Nông dân Hải Phòng rủ nhau săn 'lộc trời'

'Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm' là câu cửa miệng của người dân Hải Phòng khi tính nước con rươi- con 'lộc trời' ngoi từ lòng đất lên.

Rươi sau khi đổ săm được làm sạch để đóng cẩn thận chuyển đi bán khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Rươi sau khi đổ săm được làm sạch để đóng cẩn thận chuyển đi bán khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Phấn khởi mùa rươi

Với người dân miền Bắc, đặc biệt khu vực Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh con rươi là món ăn đặc sản và là thứ quà quê quý giá để biếu người thân, thực khách xa gần.

Con rươi trong dân gian gọi là rồng đất, nhiều người còn gọi là “lộc trời” vì nó là loài nhuyễn thể sống trong môi trường nước lợ tự nhiên, đến con nước tự ngoi lên.

Nhìn bên ngoài, con rươi nhìn khá giống với giun đất, đầu có 1 thùy nhỏ, trên miệng có 2 mắt màu đen. Thân rươi dẹp, dài khoảng 6 - 7cm và rộng khoảng 5 - 6mm, trên thân có 65 đốt với nhiều màu sắc khác nhau như: hồng, trắng, nâu,... Phần lưng trên được phủ một lớp tơ dài và dày.

Rươi được xếp vào danh sách thực phẩm quý giá bởi hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon. Con “lộc trời” có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như: chả rươi, rươi kho, rươi nấu chua, mắm rươi…. Giá thành 1 kg rươi thường rất cao, tùy thời điểm có khi lên tới 500-600 nghìn, nhưng có đợt từ 200-300 nghìn.

 Rươi mang lại giá trị dinh dưỡng cao.

Rươi mang lại giá trị dinh dưỡng cao.

Tháng 10 âm lịch là thời điểm thu hoạch rươi, trên khắp cánh đồng bãi thôn Kim Ngân, Xung Kích, Khắc Phục của xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo TP Hải Phòng người dân hò nhau thả săm (dụng cụ bằng lưới mắt nhỏ) bắt “lộc trời”.

Người dân thôn Kim Ngân từ nhiều đời thuần túy làm nông nghiệp. Hàng trăm mẫu ruộng lúa giáp con sông Cái là nơi họ cấy lúa, kiếm hạt hạt thóc nuôi sống gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (58 tuổi), thôn Kim Ngân kể, nhà bà có 4 sào ruộng bãi trũng, dù đất phù sa rất tốt nhưng chỉ phù hợp cấy giống lúa dài ngày. Ruộng sâu, phụ thuộc con nước nên năng suất không cao, khoảng 70-80 kg thóc/sào. Nhưng bù lại mỗi năm ông trời cho 4 vụ rươi, nên gia đình bà Hạnh cũng có thêm thu nhập.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở đồng bãi, với tôi con rươi không xa lạ. Tuy nhiên, ngày trước người dân quê chỉ biết cấy lúa, không chú trọng đến sản phẩm khác. Con cáy bãi hay con rươi sẵn có theo con nước, theo mùa nhưng người dân cũng chỉ bảo nhau đi vớt về làm món ăn cải thiện cho gia đình.

Khoảng hơn chục năm nay, rươi trở thành món ăn giá trị, thứ quà quê quý báu và được nhiều người ưa chuộng nên bà con nghĩ ra cách cấy lúa để giữ con rươi. Rồi họ cùng nhau dồn điền, đổi thửa, mua bán ruộng của nhau để đắp vùng, làm cống săn rươi. Giờ đây với người dân bãi xã Vĩnh An, con rươi là nguồn sống, mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình”, bà Hạnh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Viết đang thu hoạch rươi.

Vừa kiểm tra săm, ông Nguyễn Văn Viết (54 tuổi), thôn Kim Ngân vui vẻ chia sẻ, đi làm đồng mùa nước rươi rất vui. Khắp các cung đường bê tông, người dân quê chỉ chào nhau bằng câu cửa miệng, không đầu không đuôi “lên chưa, to không, ước được bao tạ?”. Rồi, vắt vẻo trên những chiếc xe máy, xe ô tô tải chở hàng là thương lái chờ sẵn để đóng rươi theo mối đã đặt.

Theo người dân Kim Ngân, chính vụ thu hoạch rươi bắt đầu từ ngày 20/9 âm lịch. Nhưng rươi lên theo con nước, mỗi con nước kéo dài trong 14 ngày, lác đác “lộc trời” nổi từ 4-5 hôm trước. Đến chính ngày thu hoạch (20/9 âm lịch và 5/10 âm lịch), rươi nổi nhiều hơn, con to, chất lượng hơn. Sau đó, cứ cách 1 con nước, rươi lại về. Mỗi năm, người làm nghề rươi thu hoạch được khoảng 4 lần.

 Rươi được cho vào túi lưới để khô nước và nhặt tạp chất.

Rươi được cho vào túi lưới để khô nước và nhặt tạp chất.

