Nông dân Ia Le cải thiện thu nhập nhờ trồng dâu nuôi tằm

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) có nguồn thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thu (thôn Phú Bình) bắt đầu trồng dâu nuôi tằm từ năm 2019. Với 1,5 ha dâu, mỗi năm, bà nuôi khoảng 22 lứa tằm, mỗi lứa thu khoảng hơn 100 kg kén. Với giá bán hiện tại 180 ngàn đồng/kg kén, bà thu về gần 400 triệu đồng và lãi gần 300 triệu đồng/năm. “Cây dâu sống được 30 năm nên chỉ tốn chi phí đầu tư cây giống ban đầu. Còn các lứa sau chỉ tốn một ít chi phí phân bón”-bà Thu cho hay.

Gia đình ông Trần Bá Chiến (cùng thôn) cũng có 1 ha dâu. Mỗi năm, gia đình ông nuôi 20 lứa tằm, mỗi lứa nuôi 2-3 hộp và thu được khoảng 2,5-3 tấn kén. Có năm, ông Chiến bán với giá 190 ngàn đồng/kg, thu về 475-570 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi khoảng 300 triệu đồng.

Theo ông Chiến, mô hình trồng dâu nuôi tằm có vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả mang lại cao. Ban đầu, người dân bỏ ra chi phí về cây-con giống khoảng 30 triệu đồng/ha; những lần sau thì chi phí thấp hơn.

“Để cây dâu phát triển tốt thì sau khi thu hoạch nên bón thêm phân hữu cơ để cây cho ra đợt lá mới. Bên cạnh đó, khu vực nuôi tằm phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, người nuôi cũng cần thường xuyên theo dõi để xử lý bệnh cho tằm kịp thời”-ông Chiến chia sẻ kinh nghiệm.

Gia đình ông Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình) có thu nhập ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: H.T

Gia đình ông Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình) có thu nhập ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: H.T

Còn ông Phạm Tư Nhì (thôn 6) thì cho biết: Cuối năm 2023, gia đình ông bắt đầu chuyển đổi 1 ha mì kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Sau 6 tháng, cây dâu bắt đầu cho thu hoạch. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên mỗi lứa, ông chỉ nuôi 1 hộp giống, mỗi tháng nuôi 2 lứa, thu được trên 80 kg kén. Với giá khoảng 180-190 ngàn đồng/kg, ông thu được 15-16 triệu đồng/tháng. Dự kiến, thời gian tới, khi vườn dâu phát triển tốt hơn, ông sẽ nuôi lên 2 hộp giống/lứa để tăng thu nhập cho gia đình.

Để giúp người dân triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm đạt hiệu quả, năm 2019, xã Ia Le đã thành lập Nông hội trồng dâu nuôi tằm do ông Trần Bá Chiến làm Chủ nhiệm. Theo ông Chiến, từ khi thành lập đến nay, các thành viên Nông hội thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm để triển khai hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Nông hội đã liên kết với Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa để cung cấp cây-con giống và vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng theo hình thức trả chậm; đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho người dân.

Đến nay, người dân trong xã đã mở rộng diện tích dâu lên gần 60 ha, trong đó có khoảng 35 ha đã cho thu hoạch. Đặc biệt, các hộ được Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa thu mua với giá ổn định 180-210 ngàn đồng/kg tùy thời điểm, mỗi ha lãi 20-30 triệu đồng/tháng.

Nhiều hộ dân ở xã Ia Le đã cải thiện được thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: H.T

Nhiều hộ dân ở xã Ia Le đã cải thiện được thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: H.T

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le-cho hay: Mô hình trồng dâu nuôi tằm được triển khai trên địa bàn xã từ năm 2018. Đến nay, mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức tập huấn giúp bà con nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

HỒNG THƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nong-dan-ia-le-cai-thien-thu-nhap-nho-trong-dau-nuoi-tam-post294389.html