Nỗi tuyệt vọng của những người mua thuốc chữa ung thư trên mạng

Không đủ tiền chi trả các khoản viện phí, phương pháp điều trị đắt đỏ, nhiều người dân nghèo tại Trung Quốc đặt niềm tin mong manh vào những liều chữa ung thư tự chế trên mạng.

Zhang Zhejun (ở Hà Bắc, Trung Quốc) với tay lấy ống hút nhựa và chấm từng chút dược phẩm bột màu vàng nhạt lên miếng giấy bạc. Sau đó, ông đặt lên cân. Nhìn chiếc kim nhích đến con số yêu cầu, Zhang đổ hỗn hợp thuốc bột vào một viên nang trong suốt.

Đó là toàn bộ là quy trình mà người đàn ông Trung Quốc sử dụng để chế tạo thuốc ung thư tại nhà. Ông Zhang không phải y, bác sĩ, càng không có bất kỳ kinh nghiệm và nền tảng nào về bào chế thuốc, dược liệu. Nhưng ông còn lựa chọn nào khác.

Mẹ của Zhang bị ung thư phổi. Họ không có bảo hiểm. Số tiền ít ỏi cả nhà kiếm được không đủ để trả dù chỉ một liều thuốc chữa ung thư đắt đỏ. Vì vậy, họ quyết định mua thuốc chữa ung thư trên mạng. Loại thuốc này được quảng cáo người mua có thể tự điều chế tại nhà, giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Zhang Zhejun và bộ dụng cụ tự chế thuốc chữa ung thư thô sơ của mình. Ảnh: NY Times.

Zhang Zhejun và bộ dụng cụ tự chế thuốc chữa ung thư thô sơ của mình. Ảnh: NY Times.

Chấp nhận rủi ro

Zhang biết việc làm của mình có nhiều rủi ro. Nhưng ông không có lựa chọn. Loại thuốc ông mua không được ơ quan quản lý thuốc Trung Quốc hay Mỹ cấp phép. Nói cách khác, họ đang bấu víu vào niềm hy vọng mong manh.

Khi mua loại thuốc này, Zhang không rõ người mua là ai, càng không biết nguyên liệu của nó có gì. “Tôi chỉ có thể hy vọng vào những người bán hàng có lương tâm”, Zhang tâm sự với The New York Times, au nước mắt khi chế những liều thuốc cho mẹ, bà Yao Xianghua.

Quy trình sản xuất và phê duyệt bất kỳ loại thuốc nào cũng mất nhiều thời gian. Nhất là với bệnh như ung thư, giá thành của nó rất đắt đỏ. Như Yao Xianghua, cựu giáo viên tiểu học, đồng lươn g ít ỏi của bà khó mà mua nổi những liều thuốc.

Bà Yao bị ung thư phổi không đáp ứng phẫu thuật. Năm 2011, bà 68 tuổi, lần đầu tiên nhận được chẩn đoán ung thư. Bác sĩ kê đơn thuốc Iressa do AstraZeneca sản xuất cho Yao với chi phí 2.000 USD/tháng. Chính sách hỗ trợ giúp giá của nó còn một nửa. Nhưng vẫn rất đắt đỏ. Bà chỉ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng là 460 USD. Chế độ bảo hiểm cũng không trả chi phí thuốc nhập khẩu.

Lúc này, người phụ nữ cảm thấy đã quá lớn tuổi để hóa trị hay xạ trị. Vì thế, bà quyết định từ bỏ. “Bà ấy chấp nhận cam chịu số phận của mình”, Zhang Zhejun tâm sự về lời nói của mẹ khiến anh nhớ mãi.

Chính vì thế, ông thề sẽ cứu mẹ và tìm đến loại thuốc bán trên mạng. Ông bỏ công việc đang được trả với mức lương khá, chuyển về sống cùng mẹ trong căn hộ tồi tạn ở Cẩm Châu, Liêu Ninh, thành phố công nghiệp bị ô nhiễm nặng.

Ông phát hiện Ấn Độ sản xuất một phiên bản Iressa rẻ hơn nên quyết định tìm mua bằng được nó. Nhưng sau 9 tháng sử dụng, sức khỏe của Yao lại càng chuyển biến xấu. Zhang tìm tới những người môi giới, mua thuốc chữa ung thư khác qua mạng.

Mua nguyên liệu tự chế thuốc dễ như ổ bánh mì

Zhang không phải người duy nhất tại Trung Quốc lựa chọn điều này. Dân số già của Trung Quốc đang phải đối mặt với ngày càng nhiều căn bệnh mạn tính nguy hiểm như ung thư, tiểu đường. Rất nhiều người trong số họ không thể tìm thấy hoặc mua được thuốc chữa trị.

Hệ thống bảo hiểm tại đây không chi trả cho thuốc và các phương pháp điều trị ngày càng đắt đỏ. Phạm vi của nó cũng phụ thuộc nơi người dân sinh sống. Ở nhiều khu vực nông thông, gần như người dân không thể tiếp cận quyền lợi này.

Để sống sót, nhiều người bệnh ở Trung Quốc - và cả người thân của họ - chấp nhận vi phạm pháp luật. Bởi thị trường thuốc giả, thuốc không phép tràn lan trên mạng.

Trung Quốc là quốc gia có lượng người sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Nhiều người thậm chí không bao giờ mua bán trực tiếp mà chỉ thông qua hình thức online. Vì thế, dược phẩm là mặt hàng không khó để mua. Thậm chí, nguyên liệu thô để tự sản xuất thuốc bất hợp pháp cũng dễ dàng mua được như ổ bánh mì, suất cơm hộp trên mạng.

