Nông dân Đồng Nai thời công nghệ cao

Diện mạo nông nghiệp tỉnh Đồng Nai những năm qua đang có sự thay đổi lớn nhờ một thế hệ nông dân mới đầy sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, hình thành những khu trang trại, cánh đồng lớn có giá trị vượt trội.

Sau thời gian dài làm kỹ sư nông nghiệp tại các trang trại sản xuất rau củ quả công nghệ cao nhằm tích lũy kinh nghiệm, anh Vũ Đình Huấn trở về quê hương ở xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu thuê đất, xây dựng nhà màng hiện đại để phát triển mô hình trồng dưa lưới.

Tự tin làm nông nghiệp hiện đại

Sau hơn 1 năm khởi nghiệp, 2 nhà màng rộng trên 2.000 m2 của anh Huấn đang dần đi vào ổn định, doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng sau mỗi vụ thu hoạch. Với điểm tựa đang có, anh dự định nhân rộng diện tích lên gấp đôi trong vòng 2 năm tới.

“Rất nhiều người bạn của tôi, được đào tạo bài bản, cũng đang hướng về quê hương để khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao. Các mô hình được tổ chức sản xuất khoa học, có liên kết chặt chẽ với HTX, doanh nghiệp từ khâu đầu vào đến tiêu thụ”, anh Huấn chia sẻ.

Đồng Nai đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: BĐN).

Đồng Nai đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: BĐN).

Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những chiến lược trọng điểm của huyện trong thời gian qua. Từ nay đến năm 2030, huyện dự kiến triển khai 15 dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện đã quy hoạch quỹ đất để phát triển với diện tích gần 750ha thuộc các xã: Trị An, Bình Lợi… Trong đó, có 5 dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.

Tương tự, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, tại các huyện Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất… cũng đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao.

Điểm chung của các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao là các sản phẩm sản xuất ra theo hướng sạch, áp dụng quy trình GAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn của sản phẩm. Các mô hình gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến, đảm bảo môi trường sinh thái.

Điển hình như ở TP.Long Khánh đang thực hiện thí điểm Làng du lịch sinh thái tại ấp Cây Da, xã Bình Lộc. Hỗ trợ gắn 270 mã QR trên cây chôm chôm cho các hộ dân thực hiện mô hình sinh thái vườn nhằm phục vụ tốt công tác khai thác du lịch, đồng thời lưu giữ, phát triển bền vững các giống cây mang chỉ dẫn địa lý của Long Khánh.

Hay như ở Trảng Bom, để nâng cao giá trị sản xuất, thời gian qua, người trồng chuối nơi đây đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào canh tác. Đến nay, trên 90% diện tích chuối trên địa bàn huyện được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, 100% diện tích chuối xuất khẩu được bao buồng.

Hướng tới hình thành các chuỗi liên kết

Đến nay, huyện Trảng Bom đã xây dựng được các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chuối cấy mô giữa Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô xã Bàu Hàm và Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô xã Sông Thao với Công ty TNHH Nông nghiệp Sông Thao có quy mô gần 800ha.

Trong chuỗi liên kết, 100% thành viên của các tổ hợp tác được đào tạo, nắm chắc quy trình sản xuất, vận hành hiệu quả hệ thống tưới tự động, kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây qua hệ thống dữ liệu trên máy vi tính, vận hành nhà kho, máy móc sơ chế, hệ thống bảo quản.

Cũng ở Trảng Bom, chuỗi liên kết chuối cấy mô của HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình, xã Thanh Bình với diện tích khoảng 120ha xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang cho thấy hiệu quả vượt trội cả về kinh tế và môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.

Hiện, HTX đã tổ chức trồng chuối sạch theo quy trình khép kín với chất thải hữu cơ trong sản xuất được tận dụng làm phân bón lại cho vườn chuối. Ngoài xuất khẩu trái chuối tươi, HTX còn đầu tư nhà sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, máy chế biến nông sản khô, máy chế biến dẻo các loại nông sản, hệ thống kho lạnh để làm sản phẩm chế biến từ chuối…

Giám đốc HTX Thanh Bình Lý Minh Hùng chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã tổ chức trồng chuối sạch theo quy trình khép kín. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được lựa chọn kỹ lưỡng, theo chuẩn hữu cơ, an toàn sinh học. Chất thải được thu gom, tái chế thành phân vi sinh.

HTX còn là đơn vị tiên phong tham gia kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp khi nghiên cứu sử dụng những phụ phẩm vốn bỏ đi như bẹ chuối, xơ, sợi chuối sấy khô làm nguyên liệu để làm ra các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu thụ tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Có thể thấy, nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển rất mạnh ở Đồng Nai. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 186 HTX nông nghiệp, trong đó, có 63 HTXnông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 61 HTX tham gia chuỗi liên kết.

Từ cuối năm 2021, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành chủ trương về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối giao thương, kết nối sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị và các kênh phân phối cũng được đẩy mạnh. Ấn tượng có thể kể đến chương trình hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử với 356 nông hộ cài đặt thành công, đưa sản phẩm lên sàn postmart.vn. Triển khai hỗ trợ website ứng dụng thương mại điện tử đối với chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/nong-dan-dong-nai-thoi-cong-nghe-cao-1092448.html