Nơi vùng đất cách mạng Tây Bắc…

Tây Bắc là vùng đất kỳ lạ và hấp dẫn, bởi không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đời sống văn hóa các dân tộc rất đặc sắc, mà trong chiến tranh giải phóng dân tộc, con người, vùng đất này đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần quan trọng vào chiến thắng của đất nước, nhiều tên người, tên núi, tên sông đã đi vào thi ca, nhạc, họa như một huyền thoại. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, vùng đất ấy từ nghèo khó đang có những bước chuyển mình, vươn lên cùng đất nước…

Tây Bắc là vùng đất kỳ lạ và hấp dẫn, bởi không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đời sống văn hóa các dân tộc rất đặc sắc, mà trong chiến tranh giải phóng dân tộc, con người, vùng đất này đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần quan trọng vào chiến thắng của đất nước, nhiều tên người, tên núi, tên sông đã đi vào thi ca, nhạc, họa như một huyền thoại. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, vùng đất ấy từ nghèo khó đang có những bước chuyển mình, vươn lên cùng đất nước…

Từ bước chuyển mình…

Tây Bắc, vùng đất gắn chặt với những thăng trầm lịch sử của đất nước, dân tộc Việt Nam. Cách gọi vùng Tây Bắc xuất phát từ những khác biệt về tự nhiên, không gian địa lý. Nhưng ở phạm vi hẹp, gắn với một giai đoạn lịch sử cụ thể thì Tây Bắc có thể hiểu gồm ba tỉnh: Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu.

Ba tỉnh vùng Tây Bắc hiện có diện tích tự nhiên 32.732 km2, chiếm 9,88% diện tích cả nước, hơn 994 km đường biên giới giáp hai nước Lào và Trung Quốc, dân số 2,26 triệu người với hơn 20 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, tỉnh Sơn La có 1,2 triệu người, diện tích lớn nhất với 14.123 km2, đứng thứ ba cả nước. Tại đây, hơn 10 năm trước đã diễn ra cuộc di dân lớn chưa từng có trong lịch sử để xây dựng Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu. Ðây cũng là cuộc sắp xếp, bố trí lại dân cư, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội cho cả vùng Tây Bắc.

Bức tranh tổng quan về vùng Tây Bắc trước khi thực hiện công cuộc di dân để xây dựng thủy điện là vùng đất có tiềm năng lớn, nhưng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Sau 10 năm xây dựng Thủy điện Sơn La và sáu năm xây dựng Thủy điện Lai Châu, ba tỉnh: Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu đã di chuyển ra khỏi vùng ngập 22.349 hộ dân, với hơn 100.000 dân. Một khối lượng công việc vô cùng khó khăn, phức tạp liên quan đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc được giải quyết, đang dần đi vào ổn định. Theo Báo cáo rà soát số 59-BC/TÐC ngày 10-3-2020 của tỉnh Sơn La, thu nhập bình quân một hộ dân tái định cư (TÐC) đạt 70,06 triệu đồng/hộ/năm, 1,4 triệu đồng/người/tháng. Hiện, 113 điểm TÐC có điều kiện phát triển tốt, chiếm 41%; 150 điểm TÐC có điều kiện phát triển ổn định, chiếm 54,55%; còn 12 điểm TÐC chưa ổn định, chỉ chiếm 4,4%. Ngay đối với 412 hộ dân của xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) thuộc diện phải di chuyển lần hai, dân thiếu đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn thì nay cũng đã ổn định và có cơ hội phát triển tốt hơn. Tại đây, bà con biết khai thác tiềm năng mặt nước hồ thủy điện, thành lập các hợp tác xã, liên kết nhóm hộ phát triển nghề nuôi cá lồng. Tiêu biểu như hộ ông Lò Văn Khặt, ở bản Co Chặm, xã Chiềng Bằng nuôi 450 lồng cá, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Hiện, địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã phát triển được hơn 7.000 lồng cá, sản lượng đạt 250.000 tấn cá/năm, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Từ những nỗ lực vượt khó, mới đây huyện Quỳnh Nhai đã được công nhận ra khỏi danh sách huyện nghèo trong Chương trình 30a của Chính phủ.

