Nói xấu - hiểu ít và hại nhiều

Người xưa có lưu ý rằng: “Biết địch, biết ta trăm trận bất bại”. Biết đối thủ (đối tượng) của mình sẽ giúp ta thận trọng khi đưa ra các phương án để ứng phó và nhờ đó sự thiệt hại có thể ở mức thấp nhất. Nhưng do thiên kiến nặng nề, những người không thích Cộng sản chỉ có một tiên đề định sẵn Cộng sản là xấu, là ác. Thế nên, dù lần lượt bị thua đau, những người căm thù Cộng sản vẫn giữ một giọng điệu lên án hết mực đối với người Cộng sản. Điều này chứng minh một thực tế hiển nhiên: Càng nói xấu càng chứng tỏ hiểu ít và hại nhiều.

Xấu hay tốt là do quan niệm của mỗi người, một cộng đồng hay cả dân tộc. Nói xấu là nêu ý kiến về người khác (sự vật) chỉ một mặt, một vấn đề và thường là tiêu cực, sự khiếm khuyết của nó. Trong cuộc sống đời thường nói riêng hay lĩnh vực chính trị nói chung, chúng ta bắt gặp việc một ai đó chỉ trích, có khi gay gắt, “khó nghe” đối với người khác (đối phương). Và, việc nói xấu đó thể hiện sự phiến diện, nông cạn và chỉ gây hại chính cho người nói. Những sự thật trong lịch sử và hiện tại cho chúng ta hiểu thêm về nhận định này.

Trước đây, những người chống Cộng thường tuyên truyền về người Cộng sản với tất cả những gì của sự gớm ghiếc mà nhất là lên án sự vô tâm, “vô gia đình” và “vô Tổ quốc”. Họ không nhận ra rằng, người Cộng sản đã vượt lên tình cảm riêng tư, chật hẹp của cá nhân để hòa vào tình yêu dân tộc và giai cấp cần lao. Người Cộng sản ở Việt Nam đã: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người. Để tình trang trải với trăm nơi”. Vì giải phóng gia đình và đất nước, hết thế hệ này đến thế hệ khác, người Cộng sản đã “nóp với giáo mang trên vai”, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh để Tổ quốc độc lập, thống nhất. Hiểu sai về Cộng sản Việt Nam và văn hóa Việt Nam, những thế lực hùng mạnh nhất thế giới đã nhận lấy sự thất bại thảm hại.

Hiện nay, những người ghét Cộng cũng chỉ thấy Cộng sản là độc tài và gian ác. Họ chẳng chịu dụng công nghiên cứu người Cộng sản đã đổi mới tư duy về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp nhận tinh hoa trong học thuyết kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, quyền con người, dân chủ... để thiết lập và phấn đấu vì: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo sự tiến bộ chung của loài người. Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) về xóa đói giảm nghèo và được các Tổ chức quốc tế đánh giá cao; đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; mở rộng bang giao quốc tế; nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống Nhân dân, hướng đến “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” trong khoảng 20 năm nữa. Do vậy, người Cộng sản Việt Nam và người dân Việt Nam có quyền tự hào: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Một lần nữa cho thấy, việc hiểu sai về người Cộng sản Việt Nam, những thế lực thù địch lại tự vả vào miệng của mình.

Là người hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa tư bản, Karl Marx đã rất khách quan khi đánh giá xã hội tư bản. Trong khi lên án về sự bóc lột “đầy máu và nước mắt” ở chính quốc và gây chiến, xâm chiếm, khai thác, bòn rút tài nguyên thuộc địa khắp nơi của nó. Ông thừa nhận: “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”. Và, “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia cộng lại”. Ông không tiếc lời khi nói: “Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến các dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Tuy nhiên, những người Cộng sản cũng bị “Gót chân Achilles”. Vào các thời kỳ khác nhau, người này hay nhóm nọ đã lên án một chiều chủ nghĩa tư bản. Họ dễ dãi nhận thức theo một lối mòn về xã hội tư bản là bóc lột, “thối nát”, “giãy chết”. Với niềm tin thiển cận, họ không thấy sự thích nghi và tự đổi mới phát triển của chủ nghĩa tư bản mà nhất là sự áp dụng khoa học - công nghệ, tư duy tự do, tôn trọng pháp quyền và dân chủ... Chủ nghĩa tư bản đã phát triển nhanh mà trong đó một số quốc quốc gia trở nên thịnh vượng với nhiều hình thức phát triển và còn nhiều tiềm lực để có thể tiến lên xa hơn nữa. Ngược lại, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ vì một phần đánh giá thấp kẻ thù của mình. Ở đây, cần mở rộng cái nhìn thêm về xã hội phong kiến. Là một xã hội bị lên án về “chuyên quyền”, “cha truyền con nối”..., nhưng những giá trị, biểu tượng của nó vẫn đáng được trân quý và bảo tồn, gìn giữ. Việc hiểu ít, hiểu sai đã đưa đến những hành vi phá hủy cực đoan và trong một số trường hợp không thể bù đắp được.

Biết “địch” là nhận thấy đầy đủ cả mặt ưu và khuyết, mạnh và yếu, lợi thế và bất lợi trong các mối quan hệ của đối phương. Khi ấy, chủ thể đã có cái nhìn toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Với sự hiểu biết đó, người đánh giá sẽ rất thận trọng. Như vậy, họ sẽ không rơi vào trạng thái cảm tính, võ đoán, nói lệch - kiểu nói xấu để rồi nhận lấy hậu quả tai hại về mình.

Dân Biện

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/noi-xau-hieu-it-va-hai-nhieu-124833.aspx