Nông dân Gia Lâm tích cực xây dựng tổ hội nghề nghiệp
Thông qua việc khuyến khích hội viên nông dân tích cực xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, đến nay, huyện Gia Lâm đã có thêm nhiều vùng chuyên canh, tập trung, những mô hình sản xuất, kinh doanh cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn, toàn huyện đã thành lập được 20 tổ hợp tác trên cơ sở phát triển từ tổ hội nghề nghiệp với đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh như: Sản xuất, tiêu thụ rau, quả an toàn; trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây giống; sơn thếp vàng bạc quỳ... Khi tham gia các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các thành viên được tập huấn nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh; được tạo điều kiện để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình hiệu quả trong và ngoài địa phương về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, sản xuất rau an toàn, cách sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học an toàn cho cây trồng…
Cụ thể, tại xã Đa Tốn, địa phương đã thành lập được 2 chi hội, 3 tổ hội, 1 tổ hợp tác chuyên sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, rau, quả. Điển hình, tổ hội nghề nghiệp trồng hoa, cây cảnh có 16 thành viên, canh tác trên tổng diện tích 2,5ha, trồng các loại hoa đồng tiền, mộc, trà, hải đường…, các loại cây cảnh nhỏ (bonsai), cho doanh thu từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Tốn Lê Thanh Phương cho biết, căn cứ nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Hội sẽ phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức tập huấn khoa học, kỹ thuật, nhằm nâng cao kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng...
Còn tại xã Lệ Chi, các hội viên nông dân xã đã xây dựng được 3 tổ hội, 1 chi hội, 1 hợp tác xã trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, trồng hoa, cắt cành… Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi Phạm Văn Nghệ cho hay, việc thành lập chi hội, tổ hội nhằm cùng hỗ trợ nhau có thêm kiến thức nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, thu nhập trên diện tích canh tác của các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp ở Lệ Chi đạt từ hàng trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Để hỗ trợ hội viên nông dân, các chi hội, tổ hội quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, các cấp Hội Nông dân huyện Gia Lâm đã phối hợp, hướng dẫn các hộ gia đình hội viên có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; lập hồ sơ đưa 198 sản phẩm lên trang thương mại điện tử Gia Lâm và sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart, trang web…
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, các hội cơ sở đã thành lập được 5 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 53 thành viên, gồm: Tổ nông dân nghề nghiệp trồng hoa, cây cảnh, trồng cây ăn quả, sản xuất may mặc... tại thị trấn Trâu Quỳ và các xã: Phù Đổng, Dương Xá, Kim Sơn, Yên Thường, Lệ Chi; ra mắt 2 chi hội nông dân nghề nghiệp với 31 thành viên, gồm: Chi hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh quả bưởi an toàn xã Đa Tốn, Chi hội nông dân nghề nghiệp hoa cắt cành xã Lệ Chi... Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững"…
Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Tốn Lê Thanh Phương, vấn đề mấu chốt là cùng với việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, người nông dân, thành viên, hội viên các chi hội, tổ hội cần quan tâm, thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm thông qua tìm hiểu, nắm bắt kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong trồng, chăm sóc cây, con theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ… Cung cấp cho thị trường những sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, tạo niềm tin để thu hút doanh nghiệp, đơn vị tìm đến, nhận bao tiêu sản phẩm bền vững, giúp nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người sản xuất.