'Nơi trú ẩn' không còn an toàn với cộng đồng người Mỹ gốc Á
Các sàn khiêu vũ trở thành 'nơi trú ẩn' cho cộng đồng nhập cư gốc Á trung niên và cao tuổi trên khắp nước Mỹ, khi họ tới để bầu bạn, tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Đối với Chris Cho, câu lạc bộ khiêu vũ Star Ballroom ở Monterey Park không chỉ là nơi anh học điệu foxtrot, cha cha và điệu valse, mà đó còn là ngôi nhà thứ 2. Khi mới chỉ là một đứa trẻ vào đầu những năm 2000, anh đến đây sau giờ học hàng ngày, ban đầu là để ngắm các anh chị nhảy, sau đó là để học hỏi các vũ công nổi tiếng đến từ châu Âu.
Năm 18 tuổi, anh trở thành giáo viên hướng dẫn, chủ yếu dạy những người Trung Quốc bằng tuổi bố mẹ và ông bà anh. “Star luôn ở đó nếu tôi cần dạy học hoặc nghỉ ngơi, thư giãn”, người đàn ông 33 tuổi nói. “Đó là nơi anh chị em và tôi lớn lên”.
Dù giờ đã có phòng tập cho riêng mình, Cho vẫn dạy tại Star Ballroom 4 buổi/tuần. Anh kết thúc lớp học tối thứ 7 chỉ một giờ trước khi một tay súng 72 tuổi tới địa điểm và giết chết 11 người, bao gồm cả ông chủ Ma Ming Wei.
Vụ xả súng tại Star Ballroom, và sau đó là tại Lai Lai Ballroom and Studio ở Alhambra gần đó, đã giáng một đòn vào trụ cột văn hóa nhập cư địa phương ở khu vực Thung lũng San Gabriel - nơi có các thành phố nhiều người châu Á sinh sống, theo Guardian.
Nhiều người nói các phòng khiêu vũ như Star Ballroom là nơi những người lớn tuổi tìm tới và bầu bạn khi về hưu, và là nơi những vũ công đầy tham vọng như Cho trưởng thành và tiếp tục giành chức vô địch.
Trong khi đó, theo NBC News, nhiều người nhập cư gốc Á lớn tuổi đã khiến khiêu vũ trở thành phần không thể thiếu trong văn hóa người Mỹ gốc Á trên khắp cả nước. Trong nhiều thập niên, họ dựa vào loại hình nghệ thuật này không chỉ để trị liệu tinh thần, mà còn là cơ hội hiếm có ưu tiên hạnh phúc chính họ sau khi vượt qua căng thẳng khi nhập cư đến đất nước mới.
“Đó là cơ hội thoát khỏi mọi nghĩa vụ nghề nghiệp và gia đình, đồng thời làm điều gì đó cho bản thân, trở thành 'con công' tỏa sáng theo đúng nghĩa đen", nhà văn SanSan Kwan nói phòng khiêu vũ trong mắt người Mỹ gốc Á.
"Đi khiêu vũ giống như đi nhà thờ vậy"
Yalin Foulk - nhân viên kế toán bán thời gian kiêm trợ lý tại Star Ballroom - mô tả địa điểm này giống như thiên đường dành cho người trung niên và cao tuổi nhập cư từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Bà nói một phần là do Medicare trợ cấp các lớp học khiêu vũ riêng và theo nhóm cho người cao tuổi - đối tượng không đủ khả năng chi trả cho nhiều buổi học/tuần.
“Họ rất hạnh phúc khi tới đây”, người phụ nữ 62 tuổi từng khiêu vũ tại Star Ballroom và nhiều studio khác trên khắp Thung lũng San Gabriel trong hơn một thập kỷ cho biết.
Theo NBC News, cứ 3 lần/tuần, ông Edward Wan - 78 tuổi, ở Bethesda, Maryland - lại đến phòng khiêu vũ, tham gia cùng những người nhập cư lớn tuổi Trung Quốc. Ông nói khiêu vũ như một phần thiết yếu trong cuộc sống. Ông vừa mới đính hôn với bạn nhảy Ruth Lee, nói khiêu vũ là cách ông vượt qua nỗi cô đơn, thậm chí tìm lại được tình yêu sau cái chết của vợ.
Trong bài báo nghiên cứu năm 2007 cho Tạp chí Nghiên cứu người Mỹ gốc Á, tác giả George Uba viết các vũ công người châu Á - Thái Bình Dương ở miền Nam California đã "chuẩn hóa lại" bộ môn khiêu vũ trong phòng khiêu vũ thành "hoạt động xã hội xuyên quốc gia". Đây từng được coi là trò tiêu khiển yêu thích của giới thượng lưu.
