Nông dân Cà Mau lo lắng trước 'bão giá' vật tư nông nghiệp
Hiện nay, nông dân tỉnh Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn trong vụ lúa hè thu khi chi phí sản xuất không ngừng tăng do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật leo thang, trong khi giá lúa đầu ra lại thiếu ổn định.
Thực trạng này khiến lợi nhuận ngày càng bị thu hẹp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ nếu gặp thời tiết bất lợi hoặc thị trường biến động.
Vụ lúa hè thu đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, thời điểm mang tính quyết định đến năng suất cả vụ. Thế nhưng, điều khiến bà con lo lắng nhất hiện nay không chỉ là sâu bệnh hay diễn biến thời tiết, mà chính là giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn đến chi phí đầu tư.
Giá vật tư tăng, nông dân khó giữ lợi nhuận
Tại Hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm, xã Châu Thới, hơn 210 ha lúa hè thu đang sinh trưởng đồng đều nhờ xuống giống tập trung và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Ngan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX, chi phí đầu vào tăng mạnh đang là trở ngại lớn. Cụ thể, giá nhiều loại phân bón thiết yếu như NPK, Kali đã tăng từ 50-100 ngàn đồng/bao so với đầu vụ; thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng 10-20% so với vụ trước.
“ Thị trường lúa gạo bấp bênh, trong khi giá vật tư không ngừng leo thang. HTX mong muốn các cấp sớm có giải pháp bình ổn, hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp để sản xuất được duy trì ổn định, bền vững”, ông Trịnh Văn Ngan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX, đề xuất.

Nông dân bón phân, chăm sóc lúa. Ảnh: ANH TUẤN
Ông Võ Minh Tiến, nông dân xã Châu Thới, đang canh tác 2 ha lúa giống OM18, cho biết thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, sâu bệnh ít, lúa sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, giá vật tư tăng cao đã khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể. Trong khi đó, giá lúa đầu ra lại bấp bênh, khiến ông và nhiều nông hộ không khỏi lo lắng.
“Hiện giá lúa tươi chỉ khoảng 6.000-6.200 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí thì gần như không còn lãi. Trong khi đó, phân bón, thuốc sâu đều tăng mạnh. Nông dân mong Nhà nước sớm có chính sách bình ổn giá, để bà con yên tâm gắn bó với đồng ruộng”, ông Tiến chia sẻ.
Theo ghi nhận, chi phí sản xuất mỗi công lúa hiện từ 3-3,5 triệu đồng, trong đó riêng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã chiếm hơn 60%. Khi giá vật tư tăng, tổng chi phí đầu tư cũng tăng theo, khiến lợi nhuận ngày càng giảm. Đáng lo hơn, chất lượng vật tư trên thị trường thiếu kiểm soát, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan, khiến nhiều hộ dù đầu tư lớn nhưng lúa sinh trưởng kém, sâu bệnh không kiểm soát được, dẫn đến thất thu.

Ngành chức năng kiểm tra chất lượng phân bón. Ảnh: ANH TUẤN
Tăng liên kết chuỗi, siết chặt quản lý vật tư
Trong tình cảnh người nông dân đang chật vật trong vòng xoáy bão giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao; giá lúa không ổn định; thời tiết cực đoan ngày càng khó dự báo; cùng với đó là nỗi lo thường trực về hàng giả, hàng kém chất lượng và dịch bệnh trên cây trồng. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn trực tiếp tác động đến tâm lý và thu nhập của người sản xuất.
Vì vậy, mong mỏi lớn nhất hiện nay của bà con nông dân là thị trường tiêu thụ lúa gạo ổn định và vật tư đầu vào được kiểm soát cả về giá lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị cũng là một giải pháp được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định sản xuất.

Ngành chức năng kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: ANH TUẤN
Khi có sự liên kết chặt chẽ, người nông dân sẽ được tiếp cận nguồn vật tư đảm bảo chất lượng với mức giá ưu đãi, đồng thời được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, ngành chức năng, cần tăng cường các chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác, hướng dẫn sử dụng vật tư hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng lúa./.