Nông Cống khôi phục, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề
Quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (CN, TTCN, LN) của huyện Nông Cống trước đây cho thấy việc thu hút đầu tư phát triển CN chưa tương xứng với tiềm năng, có những thời điểm một số nghề TTCN bị mai một hoặc phát triển chậm. Tuy nhiên, những năm gần đây, huyện đã triển khai có hiệu quả các giải pháp để khôi phục, thu hút đầu tư phát triển CN, TTCN, LN và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.
Công nhân Công ty CP May xuất nhập khẩu Vạn Lợi (Nông Cống) trong ca sản xuất.
Từ năm 2003, huyện Nống Cống đã xác định phát triển CN, TTCN, LN bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động... Những năm 2011, 2013, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tiếp tục ban hành các nghị quyết, chính sách hỗ trợ, đề án phát triển CN, TTCN, LN. Tuy nhiên, mãi đến năm 2016, CN, TTCN, LN trên địa bàn mới đạt kết quả bước đầu, chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, chưa tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng chất lượng còn thấp, trình độ tay nghề chưa cao. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN còn ít, quy mô sản xuất nhỏ, có những nghề TTCN bị mai một, như nón lá, chiếu cói và các sản phẩm từ cói...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khai thác có hiệu quả tiềm năng, nhất là nguyên liệu sẵn có tại địa phương, những năm gần đây huyện Nông Cống tạo thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển. Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đối thoại, giải quyết những vướng mắc phát sinh, định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... Đi đôi với đó, huyện rà soát, đưa vào quy hoạch, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt các cụm CN trên địa bàn. Huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm CN nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... Đến nay, huyện đã quy hoạch, phát triển được các cụm CN. Nổi bật như: Cụm CN Hoàng Sơn, diện tích 4,34 ha đã thu hút 16 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cụm CN Trường Sơn, diện tích 22,93 ha, thu hút đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ và dệt may. Cụm CN thị trấn Nông Cống, diện tích quy hoạch phát triển CN là 165 ha, đến năm 2030 và đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng diện tích 42,5 ha giai đoạn đầu, thu hút đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ và dệt may... Cụm CN Tân Thọ tại 2 xã Tân Thọ và xã Tân Phúc, diện tích 44,5 ha và hiện Công ty Ngọc Sơn đang trong quá trình tìm hiểu để đầu tư phát triển sản phẩm TTCN, kho và dịch vụ logistics để trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm TTCN trên địa bàn huyện cũng như các địa phương lân cận. Cụm CN Tượng Lĩnh, quy hoạch 49,8 ha, trong tổng số 35 ha đất CN đã có doanh nghiệp thuê đất hoặc đăng ký thuê đất 17 ha...
Ngoài ra, trên cơ sở phát triển các cụm CN gắn với trục đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, UBND huyện đang chỉ đạo các phòng có liên quan phối hợp với UBND các xã có tuyến đường đi qua, rà soát quỹ đất để quy hoạch cụm CN phù hợp với phát triển kinh tế, trên cơ sở đó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh và ưu tiên các ngành nghề tạo nhiều việc làm cho người lao động... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển CN, nên đến hết tháng 2-2023, trên địa bàn huyện Nông Cống có 475 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá trị sản xuất hàng năm đạt 4.500 đến 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 47.500 lao động, thu nhập bình quân 5,5 đến 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Đi đôi với phát triển CN, huyện triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển TTCN, LN của Trung ương, của tỉnh, như về đất đai, đầu tư, tín dụng và thuế, đào tạo tay nghề cho người lao động... Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khi lập quy hoạch chung xây dựng xã dành quỹ đất để phát triển CN, TTCN. Các phòng có liên quan phối hợp rà soát, bổ sung Quyết định số 495/2014/QĐ-UBND ngày 14-4-2014 của UBND huyện về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển TTCN, LN trên địa bàn Nông Cống, qua đó, đã góp phần phát triển hiệu quả TTCN, LN trên địa bàn. Huyện định hướng để các HTX, LN phát triển sản phẩm TTCN gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp duy trì, phát triển nghề, LN truyền thống, nhân cấy nghề mới, nhất là việc khai thác hiệu quả nguyên liệu sẵn có trên địa bàn để phát triển, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Như nghề chiếu cói và các sản phẩm từ cói, hiện đã khôi phục, phát triển với quy mô khoảng 465 hộ, thu hút 1.015 lao động và chủ yếu tại các xã Trường Giang, Minh Khôi, Tế Nông, Tượng Sơn, diện tích vùng nguyên liệu 281 ha... Sản phẩm chiếu cói đạt khoảng 220.295 chiếc/năm, giá trị sản xuất từ 20 đến 23 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 28 triệu đồng/người/năm... Làng nghề làm miến gạo Tân Giao, xã Thăng Long, quy mô 52 hộ, thu hút 152 lao động; sản phẩm chủ yếu là miến sợi, bánh phở, đạt khoảng 2.500 tấn/năm, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 55 triệu đồng/người/năm...