 Những liều thuốc chữa ung thư, bệnh hiểm nghèo tràn lan trên mạng. Người dân không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Ảnh: NY Times.

Những liều thuốc chữa ung thư, bệnh hiểm nghèo tràn lan trên mạng. Người dân không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Ảnh: NY Times.

Nhiều người xây dựng diễn đàn bệnh nhân, điển hình như nhóm “I Want Miracles” (tạm dịch: Tôi muốn những phép màu) hay “Dances with Cancer” (tạm dịch: Nhảy múa cùng ung thư). Tổng thành viên của hai diễn đàn này lên tới hơn 440.000 người.

Mong muốn giúp mẹ, Zhang lang thang trên mạng và tình cờ thấy “Dances With Cancer”. Tại đây, ông biết đến một bệnh nhân ung thư lâu năm có tên “Bean Spirit”, từng viết cuốn sách hướng dẫn bào chế thuốc tại nhà.

Zhang có thời gian làm việc tại nhà máy dược nhưng không liên quan sản xuất thuốc. Ý tưởng đã nảy ra trong đầu. Ông chi 150 USD/tháng để mua nguyên liệu, viên nang và cân điện tử.

Khi thuốc hết tác dụng với mẹ, Zhang lại tìm kiếm công thức khác. Ông có nhiều đêm mất ngủ và lo rằng không thể tìm thấy thành phần cần thiết. "Tôi không thể biết con đường trước mắt bao giờ sẽ đóng sập lại. Nhưng tôi không thể dừng, chỉ có thể tiến lên", Zhang nói trong nước mắt.

Tháng 7/2017, ông bắt đầu tự chế WZ4002 tại nhà. Nó được Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston phát hiện vào năm 2005. Tuy nhiên, thuốc chưa được bất kỳ cơ quan dược phẩm nào ở Mỹ, Trung Quốc chấp thuận.

Bà Yao sử dụng nó và cảm thấy chóng mặt. Chưa kể, trước đó, bà còn bị tiêu chảy dữ dội sau khi uống loại thuốc tự chế khác và phải nhập viện một tháng.

Nhưng rồi những đau đớn này không thể giúp hy vọng sống của Yao, Zhang kéo dài. Bà Yao qua đời vào tháng 10/2017, hai năm sau khi ông Zhang bước vào con đường tự bào chế thuốc.

Nguyên nhân tử vong là xuất huyết tiêu hóa và viêm phế quản cấp. Ông Zhang chia sẻ bản thân không chắc loại thuốc mình từng chế tạo có phải nguyên nhân hay không.

Người dân nghèo vẫn là nhóm chịu thiệt thòi

Năm 2017, cảnh sát Trung Quốc đột kích vào căn hộ rộng vài m2 của Hong Ruping, ở Vân Nam. Dưới chiếc tủ tivi, họ tìm thấy nhiều liều thuốc điều trị thận mạn tính.

Ông Hong vốn là người thất nghiệp, phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Không đủ tiền chi trả, ông tìm đến thuốc nhái rẻ tiền hơn. Nó được quảng cáo là chế từ các dược phẩm phương Tây, Ấn Độ.

 "Đi tù hay mắc ung thư khác gì nhau? Đều mất tự do cả", Hong Ruping nói. Ảnh: NY Times.

"Đi tù hay mắc ung thư khác gì nhau? Đều mất tự do cả", Hong Ruping nói. Ảnh: NY Times.

Cảnh sát thu giữ số thuốc giả này và thả người đàn ông ra. Nhưng sau đó, Hong tiếp tục việc làm cũ - mua thuốc giả trên mạng, thoi thóp hy vọng kéo dài sự sống càng lâu càng tốt. Nhưng thâm nhập ngành này khiến Hong có nhiều ý tưởng mới. Từ khách hàng, ông trở thành “cò”, môi giới giữa những người mua và người bán.

“Tôi mắc ung thư rồi, muốn kết tội tôi cũng chẳng sao. Đi tù hay mắc ung thư khác gì nhau? Đều mất tự do cả”, Hong nói về lý do đi theo ngành chợ đen thuốc chữa bệnh hiểm nghèo.

Người đàn ông tiết lộ hàng trăm người coi thuốc mà ông môi giới là cứu tinh. Họ buộc phải dựa vào đó để duy trì sự sống, giống ông vậy.

Trung Quốc đã đạt đến mục tiêu bảo hiểm y tế gần như phủ sóng toàn dân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải trả khoảng 30% chi phí chữa trị. Nhiều loại thuốc cũng không được đài thọ. Điều đó khiến nhiều người Trung Quốc buôn lậu, đặc biệt là từ Ấn Độ, nơi có giá thành rẻ. Ở Trung Quốc, loại thuốc mà ông Hong cần có giả hơn 4.200 USD/năm, gấp 10 lần giá ở Ấn Độ.

Nhiều chuyên gia y tế nhận được câu hỏi về việc sử dụng thuốc chữa ung thư giá rẻ, thuốc tự chế trên mạng. Họ đều cố gắng ngăn cản bệnh nhân. Nhưng hầu như điều đó rất khó.

Gordon Liu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Y tế Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, cố vấn của chính phủ, cho biết thật khó để đưa ra cái nhìn tổng thể về việc ngăn cản họ sử dụng phương pháp rẻ tiền. Bởi xét về tiềm lực kinh tế, ông cho rằng khuyên họ tiếp tục theo đuổi các biện pháp tốn kém là rất khó.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-tuyet-vong-cua-nhung-nguoi-mua-thuoc-chua-ung-thu-tren-mang-post1193768.html