Nông dân Hà Tĩnh 'bắt nhịp' nền nông nghiệp thông minh
Nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động quảng bá tiêu thụ là điều mà nhiều nông dân Hà Tĩnh đang quan tâm thực hiện để đưa sản phẩm do mình sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng.
Khoa học – “chìa khóa” nâng cao chất lượng sản phẩm
Bỏ qua lối nuôi quảng canh, năm 2017, gia đình anh Nguyễn Văn Hòa (xóm Liên Hà – xã Thạch Hạ - TP. Hà Tĩnh) mạnh tay chi 1 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nuôi tôm công nghệ cao.
“Muốn thành công, đầu tư tài chính thôi chưa đủ mà phải cần đến khoa học kỹ thuật. Vốn có sẵn kiến thức về nuôi trồng thủy sản cùng nhiều chuyến đi thực tế nên chỉ qua vài vụ nuôi giúp tôi dần trở thành “bác sỹ” bắt bệnh trên tôm; có thể kiểm soát, xử lý, không chế dịch bệnh kịp thời. Theo đó, mỗi năm tôi quay vòng 3 vụ, mỗi vụ 60 vạn con giống, doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/vụ. Hơn nữa, nhờ công nghệ vi sinh, nói "không" với kháng sinh và hóa chất nên tôm của gia đình tôi luôn được doanh nghiệp đặt hàng, đầu ra ổn định, không lo bị ép giá” – anh Hòa cho biết.
“Đánh mạnh” vào nông nghiệp công nghệ cao, các thành viên của HTX Gia Phúc (Can Lộc) đã cho ra đời chuỗi nông sản sạch. Hệ thống nước tưới và phân hữu cơ thông qua công nghệ điều khiển tự động Israel không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho 20 ha cây ăn quả mà còn cho sản phẩm thơm ngon, an toàn.
Đặc biệt, thanh long ruột đỏ, ổi Đài Loan được thương lái "săn" tận vườn với giá cao. Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi lợn và gà thương phẩm luôn đứng vững trong cơn “bão dịch” nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.
Chủ động quảng bá tiêu thụ sản phẩm
Đầu tư chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, hàng hóa sản xuất ra nhiều, nếu thụ động về thị trường ắt sẽ “giết chết” mô hình. Đó cũng là lý do mà chị Võ Thị Hoa (xã Thạch Đài – Thạch Hà) tìm đủ cách để "thâu tóm" thị trường. Với sự nhanh nhạy, táo bạo, chị mang sản phẩm đi nhiều nơi "chào hàng".
Giờ đây, không chỉ cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, tiểu thương ở chợ mà sản phẩm gà sạch (thịt và trứng gà Minh Đức) của gia đình chị đã có mặt trong bữa ăn bán trú tại các trường học trong và ngoài huyện. Thậm chí, gần chục năm qua, trứng gà Minh Đức đã lên kệ siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Chị Hoa chia sẻ: “Nếu mình ngại khó ngại khổ, không chấp nhận lăn lộn tìm kiếm thị trường thì không thể cạnh tranh và phát triển bền vững. Bạn hàng của tôi luôn được mở rộng, có khi nguồn cung không đủ, tôi phải hiệp đồng những người sản xuất uy tín để cung cấp thêm”.
Với chị Lê Thị Bình - chủ cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình (thị trấn Phố Châu – Hương Sơn) thì hầu như hội chợ thương mại nào chị cũng có mặt.
Chị Bình chia sẻ: “Sản phẩm thơm ngon nhưng không quảng bá cũng chẳng mấy ai biết. Chúng tôi xác định, phải luôn chủ động, đầu tư thị trường qua nhiều kênh trong đó có hội chợ. Mỗi năm, tôi đi hàng chục hội chợ lớn - nhỏ khắp cả nước. Nhờ vậy, thị phần các sản phẩm nem chua Ý Bình tăng cao theo thời gian và là động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô”.
Ông Trần Hữu Đức – Trưởng ban Kinh tế - xã hội, Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: “Những năm gần đây, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Hà Tĩnh phát triển mạnh. Mỗi năm, toàn tỉnh có trên 80.000 hộ nông dân giỏi các cấp được tôn vinh với nhiều mô hình canh tác hữu cơ cho sản phẩm an toàn, thậm chí có mô hình dùng camera theo dõi quy trình sản xuất.
Nông dân không chỉ cần cù, sáng tạo để cho ra đời chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đa dạng mà nhiều người trong số đó đã trở thành những "nhà thị trường" với nhiều cách thức năng động, đưa sản phẩm đến gần hơn, nhiều hơn với người tiêu dùng. Thậm chí, họ còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và nhận được hiệu quả bất ngờ. Đó chính là tố chất đáng quý của nông dân thời 4.0, hướng tới nền nông nghiệp thông minh”.
Thu Phương