Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa Đông Xuân sau Tết

Sau những ngày vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, hiện nay, nông dân ở các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tập trung bước vào thu hoạch trà lúa Đông Xuân 2023 - 2024.

Thu hoạch lúa Đông Xuân trên cánh đồng thuộc xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Thu hoạch lúa Đông Xuân trên cánh đồng thuộc xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tuy giá lúa có xuống chút ít so với thời gian trước Tết Nguyên đán nhưng nông dân vẫn phấn khởi vì với mức giá hiện tại, đảm bảo người trồng lúa có lãi khá cao.

Ngày mùng 5 Tết, 14 công lúa (1.300m2 mỗi công) sạ giống OM-18 của ông Trần Văn Đằng ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh đã được thu hoạch. Lẽ ra diện tích lúa này đến kỳ thu hoạch vào ngày 30 Tết nhưng vì ngay ngày nghỉ Tết, không có người thu hoạch và thương lái thu mua nên ông đã bón thêm phân để lúa chín chậm hơn, kéo dài thời gian "neo" trên đồng, chờ qua Tết là thu hoạch ngay.

Hơn 1 tháng trước, ông Đằng đã nhận tiền cọc bán lúa với giá 10.000 đồng/kg. Tình hình giá lúa biến động theo hướng sụt giảm, đến thời điểm thu hoạch, ông còn bán được 9.200 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá bán này, ông Đằng cũng rất phấn khởi vì đối với ông, mức giá còn giữ hơn 9.000 đồng/kg là đảm bảo có lợi nhuận tốt.

"Vụ Đông Xuân này, tôi thu hoạch mỗi công lúa 1.300m2 năng suất đạt khoảng 1 tấn, bán với giá 9.200 đồng/kg thì lợi nhuận từ 3 triệu đồng trở lên mỗi công. Năng suất lúa tăng và giá bán cũng cao. Vì vậy, đây là vụ lúa mà tôi có lợi nhuận nhiều nhất từ trước đến nay", ông Đằng chia sẻ.

Ông Trần Văn Rắc ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cũng rất phấn khởi vì vụ lúa Đông Xuân này trúng mùa, giá bán lại cao hơn 2.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân năm trước. Với diện tích canh tác 9,5ha, tổng sản lượng lúa khoảng 66,5 tấn, ông Rắc bán được trên 630 triệu đồng.

Ông Trần Văn Rắc cho biết, năng suất lúa của ông đạt hơn 700kg/công (mỗi công là 1.000m2) và bán với giá 9.600 đồng/kg vì chất lượng lúa tốt. Bán được giá đó, ông Rắc rất vui mừng, ông hy vọng vụ lúa tiếp sau còn giữ mức giá lý tưởng như thế.

Sau khi thu hoạch, lúa được vận chuyển đến nơi tập kết để thương lái thu mua. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Sau khi thu hoạch, lúa được vận chuyển đến nơi tập kết để thương lái thu mua. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ngay sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc, nông dân ở Đồng Tháp tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân bởi bà con cho rằng, tranh thủ thu hoạch càng sớm sẽ bán giá càng cao. Trên đồng, máy gặt đập liên hợp, xe vận chuyển lúa hoạt động hết công suất; dưới kênh, thương lái neo đậu ghe chờ sẵn để thu mua lúa, tạo nên khung cảnh rất nhộn nhịp, phấn khởi trong những ngày đầu năm mới.

Dưới chân cầu kênh Ông Đen, thuộc xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh trở thành địa điểm tập kết lúa sau khi thu hoạch của một cánh đồng gần đó và là nơi đậu ghe của nhiều thương lái. Chủ ruộng và thương lái tiến hành mua bán, cân lúa, ghi sổ và trả ngay tiền mặt. Có một đội công nhân bốc vác lúa thuê hơn 10 người túc trực đảm nhận việc vận chuyển từ trên bờ xuống ghe. Nhờ vậy, vào mùa thu hoạch, giúp nhiều lao động địa phương có thêm nguồn thu nhập từ nghề vác lúa. Anh Nguyễn Hoài Khương ở xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh cho biết, sau vài ngày ở nhà ăn Tết, từ mùng 4 Tết, anh bắt đầu đi vác lúa, làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, thu nhập trung bình 500.000 - 600.000 đồng/ngày.

Trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp xác định mục tiêu phấn đấu sản lượng lúa đạt hơn 3,3 triệu tấn. Chất lượng lúa được nâng cao, tăng diện tích canh tác giống xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa Đông Xuân năm 2023 - 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp xuống giống 189.000ha, đạt 100% so với kế hoạch. Diện tích vụ lúa Đông Xuân đã thu hoạch hơn 42.700ha, năng suất bình quân gần 6,7 tấn/ha, cũng có nhiều diện tích lúa đạt từ 7 - 8 tấn/ha (10.000m2).

Nhựt An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nong-dan-dong-thap-thu-hoach-lua-dong-xuan-sau-tet/323807.html