Nơi từng không luật pháp ở Hong Kong
Đã gần ba thập kỷ trôi qua kể từ khi Cửu Long Trại Thành bị phá hủy. Nơi này giờ đây trở thành địa điểm thu hút khách du lịch khi tới Hong Kong.
Giống như bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng đen tối, "thành phố tường" Cửu Long Trại Thành ở Hong Kong từng là cơn ác mộng của người dân vì sự ngột ngạt.
Từng được mệnh danh "nơi đông dân cư nhất trên Trái Đất", khu Cửu Long rộng 2,7 ha và là nơi sinh sống của khoảng 50.000 người những năm 1990. Người dân chen chúc trong những khu tập thể và 300 tòa nhà cao tầng liên kết với nhau. Tất cả đều được xây dựng mà không có sự tham gia, đóng góp của bất kỳ vị kiến trúc sư nào.
Lịch sử Cửu Long Trại Thành
Từ năm 960 đến năm 1297 sau Công nguyên, nơi đây vốn là một pháo đài nhỏ thuộc nhà Tống. Nó được xây dựng vào những năm 1800 khi người Trung Quốc đối đầu với quân Anh trong Chiến tranh Nha phiến.
Năm 1898, Trung Quốc nhượng Hong Kong cho Anh trong hợp đồng thuê 99 năm, tuy nhiên không muốn nhượng lại khu Cửu Long.
Người Anh đã nhiều lần cố gắng giành lại khu này nhưng đều thất bại. Phần lớn tài sản của Cửu Long Trại Thành khi đó được xây dựng thành nhà thờ và là nơi cho các nhóm từ thiện thuê.
Khi chiếm Hong Kong trong Thế chiến II, quân Nhật Bản đã phá hủy bức tường thành, phần cổ nhất của Cửu Long Trại Thành nhằm ngăn chặn người Trung Quốc đến tị nạn.
Đến năm 1971, có tới 10.000 người với 2.185 ngôi nhà mọc lên trong khu vực này.
Trong những năm 1980, đây là nơi sinh sống của 35.000 người. Mọi nỗ lực để giải phóng Cửu Long Trại Thành đều vấp phải sự phản đối từ cư dân. Họ đe dọa sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ Trung Quốc - Anh thời đó. Người dân thường tuyên bố rằng "thành phố tường" là một phần của Trung Quốc đại lục, không phải Hong Kong, chính phủ Hong Kong không nên có bất kỳ quyền lực nào ở đó.
Từ những năm 1950 đến cuối những năm 1980, Cửu Long Trại Thành là "pháo đài" cho hoạt động tội phạm Trung Quốc. Các tiệm thuốc phiện, nhà thổ và ổ cờ bạc tại khu vực này được điều hành bởi Hội Tam Hoàng, băng đảng xã hội đen khét tiếng. Tại thời điểm đó, cả cảnh sát, thanh tra y tế và nhân viên thu thuế đều sợ hãi nơi này, không một ai dám vào bên trong.
Vào tháng 3/1993, chính phủ cuối cùng cũng thuyết phục được cư dân chấp nhận các thỏa thuận tái định cư và bồi thường, đánh dấu sự sụp đổ của Cửu Long Trại Thành.
Công viên Cửu Long Trại Thành ngày nay
Sau khi "thành phố tường" Cửu Long Trại Thành bị phá hủy, Chính phủ Hong Kong đã đưa ra kế hoạch tái phát triển địa điểm này thành công viên.
Ngày nay, công trình này được gọi là Công viên Cửu Long Trại Thành, hoàn thành xây dựng vào tháng 8/1995. Bên trong công viên, du khách vẫn có thể tìm thấy những di tích lịch sử như pháo đài trước khi trở thành tường thành.
Đối với du khách đến thăm Hong Kong, công viên là một trong những địa điểm thú vị mà không ai muốn bỏ qua. Không chỉ gây ấn tượng bởi lối kiến trúc Trung Hoa, mối liên hệ của nơi này với quá khứ của Hong Kong là lý do khiến mọi người quan tâm.
Thật khó để tưởng tượng đây đã từng là nơi được lấp kín bằng những tòa nhà cao chót vót và nằm san sát nhau.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/noi-tung-khong-luat-phap-o-hong-kong-350416.html