'Nóng' cuộc đua phát triển trạm sạc xe điện tại Việt Nam
Thị trường phát triển trạm sạc xe điện Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực khi mới đây PV Power - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, đơn vị với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 1,2 tỷ USD với gần 80% cổ phần thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã công bố bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc nhằm mở rộng quy mô, hoạt động kinh doanh.
Đòn bẩy chính sách
Theo thông báo số 384/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các quy định pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc tháo gỡ các vướng mắc phát sinh liên quan đến việc lắp đặt trạm/trụ sạc điện cho các phương tiện giao thông tại các cửa hàng xăng dầu, báo cáo trong tháng 8/2024.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; trong đó cần nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.
Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà chung cư, trung tâm thương mại, trong đó quy định các tiêu chuẩn về hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành tiêu chuẩn (hoặc quy chuẩn) về đầu cắm điện, ổ cắm điện và dây sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trong tháng 8/2024.
Thông báo số 372/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh cũng đã nêu rõ chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế.
Trước sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển giao thông xanh, thị trường phát triển trạm sạc xe điện hứa hẹn thêm động lực để phát triển.
Thực tế, thị trường sạc xe điện ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai khi chưa có nhiều đơn vị phát triển trạm sạc “hùng hậu”. Bên cạnh khó khăn thì cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Ngoài VinFast với V-Green là đối tác cùng nhà, các công ty cung cấp trạm sạc xe điện tại Việt Nam đang chia thành một số nhóm phát triển trạm sạc. Đầu tiên là trạm sạc chính hãng. Nhóm này chủ yếu là trạm sạc tại đại lý và bán sạc tại nhà cho khách hàng sở hữu xe. Nhóm trạm sạc công cộng có thể kể đến EV One, EverCharge. Tiếp đến là nhóm cung cấp sạc tại nhà, công ty thì đông đúc hơn như EverEV, GreenCharge, Star Charge, Autel, v.v…
Tại Việt Nam, VinFast là cái tên lớn nhất hiện sở hữu hệ thống trạm sạc trải khắp toàn quốc nhưng nhà sản xuất xe điện Việt vẫn chưa có ý định chia sẻ. VinFast cũng đã bắt tay với Petrolimex và PV Oil đặt các trạm sạc pin điện tại các cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Đến tháng 4, PV Oil đã tận dụng mặt bằng của các cửa hàng xăng dầu hợp tác với VinFast lắp đặt trạm sạc xe điện tại hơn 322 cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Trong khi đó, với các đơn vị bên thứ 3 cung cấp giải pháp tiện hơn nhưng giá sạc ở một số điểm khá cao đã tạo tâm lý e ngại cho người tiêu dùng.
Vấn đề trạm sạc là bài toán lớn nhất mà các hãng sản xuất, phân phối xe điện phải tính đến đầu tiên khi bán xe điện tại Việt Nam. Rõ ràng, muốn thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng hướng tới Net Zero là định hướng của Chính phủ nhưng ở góc độ người tiêu dùng, nếu không có trạm sạc thì các hãng chắc chắn sẽ khó thuyết phục khách hàng mua xe. Tuy nhiên, ở chiều người lại nếu người mua xe điện không nhiều thì việc đầu tư trạm sạc lại là một khoản đầu tư mạo hiểm với doanh nghiệp.
Mới đây nhất, PV Power đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.
Trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên của PV Power sẽ đặt tại phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng. Trạm sạc nhanh có tổng công suất sử dụng 100-120kW. Diện tích đặt trạm khoảng 30-35m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất 50-60kW/cổng sạc.
Theo thông tin từ doanh nghiệp này, doanh thu sạc điện tính trên sản lượng sạc ước tính và đơn giá sạc dự kiến chia 3 mức đơn giá theo các khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm. Trong đó, đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, tương đương với trạm sạc do VinFast vận hành và thấp hơn một số đơn vị bên thứ 3 khác. Bước đầu, PV Power sẽ xây dựng trạm sạc thí điểm, sau đó sẽ có cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc.
"Miếng bánh ngọt" chờ khai phá
Trước xu thế phát triển của xe điện, Chính phủ Việt Nam hiện đang cụ thể hóa bằng các chính sách quan trọng. Điều này là rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư vào “miếng bánh ngọt” phát triển trạm sạc xe điện.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh).
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã đặt ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh dành cho đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị.
Cụ thể, mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh lĩnh vực đường bộ giai đoạn 1 (2022-2030), cần thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Mới đây nhất, theo Nghị định 95 hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở, từ 1.8, nhà chung cư được phân làm ba hạng theo thứ tự hạng 1, 2 và 3. Chung cư sẽ được xếp hạng dựa trên 8 tiêu chí bắt buộc, gồm vị trí, tiện ích, chỗ đỗ xe, sảnh - hành lang, thang máy, cấp điện, căn hộ và nhóm các tiêu chí theo quy chuẩn xây dựng.
Trong đó, chung cư hạng cao nhất (hạng 1) cần đáp ứng thêm điều kiện về khoảng cách đến công viên hoặc khu vui chơi giải trí. Đồng thời, trong khuôn viên chung cư hạng này phải có khu dịch vụ giáo dục hoặc y tế thể thao, thang máy chở hàng riêng... Riêng về chỗ đỗ xe, cứ hai căn hộ tại dự án hạng 1 cần có tối thiểu chỗ đỗ ôtô (slot) với diện tích tiêu chuẩn 25m2 (tính theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng năm 2021). Đặc biệt, chung cư xếp hạng cao nhất phải có trụ sạc cho xe điện.
Trong Thông tư 09/2024 vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2024. Đối với các trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào khai thác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn này trước ngày 01/01/2027. Đây là nội dung quy định mới có tính chất ràng buộc đối với các trạm dừng nghỉ có diện tích từ 5.000 m2 trở lên và là nội dung cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo về chỉ số thị trường xe ô tô điện trong nước của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), với thị trường khoảng 100 triệu dân, hiện tại, tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.
Dự báo đến năm 2025, nhu cầu ô tô của cả nước sẽ khoảng 800.000 - 900.000 xe và đến năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe
Trong khi đó, Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo đến năm 2028 Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Có thể thấy rằng, thị trường trạm sạc xe điện Việt sẽ rất tiềm năng chờ được khai thác thời gian tới. Giới chuyên môn đánh giá đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường này bởi mảnh đất còn chưa có nhiều đơn vị nước ngoài nhảy vào. Bên cạnh đó, cuộc đua cũng sẽ rất khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự tính toán kỹ càng khi đầu tư vào một lĩnh vực mới ở thị trường mới ở những bước đầu đầu tiên.