Nón lá hai mê của người Tày ở Hà Giang - Không chỉ là vật che mưa nắng
Nghề thủ công truyền thống làm Nón lá hai mê tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở đây.
Được biết, xã Xuân Giang huyện Quang Bình có tổng diện tích trên 5.775,80ha, với 9 thôn, bản. Đây là nơi sinh sống của 14 dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Kinh...) trong đó, người Tày chiếm 85% dân số toàn xã. Vùng đất này được thiên nhiên ưu ái cho điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp trồng lúa nước, cây ăn quả, cây lâm nghiệp.
Trong nhiều năm qua, nhờ gìn giữ và phát triển tốt nghề truyền thống làm Nón lá hai mê của người Tày Xuân Giang, nhiều diện tích rừng nguyên sinh và rừng hỗn giao được người dân bảo vệ và chăm sóc, từ đó các loại cây nguyên liệu chính để chế tạo ra chiếc Nón lá hai mê như cây cọ, cây giang, cây móc… sinh trưởng và phát triển tốt. Điều này đã góp phần gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.
Chiếc nón lá từ vật dụng gắn bó với đời sống lao động của người dân, trở thành sản phẩm được bày bán tại các phiên chợ với giá giao động từ 120 - 150 ngàn đồng tùy từng kích cỡ to nhỏ khác nhau… được du khách trong và ngoài nước biết đến. Đó là một món quà đặc biệt khi ghé thăm Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày.
Dụng cụ làm nón được người dân sử dụng gồm: Một con to dùng để chặt cây giang, chặt lá cọ và 01 con dao bé dùng để chuốt nan, cắt chỉ, xén lá trong quá trình lợp nón); kéo; kim dùng để đính các lá cọ vào nhau; thớt để cạo vỏ và chặt lá cọ khô làm nón.
Quy trình làm ra sản phẩm gồm các công đoạn đan mê nón: Sau khi chẻ và vót được các nan giang như ý, người đan nón sẽ gộp hai nan một, sau đó chọn 5 cặp như vậy gài với nhau để đan ô mắt cáo hình ngũ giác phía trên đỉnh nón. Tiếp theo họ chọn các nan đơn để đan theo hình thức đan nong mốt với số lượng mỗi bên 18 nan tính từ đỉnh nón về phía hai bên tạo thành các ô mắt cáo hình lục giác. Từ nan thứ 19 trở đi hình thức đan có sự thay đổi đáng kể, các nan được đan cài sát vào nhau tạo thành các viền nan chạy vòng xung quanh, tổng cộng có 11 viền (mỗi viền nổi rõ 3 nan lên xuống); mê ngoài và mê trong cũng đan tương tự, nhờ cách đan này tạo cho vành nón trở nên dầy dặn, chắc chắn. Đặc biệt các vòng đan xen dày khu vực rìa viền nón toát lên tính nghệ thuật rất cao.
Công đoạn tạo hình khối, hoa văn, hình tượng trong lòng và trên dây quai nón: Dây quai nón là điểm đặc trưng có thể thấy rõ nhất tạo nên sự sinh động cho chiếc nón, người dân thường đan quai nón bằng các loại sợi chỉ màu khác nhau, phổ biến nhất là cách đan sợi tết theo tỷ lệ cặp trên dưới theo các màu cho phù hợp để làm nổi bật họa tiết. Các mẫu hoa văn được tết trên dây quai nón rất đa dạng, tổng cộng có 43 mẫu khác nhau. Mỗi loại hoa văn lại có những ý nghĩa khác nhau như hoa văn chấm, hoa văn lược, hoa văn sóng hình núi…
Sau khi đan hoàn chỉnh mê nón, người thợ sẽ đưa mê đặt lên gác bếp để hơ khói. Thời gian hong trung bình khoảng 3 tháng, không khí nóng của bếp củi sẽ làm cho nan giang bay hơi nước và khô dần. Trong quá trình hong trên bếp lửa các nan giang chuyển từ mầu trắng ngà sang màu nâu đen nhưng độ bền của nan tốt hơn.
Trong suốt quá trình tồn tại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật làm Nón lá hai mê của người Tày xã Xuân Giang” đã thể hiện được đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân, tạo ra những chiếc nón vừa có giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ, phục vụ đời sống, bảo vệ sức khỏe con người. Tuy chỉ là một sản phẩm vật chất đơn sơ nhưng rất thiết thực và gắn bó với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Nón lá hai mê là di sản mang đậm giá trị lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân tộc Tày tại vùng đất Xuân Giang nói riêng và của cộng đồng người Tày ở tỉnh Hà Giang nói chung. Nó gắn liền với bộ trang phục, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, là biểu tượng, là tinh hoa của nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày Xuân Giang và tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.