Ðến với Tây Bắc hôm nay dễ dàng nhận thấy sự đổi thay lớn về kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường học, diện mạo các khu đô thị, nông thôn đều có tiến bộ. Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các tỉnh Tây Bắc đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu nông thôn mới mà trước đó tưởng chừng không thể thực hiện. Tại tỉnh Ðiện Biên nơi có 101 trong số 125 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn thì đến nay đã có 33 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Sơn La có 41 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đề ra là 15 xã. Chương trình làm đường giao thông nông thôn ở đây thực hiện phương châm: "Dân làm, Nhà nước hỗ trợ" đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Bằng cách làm này, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Sơn La đã rải bê-tông được 9.645 tuyến/2.370 km đường, với tổng kinh phí đầu tư 2.520 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 779 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1.621 tỷ đồng. So với các tỉnh Tây Bắc, Lai Châu được đánh giá là địa bàn khó khăn nhất, nhưng đến nay cũng đã có một huyện, một thành phố và 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Nguyễn Xuân Hoàn, Bí thư Ðảng ủy xã Bản Bo, huyện Tam Ðường cho biết: Năm 2010 về trước, Bản Bo là xã nghèo đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40%. Từ khi xã đưa cây chè để phát triển thành cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo thì đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Hiện, toàn xã trồng hơn 800 ha chè hữu cơ, 80% sản lượng chè xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu. Qua thực tiễn mô hình kinh tế này cho thấy, xây dựng nông thôn mới ở Tây Bắc đi vào thực chất, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định đời sống bền vững.

Trong sáu tháng đầu năm 2020, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song kinh tế của cả ba tỉnh Tây Bắc đều tăng trưởng dương, tăng từ 0,03 đến 0,58%. Nhờ duy trì sản xuất nông nghiệp ổn định, nông dân tỉnh Lai Châu vẫn tổ chức xuất khẩu hàng trăm tấn chuối sang Trung Quốc, chanh leo sang châu Âu. Tỉnh Sơn La xuất khẩu 30 tấn xoài tượng da xanh sang Mỹ, 10 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga, 4.600 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc. Hiện, Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai toàn quốc, đạt 80.500 ha, sản lượng đạt hơn 300.000 tấn. Ðó là kết quả của quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp manh mún, giống cũ, hiệu quả thấp sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Từ kinh nghiệm của Sơn La, các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu đang khai thác tiềm năng thế mạnh để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.

… Ðến phát triển xanh, nhanh và bền vững

Dự thảo báo cáo chính trị chuẩn bị trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 15 nhiệm kỳ 2020 - 2025 được đưa ra xin ý kiến người dân. Trong tiêu đề Dự thảo báo cáo xuất hiện thêm cụm từ: "Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững". Ðồng chí Nguyễn Hữu Ðông, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Ðây là nét mới trong quá trình tổng kết thực tiễn. Cụm từ "phát triển xanh" được thảo luận nhiều lần, phân tích kỹ, vừa là mục tiêu, vừa là định hướng bảo đảm cho tỉnh Sơn La phát triển bền vững, thân thiện với môi trường…