Đối với nhân cấy nghề mới, phải kể đến HTX tre Thăng Thọ. Được thành lập tháng 10-2022, HTX tre Thăng Thọ chuyên sản xuất ống hút bằng tre, cốc tre, bình giữ nhiệt với vỏ bình bằng luồng... và các sản phẩm này đều được xuất khẩu đi các nước Mỹ, Canada... Hiện ống hút bằng tre của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hóa. Nguyên liệu để sản xuất được HTX mua tại các huyện miền núi của tỉnh, như Lang Chánh, Quan Hóa, Như Thanh, Bá Thước... Doanh thu của HTX đạt hơn 300 triệu đồng/tháng, bảo đảm việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, thu nhập của người lao động đạt từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc HTX tre Thăng Thọ Trịnh Đình Toàn, cho biết: Tuy HTX mới thành lập, nhưng được huyện Nông Cống, xã Thăng Thọ tạo điều kiện thuận lợi nên sản xuất, kinh doanh sớm ổn định. HTX đang tiếp tục tìm kiếm thị trường để mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm sản xuất từ tre, luồng, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động... Hiện trên địa bàn huyện có 4.365 cơ sở sản xuất TTCN, tạo việc làm cho khoảng 9.300 lao động, thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng đến 58 triệu đồng/người/năm...
Huyện Nông Cống đã có các LN truyền thống được tỉnh công nhận, gồm LN nón lá, chủ yếu tại các xã Trường Giang, Trường Sơn, Trường Minh; LN làm hương bài tại các xã Quyết Thắng, Vạn Thắng; LN làm miến gạo Tân Giao, xã Thăng Long; nghề mộc tại xã Thăng Thọ. Đối với sản phẩm nón lá Trường Giang, sau khi thực hiện xong dự án tạo lập, xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nón lá Trường Giang” cho sản phẩm nón lá huyện Nông Cống, thì sản phẩm nón lá Trường Giang đã được nhiều vùng miền, doanh nghiệp, siêu thị biết đến và tiêu thụ ngày càng tăng.
Đồng chí Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo rà soát quy hoạch chung xây dựng xã để dành quỹ đất phát triển CN, TTCN nhằm phát huy tiềm năng về nguyên liệu, lao động, lợi thế của các tuyến giao thông đối ngoại trên địa bàn, như tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, đường Nông Cống - Quảng Xương, các điểm đấu nối vào đường bộ cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường tỉnh 525, 505... Thu hút đầu tư phát triển các dự án sử dụng nhiều lao động, bảo vệ tốt môi trường, các dự án mà Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như chế biến thức ăn gia súc, nông sản, thủy sản, dược liệu; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp... Quan tâm đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển đô thị, tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển, từ đó đã thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vào các cụm CN và các khu vực đất dành cho CN ở bên ngoài các cụm CN, nhất là khu vực có lợi thế ở các xã như Hoàng Giang, Minh Khôi, Công Liêm, Công Bình, Tượng Sơn... Huyện đã tạo điều kiện để các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp trong huyện đầu tư phát triển tại các cụm CN, như lĩnh vực may mặc, da giày...
Đi đôi với đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê, phân loại lao động, có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Đồng thời, rà soát số người đã học nghề, nhưng chưa làm nghề, thông qua đó vận động học bổ túc tay nghề để quay lại sản xuất. Đối với các xã, các làng đã có nghề cần tiếp tục duy trì và phát triển về số lượng, chất lượng lao động, đồng thời, tuyển dụng lao động có tay nghề khá đi học các lớp nâng cao tay nghề để trở thành giáo viên, người kiểm tra hàng, sản xuất hàng mẫu... Bảo đảm ổn định và duy trì mạng lưới đào tạo ngành nghề TTCN theo hình thức phối kết hợp với các cơ sở sản xuất (LN, doanh nghiệp, HTX...), gắn đào tạo nghề cho người lao động với sản xuất của cơ sở TTCN; trong đó, tập trung các nhóm nghề đang có khả năng tiêu thụ sản phẩm lớn và ổn định, như mây tre đan xuất khẩu, chao đèn, chậu hoa, mây giang xiên, các sản phẩm nghề truyền thống... Huyện khuyến khích các hộ gia đình sản xuất hàng TTCN thành lập HTX TTCN để tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên; phấn đấu mỗi LN, mỗi nghề thành lập ít nhất được một HTX TTCN. Ngoài những chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội để các doanh nghiệp, HTX vay vốn đầu tư phát triển CN, TTCN, LN. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn ở ngoài huyện, ngoài tỉnh lập trung tâm, xưởng thu mua hàng, nhà kho trên địa bàn Nông Cống, bảo đảm đầu ra của sản phẩm ổn định hơn, giảm khâu trung gian để tăng thu nhập cho người lao động. Huyện tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích, duy trì, phát triển LN, nhất là các LN truyền thống, xây dựng phát triển LN gắn với phát triển du lịch, quy hoạch nông thôn mới.