Nông dân Cao Phong bội thu nhờ sản xuất nông nghiệp chuỗi

Cao Phong là một trong những thủ phủ nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình, nổi tiếng bậc nhất với cây cam. Nhưng không chỉ có cam, huyện còn nhiều loại cây trồng thế mạnh khác mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần làm giàu cho nông dân.

Thời gian qua, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn, hiệu quả, huyện Cao Phong đã chủ động định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với hình thành các vùng canh tác hàng hóa lớn, kết hợp với hoàn thiện công nghiệp chế biến, khơi thông thị trường tiêu thụ...

Xác định hướng đi đúng

Để nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp, huyện Cao Phong tiến hành rà soát bổ sung các quy hoạch bảo đảm tính thống nhất và khả thi nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, đồng thời thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án hỗ trợ.

Trong đó, nhiều chương trình, dự án đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất. Điển hình như đề án rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải tạo vườn tạp, tái canh cây ăn quả có múi, bảo vệ và phát triển rừng...

Cao Phong chú trọng thúc đẩy nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững (Ảnh: BHB).

Cao Phong chú trọng thúc đẩy nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững (Ảnh: BHB).

Huyện cũng đã và đang chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số, công nghệ sinh học và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện có chiều sâu, thực chất hơn Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Đến nay, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống.

Việc sản xuất theo hướng hàng hóa cho năng suất, sản lượng, chất lượng ngày càng tăng, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp với sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), mía tím ăn tươi và mía trắng ép nước.

Hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện đạt 1.744,4 ha, trong đó cây cam 1.357,4 ha, sản lượng năm 2022 đạt 20.000 tấn. Tập trung xây dựng cánh đồng mẫu về tái canh cây cam với 13,98 ha tại Đội Bắc Phong, thuộc đất của Công ty TNHH MTV Cao Phong.

Nông nghiệp vươn tầm

Với những chính sách hỗ trợ, chiến lược phát triển đúng hướng, ngành nông nghiệp huyện đã có những bước phát triển vượt bậc. Nổi bật trong số đó phải kể đến sự “thăng tiến” của thương hiệu cam Cao Phong, liên tục chinh phục các thị trường trong và ngoài nước.

Quả cam Cao Phong có mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Giống cam này đã giúp cho mảnh đất Cao Phong từ chỗ chỉ là một huyện miền núi thuần nông trở thành một trong những “thủ phủ” cây trồng có múi của cả nước.

Thông tin từ UBND tỉnh Hòa Bình, toàn huyện Cao Phong hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng ước 18.000 tấn, trong đó diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha.

Huyện chú trọng phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất (Ảnh: BHB).

Huyện chú trọng phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất (Ảnh: BHB).

Với chất lượng tốt, cam Cao Phong đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, và cũng là nông sản đặc trưng, tiêu biểu tạo thế mạnh tiền đề để huyện thúc đẩy kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam, bưởi phải kể đến vai trò tiên phong của các HTX khi đóng vai trò tiên phong áp dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm, tích cực liên kết với doanh nghiệp nhằm nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Toàn huyện có 49 HTX, 10 tổ hợp tác.

Những tên tuổi HTX nổi bật có thể kể đến như Hà Phong, Mạnh Khoa, 3T nông sản Cao Phong… Song song với ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng quả cam, các HTX đã thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp, tăng cường chế biến sâu với các sản phẩm như nước cam, mứt cam, rượu cam.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong, chia sẻ đến nay, 3T farm có trên 20 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm sau khi thu hoạch được sơ chế, sục rửa ozone, đóng gói đầy đủ tem, nhãn mác, bao bì, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Sản lượng cam của HTX niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 300 tấn. Cam quà tặng cao cấp 3T farm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. HTX cũng tổ chức cho du khách đến tham quan, trải nghiệm vườn cam. Năm 2022, HTX ra mắt loạt sản phẩm chế biến từ cam như trà cam, rượu cam, mứt cam, bột cam cốm.

Tương tự, HTX Hà Phong (xã Bắc Phong) là một trong những điển hình trên địa bàn huyện nhờ thực hiện thành công mô hình sản xuất cam hữu cơ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm của HTX đã được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh đón nhận.

Tiếp tục phát huy thế mạnh

Để tiếp tục khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP của huyện Cao Phong, các HTX đều đang tập trung nguồn lực đầu tư chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đầu tư dây chuyền công nghệ sơ chế, tăng cường công tác giới thiệu sản phẩm…

Trên quy mô toàn ngành, huyện Cao Phong đang tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh quả cam VietGAP liên tục “đem chuông đi đánh xứ người”, huyện còn có các sản phẩm thế mạnh khác, cho giá trị cao.

Điển hình như hạt dổi Thạch Yên của hộ kinh doanh Bùi Văn Tiến, xã Thạch Yên; mây tre đan Tây Phong của Tổ hợp tác xã mây tre đan xã Tây Phong; na Đỉnh Cun của Tổ hợp tác trồng na xóm Đỉnh Cun). Đặc biệt, huyện có trà chanh đào mật ong của HTX Hà Phong xuất đi thị trường Vương quốc Anh...

Những kết quả trên là thành quả của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Thời gian tới, huyện chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất.

Huyện cũng sẽ tập trung sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo quy hoạch, dựa trên kết quả đề án xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và phân hạng thích nghi đất sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, huyện ổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, thực hiện tái canh cây ăn quả có múi, nâng cao chất lượng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu, giữ vững sản phẩm cam Cao Phong là sản phẩm mũi nhọn, chủ lực của huyện.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nong-dan-cao-phong-boi-thu-nho-san-xuat-nong-nghiep-chuoi-1097138.html