộc tổng Thương Triệt, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, Nam Sách). Tại đây không chỉ nổi tiếng với nghề gốm sứ cổ truyền mà còn lưu giữ những thiết chế văn hóa đặc sắc với các di tích lịch sử có giá trị. Tọa lạc ở trung tâm của thôn với không gian thoáng đãng, đình Chu Đậu thờ 3 vị Thành hoàng làng, trong đó có Vương Quý Thị, cung phi của vua triều Lê (thế kỷ XVIII).

Bài trí thờ các vị Thành hoàng làng, trong đó có bà Vương Quý Thị

Văn bia còn lưu giữ tại đình ghi lại rằng bà cung phi Vương Quý Thị tên thật là Ngọc Viên, người ở trang Đặng Xá, tổng Thượng Triệt, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Mỹ Xá, Minh Tân, Nam Sách). Từ thuở thanh xuân, bà đã được tuyển vào cung vua Lê. Bà là người đức hạnh, hiền thục, đoan trang, diễm lệ, cứu giúp nhiều người nghèo qua cơn khốn đốn. Ba làng Đặng Xá, Chu Đậu, Uông Thượng được bà ban cho phúc lớn, ân dầy. Bà sinh được một công chúa tên húy là Ngọc Ân nhưng chẳng may cả hai mẹ con đều mất sớm. Vua lấy làm thương tiếc đã ban chỉ cho người dân ba làng trên thờ bà. Hằng năm, đến ngày giỗ (21.5 âm lịch), ở đây chiếu theo ước lệ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để cúng bà.

Hiện đình Chu Đậu còn giữ được 2 đạo sắc phong thời Nguyễn cho bà. Năm Khải Định thứ 2, ngày 18.3 bà được phong Trịnh Uyển. Năm Khải Định thứ 9, bà được phong Trai Tĩnh Trung Đẳng thần.

Hòm sắc cổ bên trong đựng 5 sắc phong triều Nguyễn

Nhớ công ơn của bà, ba làng Chu Đậu, Mỹ Xá, Uông Thượng đồng lòng cùng xây dựng đình ở mỗi thôn để phụng thờ bà.

Trải qua thời gian, đình Chu Đậu khởi dựng đầu tiên vào thời Lê Trung Hưng bị hư hại. Vào thời Nguyễn, dân làng xây dựng ngôi đình khang trang to đẹp hơn trên khuôn viên đình cũ với kiến trúc kiểu chữ J gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, kết cấu khung vì, cột bằng gỗ tứ thiết, mái lợp ngói mũi truyền thống.

Bia "Chu Đậu xã phụng tự bi - vạn thế phụng tự bi" lập năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đời vua Lê Dụ Tông

Khoảng những năm 1957-1960, đình bị hạ giải hoàn toàn. Năm 1990, nhân dân trong làng lại góp công, góp của xây 1 gian đình bằng tranh tre đơn giản. Năm 2017, theo nguyện vọng của chính quyền và người dân địa phương, ngôi đình được xây dựng lại trên nền đất HTX trước kia (cách đình cũ khoảng 500 m).

Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung theo kiểu đao tàu déo góc, chất liệu bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Móng và tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, kết cấu vì kèo kiểu chồng giường. Họa tiết trang trí hoa văn lá hóa long cách điệu truyền thống. Trước cửa đình có ao nước xanh mát quanh năm.

THẬP NHẤT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/noi-tho-nguoi-con-gai-ho-vuong-la-cung-phi-trieu-le-139682