'Lá chắn mềm' bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái vùng biên
Miền tây Nghệ An, nơi có đông người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, từng là 'điểm nóng' của tội phạm mua bán người. Trước thực trạng đó, mô hình 'Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người' đã ra đời và trở thành 'lá chắn' bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái vùng biên một cách hiệu quả.

Hội LHPN huyện Tương Dương phối hợp tổ chức truyền thông di cư an toàn và phòng, chống mua bán người
Chặt đứt con đường lao động bất hợp pháp
Cách đây 11 năm, chị Lô Thị Mày (SN 1979, trú tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An) từng bị lừa đưa sang Trung Quốc. Với mong muốn có cuộc sống tốt hơn, chị Mày đã sa vào bẫy của bọn buôn người khi tin vào lời "đi làm việc nhẹ lương cao".
Năm 2015, chị Mày quyết định bỏ trốn và may mắn tìm về được Việt Nam. Năm 2018, được sự vận động của Hội LHPN xã và sự tín nhiệm của hội viên, chị được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Tam Bông.
Nhờ tích cực phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi và trồng rừng, gia đình chị Mày đã trở thành hộ khá giả. Từ bài học của bản thân, chị Mày luôn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế gia đình, không nghe theo lời dụ dỗ đi làm ăn xa không có địa chỉ cụ thể.
Tam Quang là xã biên giới rẻo cao với 5 dân tộc cùng sinh sống (gồm Thái, Kinh, Khơ Mú, Đan Lai và Tày Poọng), trong đó đồng bào DTTS chiếm 73,45%. Toàn xã có 11 bản, làng, trong đó có 2 bản nằm ở khu vực biên giới; có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài hơn 21km và nhiều đường tiểu ngạch vào khu vực biên giới; ngoài ra, còn có đường QL7A và QL48B chạy qua địa bàn.
Bà Lô Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Quang, cho biết: "Năm 2014, trên địa bàn có 179 người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài. Trước tình hình đó, đầu năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh Nghệ An, Hội LHPN huyện Tương Dương ra mắt mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người", được làm điểm tại bản Tam Bông, xã Tam Quang".
Mô hình đi vào hoạt động đã thu hút nhiều hội viên tham gia. Tính đến nay, có 99 thành viên. Mô hình thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt định kỳ với nhiều nội dung phong phú như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, xem phóng sự, hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ, đánh giá về kết quả hoạt động, trong đó tập trung vào công tác rà soát số hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống…
Đặc biệt, các thành viên mô hình thường xuyên nắm chắc số đối tượng nghi có liên quan đến mua bán người hoặc đưa người đi lao động bất hợp pháp để theo dõi; thống kê số người đi làm ăn xa để nắm và quản lý. Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng phụ nữ đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.
Nhân rộng mô hình
Xuất phát từ mô hình điểm tại bản Tam Bông (xã Tam Quang), Hội LHPN huyện Tương Dương đã nhân rộng mô hình. Bà Nông Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương, cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 5 mô hình hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người tại các địa bàn được coi là "điểm nóng" của tệ nạn xã hội, gồm các xã: Tam Quang, Lượng Minh, Xá Lượng, Nga My và Yên Hòa.
Không chỉ huyện Tương Dương, nhiều mô hình phòng, chống mua bán người cũng đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: mô hình "Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số" ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương); "Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán người" ở Kỳ Sơn hay mô hình "Lá chắn" phòng, chống mua bán người tại bản Hồng Diện, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông...
Đặc biệt, năm 2020, từ mô hình phòng, chống mua bán người đầu tiên được xây dựng tại bản Đỉnh Sơn 2, "điểm nóng" về mua bán người, mua bán bào thai, đến nay, mô hình này đã lan tỏa đến 9/9 bản của xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn).
"Từ khi mô hình được triển khai đến nay, trên địa bàn xã không ghi nhận vụ việc nào liên quan đến mua bán người, bán bào thai", bà Y Xài, Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm, cho hay.