Nơm nớp mùa sạt lở

Khi những cơn mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống thì các hộ dân sinh sống ven biển, cửa biển huyện Ngọc Hiển lại nơm nớp lo sợ tình trạng sạt lở đất xảy ra.

Tình trạng sạt lở đất trên địa bàn huyện Ngọc Hiển vào mùa mưa diễn biến phức tạp. (Ảnh chụp gần cửa Hóc Năng, xã Tân Ân).

Tình trạng sạt lở đất trên địa bàn huyện Ngọc Hiển vào mùa mưa diễn biến phức tạp. (Ảnh chụp gần cửa Hóc Năng, xã Tân Ân).

Tại cửa biển Vàm Xoáy, xã Ðất Mũi hiện còn nhiều hộ dân sinh sống, chủ yếu bằng nghề biển. Hằng năm, cứ đến tháng 6 dương lịch, từ những cơn mưa nặng hạt kết hợp sóng biển mạnh lên dễ xảy ra tình trạng sạt lở đất, những hộ dân sinh sống nơi đây luôn phập phồng lo sợ và phải thường xuyên kiểm tra tình trạng của đất ở để cảnh báo mọi người.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Ấp Mũi, xã Ðất Mũi, cho biết: “Trong 10 năm trở lại đây, tôi đã 3 lần chịu cảnh sạt lở đất, sạt lở đến đâu thì di dời khỏi vị trí sạt lở rồi cất nhà ở. Do không có đất canh tác nên đành phải chịu cảnh nơm nớp lo sợ sạt lở như thế này”.

Cùng ấp, anh Nguyễn Vũ Ca chia sẻ: “Phần lớn những hộ dân sinh sống ven biển, cửa biển chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản nên nhiều người chấp nhận sống trong cảnh đối diện sạt lở, làm vài năm thì sửa nhà một lần. Do không có nghề khác nên họ không thể chuyển đổi, nhiều người gắn bó với nghề biển này đã hơn 3 đời”.

Tại cửa biển xã Tam Giang Tây, tình trạng sạt lở cũng xảy ra hết sức phức tạp. Vào đầu mùa mưa, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con sinh sống ở đây nâng cao ý thức phòng tránh sạt lở; không để người già, trẻ em ngủ qua đêm khu vực dễ xảy ra sạt lở.

Anh Nguyễn Văn Út, ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, chia sẻ: “Sinh sống gần cửa biển cũng lo lắm, nhưng vì cuộc sống mà cả gia đình phải chấp nhận để mưu sinh. Tại cửa biển này, tình trạng sạt lở ngày càng tăng, mỗi năm biển cứ ăn sâu vào đất liền. Trước đây nhà của tôi cách biển hơn 5 km, giờ thì chưa đến 2 km. Mùa mưa, gia đình tôi thường xuyên rọi đèn vào ban đêm kiểm tra các khu vực đất ven sông, khu vực nhà ở để khi có dấu hiệu rạn nứt thì kịp thời phòng tránh”.

Tình trạng sạt lở ở cửa biển Rạch Gốc (thuộc xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc) diễn ra nhanh.

Tình trạng sạt lở ở cửa biển Rạch Gốc (thuộc xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc) diễn ra nhanh.

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển, các cửa biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mỗi năm địa phương có hơn 10 vụ sạt lở đất, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Tình trạng sóng biển kết hợp mưa lớn làm sạt lở đất xảy ra nhanh và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, để ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và khó lường trong mùa mưa bão năm nay, huyện đã sớm xây dựng phương án ứng phó nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại ở mức thấp nhất.

Trước tiên, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra để cảnh báo kịp thời, nhất là khuyến cáo người dân di dời khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản... Từ nay đến cuối năm, địa phương vẫn còn chịu ảnh hưởng của dông, lốc, nên người dân thường xuyên kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa phòng khi có mưa dông xảy ra.

Ðể khắc phục tình trạng sóng biển ăn sâu vào đất liền, bảo vệ các công trình, người dân sinh sống trong vùng trọng yếu huyện Ngọc Hiển được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng hàng chục ki-lô-mét bờ kè ven biển trên địa bàn xã Tam Giang Tây, Tân Ân, Ðất Mũi và thị trấn Rạch Gốc. Tuy nhiên, địa phương hiện có 98 km đường bờ biển nên tình trạng sạt lở sẽ còn tác động, ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Việc xây dựng kè đã phát huy hiệu quả, nhưng kinh phí đầu tư rất lớn nên khó có thể triển khai toàn bộ các khu vực sạt lở của huyện Ngọc Hiển. Do vậy, trong việc phòng chống sạt lở đất xảy ra, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương thì ý thức của người dân là rất quan trọng./.

Chí Hiểu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nom-nop-mua-sat-lo-a33398.html