Nông dân làm phân vi sinh từ chất thải nông nghiệp
Người dân huyện Tuy An dùng phân bò và rơm rạ để ủ phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Xuất phát từ mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải nông nghiệp do Phòng NN-PTNT huyện Tuy An triển khai, đến nay nhiều hộ dân ở địa phương này đã học tập làm theo, tạo ra nguồn phân hữu cơ vi sinh giá rẻ phục vụ sản xuất, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đơn giản, ai cũng có thể tự làm
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, địa phương là nơi có nghề chăn nuôi phát triển với đàn gia súc, gia cầm khá lớn nên lượng chất thải chăn nuôi thải ra mỗi ngày rất nhiều. Tuy nhiên lâu nay, người dân địa phương rất ít tận dụng nguồn phân chuồng này trong sản xuất cây trồng mà chủ yếu thu gom bán ra tỉnh ngoài. Trong khi bà con canh tác cây trồng lại phụ thuộc lớn vào phân bón hóa học. Điều này khiến đất bị nén chặt, mất cấu trúc, giảm độ ẩm, gia tăng vi sinh vật có hại, ảnh hưởng đến quá trình khoáng hóa hữu cơ và đạm làm cho đất ngày càng bạc màu.
Trước thực trạng này, cuối năm 2019, địa phương đã triển khai mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải nông nghiệp để tạo ra nguồn phân hữu cơ vi sinh giá rẻ, tại chỗ, phục vụ cho trồng trọt, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất của bà con.
Ban đầu, mô hình này được triển khai tại các xã An Hòa (nay là An Hòa Hải), An Hiệp với 12 hộ dân tham gia. Người dân được hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học Trichoderma, phân super lân, phân ure, bạt nhựa, dụng cụ ủ và được hướng dẫn quy trình làm phân bón hữu cơ vi sinh. Nguồn nguyên liệu để ủ phân gồm các loại phân gia súc, gia cầm, rơm rạ, thân bắp, đậu... là những chất thải trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Hòa ở xã An Hiệp cho hay: Lâu nay, lượng chất thải từ nuôi bò, tôi chủ yếu phơi khô bán kiếm ít tiền để mua thêm cám cho bò. Từ khi được Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn cách ủ phân vi sinh, gia đình tôi không bán nữa mà sử dụng để ủ phân, phục vụ cho sản xuất hoa màu.
Còn theo ông Trần Văn Hoang ở xã An Hòa Hải, cách ủ phân vi sinh khá đơn giản, ai cũng có thể tự làm. Cụ thể, để tạo khung ủ 1 tấn phân, ông Hoang sử dụng bạt nhựa lót đáy, mỗi lớp phân dày 20cm bao gồm các loại phân, thân cây và rơm rạ được tưới ẩm, phía trên tưới đều một lớp hỗn hợp gồm nấm Trichoderma và phân lân (tỉ lệ 4kg nấm Trichoderma + 30kg phân lân); bên trên tưới thêm 1 lớp dung dịch nước ure (tỉ lệ 2kg ure + 100 lít nước). Cứ như vậy các lớp phân ủ sẽ được thực hiện tương tự đến khi đống ủ cao 1-1,5m, bên trên được tủ bạt kín và ủ trong vòng 40-50 ngày, trong thời gian ủ sẽ thực hiện đảo phân thường xuyên. “Sau khi ủ theo cách này, vừa rồi gia đình tôi đã tự làm ra được 1 tấn phân vi sinh”, ông Hoang cho hay.
Hiệu quả rõ rệt
Ông Lê Quang Trung ở xã An Hiệp tính toán: “Để sản xuất 1 tấn phân vi sinh, gia đình tôi dùng 1 tấn phân bò có giá thành 1 triệu đồng, 4kg nấm Trichoderma giá 220.000 đồng, 30kg phân lân hết 150.000 đồng, 2kg ure 26.000 đồng, cộng với chi phí tưới nước, mua bạt tủ... tổng chi phí khoảng 2 triệu đồng. Tính ra 1kg phân vi sinh có giá thành khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi nếu mua ngoài thị trường khoảng 5.500 đồng/kg.
Còn theo ông Ba Sang cũng ở địa phương này, từ ngày tự ủ được phân vi sinh, gia đình ông giảm hẳn sử dụng phân hóa học, chủ yếu dùng loại phân hữu cơ này. Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm đáng kể. Lúc trước, mỗi vụ lúa, gia đình ông phải sử dụng khoảng 32kg phân hóa học/sào với giá bình quân 15.000 đồng/kg, tương đương mỗi sào lúa chi hết 480.000 đồng tiền phân/vụ. Với hơn 1 mẫu ruộng, mỗi mùa nhà ông chi khoảng 5 triệu đồng tiền phân bón. “Từ khi chuyển sang tự ủ và dùng phân vi sinh, gia đình tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí phân bón. Trong khi đó đất lại được cải tạo, sâu bệnh cũng giảm bớt”, ông Sang nói.
Với những hiệu ứng tích cực mô hình đã mang lại, Phòng NN-PTNT huyện Tuy An đang tiếp tục triển khai thêm tại các xã An Hòa Hải, An Dân và An Hiệp để nhân rộng mô hình ra thực tế.
Từ những hiệu quả tích cực của mô hình mang lại, nhiều nông dân ở huyện Tuy An đang học tập, tận dụng chất thải nông nghiệp để ủ phân hữu cơ vi sinh, phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, người dân giảm phụ thuộc, bớt lạm dụng phân bón hóa học trong sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ đất và góp phần bảo vệ môi trường.