Nơi trứng gà thành món xa xỉ, sách mỏng đi vì đồng tiền lao dốc
Sau nhiều tháng đồng tiền lao dốc, Ai Cập ngày càng cảm nhận rõ cuộc khủng hoảng lạm phát khiến trứng gà trở thành mặt hàng xa xỉ và nhiều người phải mua sách trả góp.
Hiện nay, người Ai Cập không chỉ thấy lạm phát trên mặt báo hay những bản tin truyền hình. Tình trạng giá tăng chóng mặt đang xuất hiện ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống của họ.
Đối với nhiều người, trứng gà giờ là một thực phẩm xa xỉ và thịt cũng đắt đỏ không kém. Trong khi đó, số khác buộc phải từ bỏ cuộc sống trung lưu vì gánh nặng học phí và y tế.
“Chúng tôi không thấy tia hy vọng nào”, Mai Abdulghani, 30 tuổi, nhân viên truyền thông của một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thủ đô Cairo, chia sẻ. Chồng cô - một kỹ sư thiết kế - đang làm 4 công việc cùng lúc để trang trải nhu cầu thiết yếu.
“Tất cả những gì tôi làm là nghĩ cách nuôi sống bản thân. Mỗi lần đến siêu thị, tôi lại giận 'sôi máu'”, cô nói với New York Times.
Bế tắc
Cuộc khủng hoảng lạm phát tại Ai Cập bùng lên vào tháng 2/2022, khi chiến sự nổ ra ở Ukraine làm rung chuyển các nước Trung Đông. Tác động từ chiến sự phơi bày những sai sót trong cách Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi và các phụ tá điều hành nền kinh tế.
Khách du lịch Nga và Ukraine - những người từng chiếm 1/3 số du khách đến Ai Cập - hầu như cũng biến mất. Các nhà đầu tư nước ngoài “tháo chạy”, mang theo khoảng 20 tỷ USD rời khỏi nước này.
Tình trạng khan hiếm ngoại tệ kết hợp với giá nhập khẩu cao và các khoản nợ khổng lồ đến hạn đã gây ra thảm họa ở Ai Cập.
“Họ thực sự bế tắc”, ông Timothy E. Kaldas, nhà phân tích tại Viện Chính sách Trung Đông Tahrir có trụ sở tại Washington, khẳng định. “Sự liều lĩnh của trong cách quản lý nền kinh tế khiến Ai Cập rất dễ bị tổn thương”.
Tại Abwab Elkheir - tổ chức từ thiện hỗ trợ 1.500 gia đình trên khắp Ai Cập - số tiền quyên góp đang giảm trong khi chi phí ngày càng tăng.
Haitham el-Tabei, người sáng lập tổ chức này, cho biết họ buộc phải ngừng tiếp nhận các trường hợp mới. Trong năm 2022, Abwab Elkheir đã nhận được rất nhiều yêu cầu giúp đỡ từ các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu.
“Nhóm người này từng có thể sống bằng tiền lương của họ, nhưng đột nhiên trở nên túng thiếu”, ông nói.
Khi giá cả bắt đầu tăng vọt vào tháng 3/2022, Abdulghani và vị hôn phu khi đó (hiện là chồng) đã quyết định kết hôn sớm sáu tháng để chạy đua với lạm phát. Họ nghĩ rằng khi kết hôn, họ sẽ không còn phải trả 2 khoản tiền thuê nhà hàng tháng, đồng thời tiết kiệm được chi phí mua sắm nội thất khi giá cả chưa tăng cao.
Tuy nhiên, chỉ sau một tuần hưởng tuần trăng mật, khi cặp đôi trở lại thủ đô Cairo, giá hai chiếc điều hòa mà họ muốn mua đã tăng gấp đôi.
Hiện nay, số tiền họ chi cho trứng, sữa và pho mát hàng tháng tăng gấp 4 lần so với một năm trước. Tiền mua thịt bò, thịt gà và cá hàng tháng cũng tăng gần gấp 3 lần. Giá mũi tiêm insulin của Abdulghani đắt gấp 7 lần.
Abdulghani có bằng thạc sĩ từ một trường đại học của Anh và từng được xem là tầng lớp trung lưu tại Ai Cập, song cô cũng không kịp xoay sở với tình hình hiện nay.
