Nông dân Hà Tĩnh sử dụng trên 120 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học mỗi năm
Thực tế Hà Tĩnh vẫn đang xoay sở với câu chuyện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông sản, trong khi đó, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) mặc dù được coi là con đường tất yếu nhưng đang gặp nhiều khó khăn do bài toán an ninh lương thực.
Báo động tình trạng lạm dụng thuốc BVTV
Phần lớn nông dân hiện vẫn đang sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV với liều lượng cao.
Theo ông Nguyễn Tống Phong - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, trung bình ở Hà Tĩnh, mỗi năm có khoảng 220 tấn thuốc BVTV và 120.000 tấn phân hóa học được sử dụng; trong đó, có khoảng 81 tấn thuốc diệt cỏ, 65 tấn thuốc trừ sâu. Việc sử dụng phân bón và hóa chất BVTV mặc dù đã được cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhưng vẫn còn tình trạng lạm dụng dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất.
Trong khi đó, ông Phan Văn Hùng - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, hóa chất BVTV tuy đem lại hiệu quả tức thời, nhanh chóng nhưng lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, thậm chí tăng khả năng mắc bệnh ung thư, đột biến gen nếu sử dụng không đúng phương pháp, không theo khuyến cáo… Ở nước ta, hằng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất BVTV phải cấp cứu, trong đó có trên 300 trường hợp tử vong.
Thách thức lớn
Hà Tĩnh đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp hướng tới hữu cơ...
Trước những vấn đề tồn tại của hóa chất BVTV thì NNHC được coi là giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu toàn cầu bởi sản phẩm hữu cơ mang lại sức khỏe cho con người. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, NNHC Hà Tĩnh mới chỉ khởi đầu và vẫn còn nhiều lỗ hổng trong khâu quản lý, thực hiện và để phát triển cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
... và đã có một số sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội KH&KT nông nghiệp Đào Nghĩa Nhuận cho hay: “Hiện nay trên thị trường Hà Tĩnh ngoài gạo hữu cơ đã có rau hữu cơ, cháo hữu cơ… nhưng không biết họ sản xuất theo tiêu chuẩn nào, cơ quan nào giám sát? Thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng. Tôi biết, có trường hợp địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo theo hướng liên kết. Trong quá trình sản xuất, vì lúa bón phân vi sinh sinh trưởng chậm, đẻ nhánh kém, sợ năng suất giảm nên người dân bón thêm phân vô cơ, thậm chí phun thuốc BVTV khi lúa sâu bệnh nặng. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường, gạo vẫn được gắn mác hữu cơ và bán với giá cao”.
Ông Đào Nghĩa Nhuận cũng cho biết thêm, khi chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang NNHC sẽ xảy ra rất nhiều bất cập bởi chắc chắn năng suất nông sản sẽ giảm sâu, sẽ xảy ra nguy cơ thiếu lương thực. Nguyên nhân là năng suất cây trồng, vật nuôi thấp hơn sản xuất truyền thống do không sử dụng phân bón hóa học; nguy cơ dịch bệnh cao hơn do không dùng thuốc BVTV, thuốc thú y… Bởi vậy, để phát triển NNHC cần tính toán lộ trình cụ thể.
Hướng tới cộng đồng tự giám sát, tự công bố chất lượng
Hội Làm vườn và Trang trại đang xây dựng mô hình hệ thống cùng giám sát – PGS, tự công bố chất lượng tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà) hướng tới mục tiêu xuất khẩu rau.
Nhằm tìm hướng đi đúng cho phát triển NNHC, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Hội Làm vườn và Trang trại xây dựng các mô hình thí điểm. Ông Nguyễn Xuân Tình - Chủ tịch Hội cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng một số mô hình ứng dụng KH&CN sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bước đầu đạt hiệu quả và góp phần thay đổi nhận thức người dân.
Đặc biệt, Hội đang hướng dẫn xây dựng mô hình hệ thống cùng giám sát – PGS, tự công bố chất lượng tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà) theo hướng cộng đồng dân cư giám sát chéo qua các nhóm hộ, liên nhóm hộ rồi tự công bố chất lượng. Ngoài ra, còn có sự giám sát từ Hội, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ... Khi đó, chất lượng sản phẩm NNHC sẽ được đảm bảo, có truy xuất nguồn gốc và người dân tự chịu trách nhiệm về sản phẩm mình làm ra.
Đối tác Nga đánh giá cao đánh giá cao chất lượng nông sản Hà Tĩnh
Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người dân, doanh nghiệp được chủ động khai báo và công bố thông tin liên quan đến sản phẩm.
Theo đó, cơ sở SX-KD thực phẩm được tự công bố sản phẩm của mình trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết tại trụ sở và công bố trên hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm khi các sản phẩm này là sản phẩm thuộc diện tự công bố. Đồng thời, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các công bố đó, thay vì phải gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác nhận. (Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP).
Căn cứ vào hồ sơ tự công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm.