Lần đầu tiên nông dân An Giang chứng kiến hàng chục TikToker nổi tiếng cùng livestream bán hàng OCOP
Nhiều đặc sản An Giang như: đường thốt nốt, mắm cá linh, khô cá lóc, gạo ST25,… đã được các 'hot' TikToker livestream bán hàng, thu hút đông đảo người dùng chốt đơn
Sáng 30-6, tại Nông trại Phan Nam (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã diễn ra phiên livestream quy mô lớn với sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok.
Trong đó, có nhiều TikToker có tầm ảnh hưởng lớn và người dùng theo dõi đông đảo như: Thiện Nhân, Hằng Du mục, Phương Oanh Daily, Huyền Phi, Tạ Công Bằng,… nằm trong chương trình Hội nghị Kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang kết hợp Phiên quảng bá sản phẩm trên TikTok.
Chương trình do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang và nền tảng TikTok.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, không khí nơi tổ chức sôi động với nhiều âm thanh kêu gọi người dùng "chốt đơn" của các TikToker.
Người dân tham quan Nông trại Phan Nam rất hào hứng khi lần đầu thấy một phiên livestream tổ chức bên ngoài với sự tham gia của nhiều ngôi sao trên mạng xã hội.
Đại diện các nhãn hàng có sản phẩm trong phiên live chăm chú theo dõi phiên livetream mẫu để học hỏi rút kinh nghiệm.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang, cho biết toàn tỉnh có 120 sản phẩm OCOP. Do các sản phẩm OCOP thường sinh ra từ làng và người làm ra là nông dân nên năng lực hạn chế, đặc biệt trong việc bán hàng qua mạng.
"Tôi hy vọng chương trình sẽ giúp các chủ thể OCOP tự tin, thay đổi nhận thức để vượt qua khó khăn ban đầu, tận dụng nền tảng số để đưa các sản phẩm đi xa. Khi các hộ gia đình, doanh nghiệp OCOP tăng doanh thu, lợi nhuận sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương, giảm bớt tình trạng tha hương tìm kiếm việc làm" – ông Hiếu nói.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, chương trình hỗ trợ các sản phẩm OCOP đã đi qua 30 tỉnh, thành và nhận thấy có rất nhiều sản phẩm hay, phù hợp để kinh doanh trên nền tảng.
Thời gian tới, chương trình sẽ phát triển theo chiều sâu để nông, đặc sản địa phương được nhiều người biết đến và bán được giá cao hơn, cải thiện thu nhập cho bà con. Thời gian tới, chương trình hỗ trợ thêm nhóm sản phẩm từ làng nghề và hướng đến xuất khẩu ở các thị trường có sự hiện diện của TikTok Shop, trước hết là các nước ASEAN.