“Giá cả tăng cao như một cơn sốt không thể kiểm soát. Thật bất thường, (chúng tôi) phải trả tất cả số tiền đó chỉ cho những nhu cầu cơ bản”, cô than phiền.
Chồng của Abdulghani đã bị 4 công ty sa thải để cắt giảm chi phí. Giờ đây, anh phải nhận 4 công việc mới để trang trải chi phí sinh hoạt. Anh di chuyển bằng phương tiện công cộng thay vì Uber, trở về nhà lúc 18h và làm việc từ xa cho đến 1h sáng hôm sau.
Cặp đôi đã ngừng ăn thịt trong nửa tuần. Dẫu vậy, Abdulghani ước tính họ vẫn phải trả khoản tiền cho thực phẩm và phương tiện đi lại gấp bốn lần so với trước đây.
“Ở quầy thu ngân mọi người luôn phàn nàn rằng giá cả tăng nhanh không thể tin nổi, và họ không biết phải làm gì để vượt qua hoàn cảnh này”, Abdulghani kể.
Mua sách trả góp
Giống như Abdulghani, nhiều người dân địa phương buộc phải thay đổi thói quen chi tiêu vì sức ép chi phí sinh hoạt.
Theo BBC, người Ai Cập vốn quen với việc mua trả góp những mặt hàng đắt tiền như ôtô hay máy giặt. Giờ đây, họ có thể phải mua sách theo cách này.
"Sách đã trở thành một mặt hàng xa xỉ ở Ai Cập. Nó không phải là mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và mọi người đang tiết kiệm hơn", bà Mohammed El-Baaly, từ Nhà xuất bản Sefsafa, nhận định.
“Chi phí giấy và mực đã tăng lên rất nhiều. Giá một tấn giấy hiện nay cao gần gấp bốn lần so với đầu năm!", ông El-Baaly nói thêm.
Do lo ngại nhu cầu giảm, Hiệp hội các nhà xuất bản Ai Cập cho biết hiện khách hàng có thể trả góp tối đa 9 tháng để mua một cuốn sách, với lãi suất 1,5%. Một số tác giả cũng buộc phải thay đổi hình thức sách in, cắt giảm cốt truyện hoặc tuyến nhân vật phụ để tiết kiệm chi phí sản xuất.
"Cuốn sách của tôi phải giảm kích thước và độ dày, từ 100 trang xuống chỉ còn 60 trang vì chi phí in ấn tăng", tác giả Dina Afifi, chuyên viết tiểu thuyết cho thanh thiếu niên, chia sẻ với BBC.
Ngay cả một số nhân vật nổi tiếng thường ủng hộ chính phủ cũng phàn nàn về tình trạng lạm phát.
“Tất cả hộ gia đình ở Ai Cập, dù giàu hay nghèo, đều có tâm trạng lo lắng và sợ hãi cho tương lai”, Amr Adib, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, cho biết.
Trước thế bế tắc về kinh tế, chính phủ Ai Cập một lần nữa “cầu cứu” Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong gói cứu trợ mới nhất được thông qua vào tháng 12/2022, IMF đã cho Ai Cập vay 3 tỷ USD kèm theo một số điều kiện cải cách, trong đó có yêu cầu giảm vai trò nhà nước, đặc biệt là các công ty thuộc sở hữu của quân đội, trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà Sarah Smierciak, nhà nghiên về khu vực Trung Đông tại Đại học Harvard, cho biết ngay cả khi Ai Cập thực hiện cam kết này, quân đội vẫn có thể duy trì quyền kiểm soát bằng cách bán tài sản cho các công ty tư nhân do các sĩ quan đã nghỉ hưu đứng đầu.
Bên cạnh đó, Ai Cập cũng không đưa ra cam kết hạn chế sự kiểm soát của quân đội đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên.
“Xét về khía cạnh chính trị, việc tước bỏ đặc quyền của nhóm này là không thực tế. Ngay cả khi tất cả công ty chính thức của quân đội được tư nhân hóa, đó vẫn chỉ là một thay đổi tương đối nhỏ với các nguồn lực kinh tế mà quân đội nước này đang kiểm soát”, bà Smierciak nhận định.