Nông dân huyện Lâm Hà với phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi
Với trên 70% dân số là nông dân, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) tại huyện Lâm Hà không chỉ đem đến thu nhập ổn định cho chính những nông dân tham gia, mà còn là động lực để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Hơn 7.000 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp
Đến thôn Đức Hà, nay là thôn Mỹ Đức, xã Tân Văn, nhìn những vườn cà phê xanh tốt đang mùa đậu quả, nhiều người dân ở đây nhắc nhiều đến ông Bạch Văn Pha - Chi hội trưởng Chi hội nông dân. Quê gốc ở Hà Nội, gia đình ông Pha vào Lâm Hà lập nghiệp từ năm 1980 với hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm cần cù, chịu thương chịu khó, hiện tại, gia đình ông có 5,7 ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu trồng cà phê giống mới với năng suất trung bình đạt 22 tấn mỗi năm. Ngoài ra, ông còn trồng thêm tiêu, mít, chăn nuôi, tham gia vào Tổ hợp tác Sản xuất cà phê bền vững của xã. Ông Pha chia sẻ: “Là Chi hội trưởng Chi hội nông dân, tôi thường trực tiếp thử nghiệm các giống cây, con mới, rồi từ đó mới hướng dẫn cho bà con trong thôn làm theo. Bây giờ, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất như làm cỏ, tưới nước nên tôi và các hộ nông dân khác phải thuê ít công lao động hơn, năng suất lại cao hơn trước”.
Gia đình ông Bạch Văn Pha là một trong hơn 7.000 hộ nông dân SXKDG của huyện Lâm Hà. Điển hình cho phong trào nông dân SXKDG trong huyện là những mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo, đoàn kết tương trợ, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, như hộ ông Vũ Thành Giang (thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh), ông Bùi Quang Tiến (thôn Sình Công, xã Liên Hà)... Những hộ này đều có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Huyện Lâm Hà hiện có 70% dân số là nông dân, với 22.592 hội viên Hội Nông dân. Toàn huyện hiện có 16 cơ sở hội, 188 chi hội nông thôn và 1 chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm, 406 tổ hội. Nếu năm 2013, số hộ đăng ký SXKDG trong toàn huyện Lâm Hà là 11.257, trong đó số hộ đạt là 7.829 hộ thì đến cuối năm 2019, toàn huyện có 12.600 hộ đăng ký, có 7.171 hộ đạt. Trong đó, cấp cơ sở là 7.171 hộ, cấp huyện là 1.845 hộ, cấp tỉnh là 744 hộ, cấp Trung ương là 9 hộ.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà, phong trào nông dân SXKDG trong những năm qua đã khơi dậy ý thức chủ động, mạnh dạn chuyển đổi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của chính người dân. Nông dân đã đổi mới suy nghĩ, đổi mới cách làm, giúp sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. “Phong trào nông dân SXKDG đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, diện tích, sản lượng, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi ngày càng cao hơn. Từ đó đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến” - bà Hồng Anh khẳng định.
Tác động đến nền sản xuất
Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Lâm Hà, phong trào thi đua SXKDG trên địa bàn huyện đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Một số hộ nông dân SXKDG đã đại diện cho người sản xuất bàn bạc và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Điển hình như HTX Su su Công Thành, HTX Nam Hà, HTX Bốn Mùa,...
Hiện trên địa bàn huyện Lâm Hà có 36 HTX nông nghiệp, góp phần củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới như nuôi dế, bò sữa, lợn rừng, trồng rau hoa, trồng dâu tằm, cây ăn quả,... Qua đó, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện ở Nam Ban, Nam Hà, Liên Hà,... đặc biệt là trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính đã mang lại giá trị kinh tế cao.
Thông qua phong trào SXKDG, trong 5 năm qua, hội viên Hội Nông dân huyện đã đóng góp 3.268 ngày công và trên 150 tỷ đồng, sửa chữa 350 km đường giao thông nông thôn và nhiều km đường bê tông hóa, tu sửa và xây mới hàng chục cầu, đào đắp, nạo vét, sửa chữa hàng trăm km kênh mương nội đồng,...
Các cấp hội cũng đã vận động các hộ SXKDG giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo về kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, giống cây, con để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, đã hỗ trợ 25.000 cây, 6.400 chồi ghép, 200 con giống, 3.100 công lao động, 650 triệu đồng tiền mặt cho 1.150 lượt hội viên nông dân nghèo trong huyện.
Với những kết quả và tác động tích cực mà phong trào mang lại, bà Nguyễn Thị Hồng Anh cho biết, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Lâm Hà sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đưa phong trào phát triển theo chiều sâu, dựa trên cơ sở phát huy lợi thế về nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên, kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.