Ông viết khu vực Thung lũng San Gabriel đông dân cư châu Á “có số phòng tập khiêu vũ quốc tế lớn nhiều hơn toàn bộ quận Cam”. Ông nói thêm những studio như vậy không tồn tại ở khu dân cư giàu có đa số là người da trắng như Santa Monica và Malibu.
Min Zhou - giáo sư xã hội học và nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Los Angeles - cho biết ở Trung Quốc, khiêu vũ hiện đại đặc biệt phổ biến với phụ nữ trung niên và lớn tuổi vì nhiều người nghỉ hưu ở tuổi 50.
“Những người phụ nữ này có rất nhiều năng lượng”, bà nói. “Họ khiêu vũ như cách hiệu quả để giữ dáng và khỏe mạnh, cũng như giao lưu và đi chơi với bạn bè”.
Vị giáo sư nói thêm các phòng khiêu vũ cũng hoạt động như không gian văn hóa xã hội quan trọng đối với cộng đồng người châu Á.
Irene Ng - người điều hành Imperial Ballroom Dance Studio cùng với bạn nhảy - cho biết thông thường, niềm vui vẫn tiếp tục ngay cả sau khi buổi khiêu vũ kết thúc, khi các học viên sẽ cùng nhau ăn uống. Bà mở lớp học ngay cả khi thời tiết xấu, bởi nhiều người không muốn bỏ lỡ bất cứ buổi học nào.
Con rể của bà Zhou là người Việt Nam và là khách quen tại Star Ballroom trong nhiều năm. Bà nói 3 lần/tuần, 2 vợ chồng sẽ lái xe hơn 50 km, vượt qua tắc đường vào giờ cao điểm ở Los Angeles để tham gia lớp học. Đáng lẽ họ sẽ có mặt ở đó vào tối 21/1, nhưng đã ở nhà để ăn bữa cơm tất niên với gia đình.
“Tôi nói đùa đi khiêu vũ giống như đi nhà thờ với họ, một phần rất quan trọng trong cuộc sống”, bà Zhou nói.
"Bạo lực không thể ngăn chúng ta nhảy múa"
Với nhiều người nhập cư châu Á, khiêu vũ không chỉ mang lại cơ hội tập thể dục và giao lưu. Mỗi năm, rất nhiều vũ công tham gia các cuộc thi khiêu vũ địa phương ở hạng mục “Pro-Am” - nơi các chuyên gia khiêu vũ bắt cặp với học sinh của họ. Marlene Xu, 67 tuổi, cho biết mỗi màn trình diễn đều hứa hẹn điểm đột phá.
“Điều này giống như thử thách cho bản thân, để trở thành phiên bản tốt hơn năm cũ”, bà Xu - người bắt đầu khiêu vũ tại Star Ballroom bảy năm trước - cho biết.
Phòng khiêu vũ cũng là nơi bà phát triển mối quan hệ xã hội và tình bạn lâu dài, trong đó có ông chủ Ma. “Ông ấy là người rất chu đáo và yêu thương người khác”, bà nói, kể rằng ông luôn lái xe đưa bà về nhà nếu học tới khuya. “Ông ấy đem lại cảm giác như một gia đình ở đó vậy”.
Năm 2016, ông Ma nói với Pasadena Star News rằng ông muốn xây dựng một không gian đem tới cảm giác ấm cúng, nơi những người lớn tuổi từ các nền văn hóa khác nhau cảm thấy thoải mái tương tác và học hỏi.
“Tôi muốn mở ra một địa điểm tích cực với cộng đồng người châu Á ở Monterey Park, giúp họ kéo dài tuổi thọ và cải thiện sức khỏe”, ông nói. “Tôi muốn gây dựng một nơi mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể đến và giao tiếp thông qua khiêu vũ”.
Bà Xu hy vọng thảm kịch này có thể đem lại nhận thức rõ ràng hơn, thậm chí loại bỏ tâm lý xấu hổ, về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng người Mỹ gốc Á. Đồng thời, bà kêu gọi cộng đồng khiêu vũ hỗ trợ nhau và tiếp tục theo đuổi đam mê.
“Chúng ta cần ở bên nhau để trở nên mạnh mẽ hơn. Bạo lực cũng không thể khiến đôi chân của chúng ta ngừng nhảy múa”, bà nói.