Nông dân hối hả xuống đồng sản xuất vụ đông xuân
Những ngày sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, bà con nông dân các địa phương phía bắc đã xuống đồng sản xuất đầu năm. Trên những cánh đồng, tranh thủ thời tiết nắng ấm, người dân bắt đầu chăm sóc mạ, lấy nước, làm đất, gieo cấy lúa đông xuân.
![Bà con nông dân huyện Vụ Bản (Nam Định) làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ đông xuân 2024-2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_04_14_51401116/8afc4d0772499b17c258.jpg)
Bà con nông dân huyện Vụ Bản (Nam Định) làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ đông xuân 2024-2025.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo kế hoạch vụ đông xuân 2024-2025, các địa phương phía bắc gieo cấy khoảng 1,052 triệu ha, phấn đấu năng suất đạt 64,7 tạ/ha, sản lượng 6,806 triệu tấn. Để bảo đảm sản xuất vụ đông xuân năm nay đạt kết quả cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con nông dân sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp tình hình thời tiết, diễn biến thị trường; tập trung mọi nguồn lực để gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch; sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tranh thủ lấy nước tối đa qua các đợt triều cường; đồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ thủy điện để tích nước trong hệ thống, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa trà xuân sớm, mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ sâu, bệnh gây hại và có giải pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ trên mạ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, vụ đông xuân 2024-2025, trên địa bàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 53.000 ha, phấn đấu năng suất 65 tạ/ha. Chi cục trưởng Thủy lợi Đỗ Tiến Bậc cho biết: “Đến ngày 3/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), toàn tỉnh đã có hơn 40 nghìn ha (đạt 75,74%) đất lúa vụ đông xuân có nước để sản xuất; trong đó, các huyện Ninh Giang đạt 100%, Tứ Kỳ 93,5%, Bình Giang 92%, Thanh Miện 82,4%... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo trong thời gian trước khi lấy nước đợt 2 (từ 0 giờ ngày 8/2 đến 24 giờ ngày 14/2), các địa phương, đơn vị tiếp tục vận hành công trình thủy lợi để lấy nước khi nguồn nước cho phép, bảo đảm đủ nước cho diện tích gieo cấy; tiếp tục tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, ao hồ, khu trũng để phục vụ tưới dưỡng cho lúa. Cùng với đó, tận dụng tối đa các đỉnh triều để lấy nước và trữ nước vào hệ thống kênh trục. Tuy nhiên, các địa phương cần thường xuyên quan trắc độ mặn ở các cửa lấy nước từ sông ngoài để chủ động lấy nước vào nội đồng bảo đảm chất lượng”. Hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương xuống đồng để làm đất gieo cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất. Nông dân Hoàng Văn Chín, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương chia sẻ: “Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 17 sào lúa. Những ngày đầu năm mới, gia đình tôi đang tích cực xuống đồng để lấy nước, làm đất ở những khu ruộng trũng, hiện chỉ chờ mạ đủ tuổi để cấy. Còn ở những chân ruộng cao, do trồng hành, tỏi vụ đông cho nên lấy nước muộn hơn nhưng cũng phấn đấu sẽ gieo cấy đúng lịch thời vụ được khuyến cáo”.
Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Nam Định có kế hoạch gieo cấy hơn 73.600 ha lúa. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Trần Đức Việt: “Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi làm tốt việc nạo vét kênh mương để dẫn nước vào đồng ruộng. Đầu tháng 1/2025, các việc này đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm thông suốt việc dẫn nước từ công trình đầu mối đến đồng ruộng. Vì vậy, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 68 nghìn ha đất sản xuất lúa vụ đông xuân có nước, trong đó hai huyện Xuân Trường và Hải Hậu đạt 100%, các huyện Trực Ninh 99,59%, Nghĩa Hưng hơn 97%...”. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Dung, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi có hơn 3.600 m2 đất sản xuất lúa. Năm nay, nước về sớm tạo điều kiện tốt cho việc đổ ải cho nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác đã thuê máy về làm đất sớm và chủ động gia cố bờ bao để giữ nước, làm cỏ đầu bờ nhằm chuẩn bị gieo cấy lúa đúng lịch thời vụ”. Còn theo chị Phạm Thị Duyên, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản: “Trước khi biết lịch xả nước đợt 1, bà con nông dân chúng tôi nhận được thông báo của chính quyền địa phương để chủ động ra đồng lấy nước, làm đất đổ ải. Hiện nay, nguồn nước cho làm đất gieo cấy lúa rất thuận lợi ở những chân ruộng trũng. Đối với những nơi chân ruộng cao năm nay cũng không sợ bị thiếu nước vì các đơn vị thủy lợi đã chủ động lắp trạm bơm dã chiến đưa nước về đến chân ruộng phục vụ gieo cấy”.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) Nguyễn Văn Vương khuyến cáo: “Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời tiết hanh khô tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm đất ải. Sau khi các hồ thủy điện xả nước đợt 1, các địa phương đã chủ động vận động bà con tích cực ra đồng lấy nước, làm đất, đắp bờ bao, bờ thửa để hạn chế việc thất thoát nước. Tuy nhiên, theo dự báo, sản xuất vụ đông xuân 2024-2025 một số nơi sẽ gặp khó khăn về nguồn nước, vì vậy Cục Trồng trọt đã khuyến cáo các địa phương rà soát diện tích gieo cấy, nhất là tại những vùng cao có thể chuyển đổi sang cây trồng khác như rau màu, cây trồng cạn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hơn nữa, vụ đông xuân năm nay, dự kiến sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, bà con nông dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bám sát lịch gieo cấy”. Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho rằng: “Riêng các địa phương khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã có 358.836 ha/488.615 ha có nước để gieo cấy lúa vụ đông xuân năm nay. Dự kiến, trong đợt 2 lấy nước, những diện tích còn lại sẽ đủ nước do các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện trước khoảng 2 đến 3 ngày, dòng chảy được duy trì ở mức cao (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,7 đến 1,9m tại trạm Thủy văn Hà Nội) nên các công trình thủy lợi sẽ có điều kiện thuận lợi để lấy nước. Tuy nhiên, để lấy nước đạt hiệu quả, các địa phương, công ty thủy lợi cần tiếp tục vận hành công trình thủy lợi đưa nước lên ruộng nếu điều kiện nguồn nước cho phép; hướng dẫn bà con nông dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng; các diện tích đủ nước cần khẩn trương tổ chức gieo cấy; tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước” ■
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nong-dan-hoi-ha-xuong-dong-san-xuat-vu-dong-xuan-post858575.html