Nông dân 'khóc ròng' vì giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh
Giá nguyên liệu tăng liên tiếp trung bình từ 300 – 400 đồng/kg, tùy loại, khiến người chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Đồng loạt tăng giá
Từ ngày đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi thông báo giá nguyên liệu đồng loạt tăng thêm từ 300 – 400 đồng/kg tính từ ngày 15/3, ông Bùi Xuân Linh – chủ trang trại lợn (Thanh Sơn, Phú Thọ) lo lắng khi đứng trước nguy cơ thua lỗ.
"Trong quá trình nuôi đến khi bán ra thị trường, trung bình mỗi con lợn ăn hết khoảng 10kg cám. Nếu tăng thêm 300 đồng/kg cám thì giá lợn sẽ tăng thêm khoảng 75.000 đồng. Trong khi đó, giá lợn hơi chỉ loanh quanh 48.000 - 55.000 đồng/kg. Nếu kéo dài tình trạng này người nông dân sẽ thua lỗ nặng”, ông Linh nói.
Giá cám tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành chăn nuôi lợn.
Tương tự, ông Mạnh Hoạch – chủ trang trại chăn nuôi tại huyện Thanh Sơn (Hà Nội) cho biết, gia đình ông buộc phải giảm đàn để tránh thiệt hại.
“Hiện nay, trang trại nhà tôi đang sử dụng 2 loại là cám cho lợn tập ăn giá hơn 400.000 đồng/bao 25kg và cám cho lợn 2 tháng tuổi trở lên giá hơn 300.000 đồng/bao 25kg. Tôi ghi chép thì từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có khoảng 10 lần điều chỉnh tăng, dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/bao. Với mức giá như vậy, tôi buộc phải giảm đàn, mong sẽ hòa vốn, nếu không là bị lỗ”, ông Hoạch nói.
Cũng theo ông Hoạch, giá các loại vật tư nông nghiệp như vaccine, kháng sinh cho vật nuôi, chế phẩm sinh học... đều tăng giá gây khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Không chỉ người chăn nuôi gặp khó khăn, mà các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng đang gặp nhiều khó khăn khi số lượng hàng hóa bán ra giảm mạnh. Bà Nguyễn Hiền, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại xã Thục Luyện (Thanh Sơn, Phú Thọ), cho biết, hiện cửa hàng đang bán cầm cự, chỉ khi khách đến mua mới gọi hàng từ đại lý chở đến.
“Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm số lượng nuôi, thậm chí bỏ trống chuồng nuôi nên lượng tiêu thụ thức ăn giảm mạnh. Hiện cửa hàng tôi cũng chỉ bán cầm chừng, thậm chí không dám ôm hàng vì sợ lỗ”, bà Hiền nói.
Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục cao trong tháng 3 do nguyên liệu đầu vào cao và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 551 triệu USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chủ yếu nhập từ Argentina, Brazil và Mỹ.
Nguyên nhân giá tăng chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ. Đồng thời, xung đột giữa Nga và Ukraine tác động mạnh đến giá ngô và lúa mỳ thế giới và Việt Nam.
Cùng với đó chi phí logistics tăng mạnh do giá xăng dầu tăng, giá thuê container hiện đang ở mức cao.... càng đẩy giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao hơn.
Loay hoay tìm hướng ra
Đối mặt với tình trạng giá thức ăn tăng “chóng mặt” trong hơn 1 năm qua và chưa có chiều hướng “quay đầu”, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đa phần các hộ chăn nuôi đều phải tính chuyện giảm đàn, hoặc tìm cách giảm chi phí thức ăn cho vật nuôi.
Nhiều hộ chăn nuôi tìm cách giảm chi phí thức ăn cho vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một hộ chăn nuôi tại Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao quá, gia đình tôi phải giảm số lượng, đồng thời tận dụng thân cây chuối, bèo tây, dây khoai cho lợn ăn chứ nếu chỉ cho ăn cám công nghiệp thì không chống đỡ nổi. Số chuồng trống còn lại, trước mắt sẽ chuyển sang vật nuôi ăn cỏ như thỏ thay thế tạm thời”.
Tương tự, bà Trần Thị Bình (Thanh Trì, Hà Nội) cũng dự tính trong trường hợp xấu không thể cầm cự được đành phải giảm đàn nuôi.
“Trước đây, trong chuồng có khoảng 30 con nhưng nay giá thức ăn cao quá nên tôi bán dần. Hiện chỉ còn 4 lợn nái và 15 lợn con. Tôi đang tính dần chuyển sang đầu tư nuôi thỏ để đỡ chi phí thức ăn”, bà Bình nói.