Nông dân, HTX ở vùng cao Vĩnh Phúc vào cuộc đua 'số hóa'

Ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đã và đang mở ra một chương mới cho nông nghiệp vùng cao Vĩnh Phúc. Đặc biệt, những HTX tiêu biểu đang làm nòng cốt, đưa tri thức mới về với bản làng, giúp người dân tộc thiểu số thoát nghèo, làm giàu.

Vân Trục là một xã miền núi thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, từng được biết đến là một trong những khu vực nhiều khó khăn của tỉnh, với những thửa ruộng bậc thang trồng lúa manh mún, năng suất bấp bênh, theo đó hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân thấp.

“Lên đời” từ đồng đất dốc

Tuy nhiên, đến vài năm trở lại đây, diện mạo nông nghiệp xã Vân Trục đã thay đổi nhanh chóng khi địa phương thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Theo đó, hàng loạt mô hình điểm sáng, mang lại giá trị kép về kinh tế và an toàn sinh thái ra đời trên địa bàn xã, điển hình như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Vân Trục với mô hình nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng sản xuất theo hướng khoa học giúp người dân tộc thiểu số miền núi ở Vĩnh Phúc tăng thu nhập.

Ứng dụng sản xuất theo hướng khoa học giúp người dân tộc thiểu số miền núi ở Vĩnh Phúc tăng thu nhập.

Ông Lê Văn Hậu, Giám đốc HTX, cho hay: “Bắt đầu từ năm 2020, chúng tôi chuyển đổi 10 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau sạch, dược liệu và cây ăn quả theo quy trình hữu cơ. Nhờ ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, nhà màng thông minh, cùng phần mềm giám sát từ xa, chúng tôi không chỉ nâng cao năng suất mà còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm”.

Không chỉ dừng ở sản xuất, HTX Vân Trục còn đi tiên phong trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Với sự hỗ trợ của ban ngành chức năng địa phương, cũng như Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc, các sản phẩm như rau hữu cơ, tinh bột nghệ, dược liệu của HTX đã có mặt trên các sàn Shopee, Postmart, Voso…

“Năm 2023, doanh thu của HTX đạt gần 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động địa phương, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc Sán Dìu, Cao Lan. Đây là thành quả của sự mạnh dạn thay đổi và áp dụng công nghệ một cách bài bản”, ông Hậu tự hào chia sẻ.

Ở một hướng khác, HTX Dược liệu Tam Đảo (huyện Tam Đảo) lại chọn hướng đi đặc thù là phát triển cây dược liệu bản địa theo hướng bền vững, kết hợp với du lịch sinh thái.

Đến nay, các trang trại của HTX không chỉ là vùng trồng ba kích, sa nhân, đương quy… mà còn là điểm đến của du khách muốn tìm hiểu quy trình trồng dược liệu và chăm sóc sức khỏe tự nhiên.

Đa dạng các hướng đi

“Chúng tôi xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc cho từng loại dược liệu, liên kết với các đơn vị công nghệ để vận hành website bán hàng, tích hợp chatbot tư vấn tự động, đồng thời có fanpage và kênh TikTok giới thiệu sản phẩm bằng chính tiếng nói của người địa phương”, chị Lương Thị Hòa, Giám đốc HTX, cho biết.

Nhờ sự linh hoạt và nhạy bén trong công nghệ, HTX Dược liệu Tam Đảo đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ lớn với doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh. Doanh thu năm 2024 đạt hơn 8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 70 lao động, trong đó có không ít phụ nữ dân tộc thiểu số trước đây phải rời quê đi làm thuê xa.

Không chỉ ở Tam Đảo hay Lập Thạch, phong trào chuyển đổi số trong nông nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh như Sơn Định (Sông Lô), Ngọc Thanh (Phúc Yên), Yên Dương (Tam Đảo)…

Hàng loạt mô hình HTX đã mạnh dạn ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất, nhật ký điện tử, thậm chí tích hợp hệ thống cảnh báo sâu bệnh từ cảm biến đặt trên cánh đồng, qua đó tạo điểm tựa vững chắc cho thành viên, đặc biệt là thành viên người dân tộc thiểu số.

Việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác giúp người dân tộc thiểu số miền núi ở Vĩnh Phúc tăng nội lực, sức cạnh tranh.

Việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác giúp người dân tộc thiểu số miền núi ở Vĩnh Phúc tăng nội lực, sức cạnh tranh.

Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 70 HTX nông nghiệp bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và kinh doanh. Nhiều HTX còn chủ động lập kênh YouTube, livestream bán hàng, tạo điều kiện cho sản phẩm địa phương tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn, kể cả xuất khẩu.

Câu chuyện của HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Hòa Bình (xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo) là một ví dụ khác. Với gần 15 ha trồng hoa ly và hoa cúc, HTX đã xây dựng hệ thống bán hàng qua Zalo OA, website thương mại điện tử riêng, kết hợp với Google Ads để tiếp cận khách hàng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

“Ngày trước, mình phải chở từng bó hoa xuống chợ đầu mối. Nay chỉ cần chụp ảnh, đăng lên fanpage hoặc gửi qua Zalo, khách đặt hàng là mình giao tận nơi. Công nghệ đã giúp tụi mình bớt phụ thuộc vào thương lái, tăng lợi nhuận rõ rệt”, đại diện HTX chia sẻ.

Hướng đến nông nghiệp bền vững

Có thể thấy, từ việc mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, những HTX tiêu biểu đang trở thành “ngọn cờ đầu” dẫn dắt người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Vĩnh Phúc đi theo con đường nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Điều đặc biệt trong quá trình phát triển nông nghiệp của đồng bào dân tộc miền núi Vĩnh Phúc là sự gắn kết giữa sản xuất với gìn giữ bản sắc văn hóa. Nhiều HTX đã tận dụng nét đẹp của đồng bào Sán Dìu, Cao Lan trong các lễ hội, trang phục, tri thức dân gian để xây dựng sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương.

Những dấu ấn của các HTX trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua có đóng góp không nhỏ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, kỹ năng lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Đồng thời, các chương trình tập huấn về kỹ thuật sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp cũng được tổ chức thường xuyên, giúp các thành viên HTX nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm .

Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX tại Vĩnh Phúc xây dựng nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ số trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm cũng được khuyến khích, giúp các HTX nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm .

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức và hỗ trợ kinh phí cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các HTX kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có 11 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 40 dân tộc thiểu số, gồm 59 nghìn người đang sinh sống tại 5 huyện, thành phố: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và Phúc Yên.

Cùng với những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng lên.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn 0,98%; 11/11 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền ghi nhận.

An Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nong-dan-htx-o-vung-cao-vinh-phuc-vao-cuoc-dua-so-hoa-1106705.html