Ông Hoàng Văn Hường (60 tuổi), thôn Râu, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo cho biết, con rươi hoàn toàn tự nhiên không nuôi thức ăn công nghiệp mà chỉ ăn dinh dưỡng từ đất, nước. Người dân đắp bờ, làm cống nơi cửa sông vừa để lấy nước sa ra vào làm tốt đất, vừa để nhuyễn thể rươi có dinh dưỡng sống thì mới cho con to béo. Chính miệng cống cũng là nơi người dân thả săm để khi tháo nước hấng khi rươi nổi lên. Làm như vậy vừa nhanh, vừa tiện và người dân không mất sức.

Rươi vớt ra từ săm sẽ nhặt hết tạp chất, cho vào túi lưới róc nước, sau đó đóng khay, hộp tùy nhu cầu khách mua.

Về việc chăm rươi, ông Lương Văn Nghiệp (55 tuổi), thôn Lác, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo chia sẻ, nói là làm ruộng nuôi rươi nhưng thực ra chỉ cải tạo đất để canh “lộc trời”. Môi trường sống của rươi phải sạch, không có hóa chất, thuốc sâu và nước ra vào thường xuyên.

Tuy nhiên, muốn rươi phát triển tốt, thì người dân phải làm đất tốt như: cày, bừa kỹ để tạo độ tơi xốp; cấy lúa dọn cỏ để giữ đất sạch. Nhiều gia đình cải tạo thêm bằng phân gà ủ mục.

Mong “lộc trời” ổn định

Từ giá trị kinh tế mà rươi mang lại, nông dân các vùng bãi ven sông của Hải Phòng đã gắn bó lâu dài với nghề. Vốn có ruộng đất, kinh nghiệm nhiều đời săm rươi nên người dân tự tin bám đồng. Có nhà vài sào, vài mẫu, thậm chí nhiều người “nhanh chân” mua thêm được vài chục mẫu ruộng rươi. Mỗi vụ, những đầm rươi rộng thu hàng chục tấn, mang lợi cho chủ đầm hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, nghề rươi phụ thuộc vào con nước và thời tiết rất nhiều. Rươi đang ra mà mưa phùn thì càng đùn nhiều, con đỏ, to. Nhưng chuẩn bị đến nước rươi mà ông trời phun mưa lại lấp mất lỗ, rươi không chui lên được. Nhiều năm người dân ra ngóng, vào trông mà thất thu. Vì thế, nói nghề rươi hái ra tiền cũng chưa hẳn đúng.

 Để giữ cho rươi sạch, không dập vỡ cần sự khéo léo, nhẹ nhàng.

Để giữ cho rươi sạch, không dập vỡ cần sự khéo léo, nhẹ nhàng.

Hơn nữa, rươi là loại nhuyễn thể, thân mềm, dễ vỡ và chỉ sống được 4-6 ngày, nên khi vớt, vận chuyển người dân phải cẩn thận. Trong quá trình thu mua, vật dụng đựng rươi phải sạch, không được dính nước mặn. Rươi cũng có thể cấp đông dùng dần, nhưng chất lượng không bằng tươi sống.

Anh Nguyễn Văn Hậu (39 tuổi), thôn Khắc Phục, xã Vĩnh An là công nhân lắp đặt điện dân dụng. Tuy nhiên, mỗi mùa rươi anh lại tranh thủ cùng gia đình thu hoạch để giao thương lái kiếm thêm kinh tế nuôi 3 con ăn học.

“ Tùy theo con nước, tùy vào chất đất và kĩ thuật của con người nhưng trung bình, mỗi sào rươi thu hoạch được khoảng 60-70kg/vụ. Giá mỗi kg rươi dao động từ 200.000 - 500.000 đồng tùy vào cỡ rươi. Mới đầu mùa, nhưng so với năm trước, rươi năm nay con nhỏ và không được giá. Thương lái đến thu mua tại ruộng chỉ trả khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg, thấp hơn 50.000 - 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với làm ruộng, con rươi đem lại thu nhập cao hơn nhiều lần”.

 Người dân mong muốn gắn bó lâu dài với nghề.

Người dân mong muốn gắn bó lâu dài với nghề.

Nhưng để có được những mùa rươi chất lượng, người dân phải đầu tư khá nhiều tiền để đào ruộng, đắp bờ, làm cống và bỏ công trông nom, thuê người thu hoạch. Vì thế, người dân bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm rươi để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp bà con gắn bó lâu dài với nghề.

Được biết, diện tích nuôi rươi ở Hải Phòng khoảng 1.200 ha, phân bố chủ yếu ở 4 huyện An Lão, Tiên Lãng, Kiến Thụy và Vĩnh Bảo, trong đó nhiều nhất là dọc các sông của 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị xem xét chuyển đổi diện tích đất cấy lúa năng suất thấp sang mô hình kết hợp lúa - rươi theo quy định.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-dan-hai-phong-ru-nhau-san-loc-troi-post708120.html