Có một sự trùng hợp khá thú vị, đó là Dự thảo báo cáo chính trị chuẩn bị trình Ðại hội Ðảng bộ của cả ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu đều xác định khâu đột phá quan trọng nhất cho giai đoạn tới (2020 - 2025) là: Tập trung phát triển nguồn nhân lực, thu hút lao động chất lượng cao cho phát triển; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, liên kết vùng thúc đẩy kinh tế phát triển; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các ngành kinh tế. Tỉnh Ðiện Biên còn xác định thêm việc tập trung nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư. Tỉnh Lai Châu lấy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất nông nghiệp sạch, đáp ứng thị trường để mở hướng đi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ðình Thiên, Nguyên Viện trưởng nghiên cứu kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trong lần dự hội thảo tại huyện Bắc Yên (Sơn La) cho rằng: Con đường để Tây Bắc phát triển bền vững chỉ có thể dựa vào tiềm năng thế mạnh của chính mình. Tây Bắc cần khai thác năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có lợi thế so sánh, gắn với phát triển du lịch và bảo vệ rừng. Thực tế những năm vừa qua, các tỉnh Tây Bắc cũng đang vận hành theo hướng này. Từ khi Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu đi vào hoạt động đã sản xuất được 94,676 tỷ kWh điện thương phẩm, bình quân hai nhà máy chiếm hơn 8% sản lượng điện quốc gia. Nguồn thu từ hai nhà máy đến nay đóng góp vào ngân sách các tỉnh Tây Bắc hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ đưa vào nguồn thu ngân sách tỉnh Sơn La chiếm 49%, Ðiện Biên 15%, Lai Châu 42%. Ðây là nguồn lực quan trọng giúp các tỉnh Tây Bắc tính toán, cân đối lại đầu tư, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình phúc lợi an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Ngoài ra, phí dịch vụ môi trường rừng thông qua hai nhà máy còn chi trả cho người dân ba tỉnh tham gia bảo vệ rừng hơn 2.371 tỷ đồng. Ðây là số tiền lớn, nếu biết khai thác, hướng dẫn người dân đầu tư vào sản xuất, tích lũy thì sẽ là nguồn lực giúp đồng bào các dân tộc Tây Bắc có cuộc sống ổn định lâu dài.

Nói về điều này, đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè, tỉnh Lai Châu, tâm sự: Rừng Mường Tè như mái nhà che cho sông Ðà, che cho Tây Bắc. Ðộ che phủ rừng ở đây đạt 65%. Năm 2019, người dân trong huyện được chi trả hơn 200 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng, nhờ đó cuộc sống được cải thiện, bà con rất phấn khởi. Thời gian tới, huyện sẽ vận động người dân dùng một phần kinh phí trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng. Sản xuất đi đôi với bảo vệ, gắn bó với rừng là hướng đi quan trọng đối với nhân dân huyện Mường Tè nói riêng, tỉnh Lai Châu và cả vùng Tây Bắc nói chung.

Ðể Tây Bắc phát triển bền vững, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên Mùa A Sơn cho rằng, ngoài nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương thì các tỉnh Tây Bắc cần liên kết, hợp tác phát triển du lịch (du lịch lịch sử, du lịch văn hóa vùng Tây Bắc), sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với thế mạnh riêng của từng địa phương để hình thành sản phẩm mang tính đặc trưng. Các tỉnh Tây Bắc cũng cần đặc biệt quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc vùng phên dậu phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Tới đây, khi tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được xây dựng, các tuyến vòng cung Tây Bắc được kết nối, nâng cấp thì sức hấp dẫn của vùng đất này được dự báo sẽ có bước tăng trưởng, bứt phá mạnh mẽ. Ðến với Tây Bắc không chỉ bằng tuyến đường bộ, mà còn có sân bay Ðiện Biên Phủ, Cảng sân bay hàng không Nà Sản và sân bay Lai Châu đang được quy hoạch xây dựng. Trải nghiệm trên tuyến đường thủy qua hồ thủy điện Hòa Bình, hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu cũng rất hấp dẫn, được ví như Hạ Long trên núi. Tất cả điều ấy nói rằng, Tây Bắc giống như cô gái đẹp ngủ trong rừng đang thức dậy… Có niềm tin mạnh mẽ rằng, không xa nữa "Tây Bắc, một hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc" như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng từng kỳ vọng.

Bài, ảnh: Ðức Tuấn, Lê Lan và Anh Tuấn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/noi-vung-dat-cach-mang-tay-bac-615268/