Nông dân liên kết phát triển chăn nuôi
ĐBP - Năm 2019, trong số 47 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135 của Chính phủ trên địa bàn huyện Tuần Giáo, có tới 33 dự án thực hiện liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi đại gia súc. Với những tín hiệu khả quan và nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân đã mở hướng phát triển các mô hình, dự án liên kết chăn nuôi giúp người dân tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ðể gia súc phát triển khỏe mạnh, người chăn nuôi xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo thức ăn cho vật nuôi. Ảnh: Gia Kiệt
Với mục tiêu hình thành mạng lưới liên kết người chăn nuôi, nhà quản lý và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi; xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn, hướng tới nhân rộng các mô hình. Tháng 8/2019, xã Pú Xi thực hiện Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới gắn sản xuất chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm bò sinh sản (giống bò lai zebu) tại 2 bản: Pú Xi 1 và Pú Xi 2 với 22 hộ tham gia (20 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo). Chương trình này thuộc nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Bản Pú Xi 2 có 12 hộ tham gia mô hình, ông Giàng A Tàng là một trong số hộ được hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ dự án. Ông Tàng cho biết: Là hộ nghèo, nguồn thu nhập chính chỉ trông vào trồng ngô, lúa trên nương, năng suất bấp bênh nên mỗi năm thiếu đói vài ba tháng. Lo lương thực cho gia đình đã khổ chứ lấy đâu ra tiền để mua giống gia súc, gia cầm về chăn nuôi. Vì vậy khi tham gia dự án, nhận 1 con bò giống sinh sản, tôi được cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Mạnh Hùng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi. Dự án còn cung cấp thức ăn tinh cho vật nuôi (bột ngô, sắn, cám gạo...). Sau hơn 2 tháng nhận bò giống, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, thức ăn đầy đủ nên dù vào mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, nhiều ngày giá rét nhiệt độ xuống thấp, song vật nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt. Ðiều ông Tàng mong muốn là vật nuôi khỏe mạnh, phát triển, sinh sản để sớm có bê bán cho Hợp tác xã thêm nguồn thu, bớt phần khó khăn trong cuộc sống.
Ông Lò Văn Thang, Chủ tịch UBND xã Pú Xi cho biết: Dự án do UBND xã làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện trong 5 năm (2019 - 2024). Ðơn vị tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm là Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Mạnh Hùng. Trong quá trình thực hiện dự án, theo hợp đồng ký kết, sau khi bò sinh bê, người chăn nuôi có nhu cầu bán thì đơn vị sẽ mua (với giá thấp nhất là bằng giá thị trường). Do đó, các hộ rất phấn khởi khi tham gia dự án liên kết này.
Không chỉ tại xã Pú Xi mà các dự án liên kết trong chăn nuôi tương tự cũng đang được triển khai tại các xã: Pú Nhung, Mường Mùn, Mùn Chung... thu hút hàng trăm người dân tham gia. Nói về những mô hình liên kết chuỗi trong phát triển chăn nuôi này, bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Ðể việc liên kết chăn nuôi thực sự đem lại hiệu quả trong việc nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, mối liên kết giữa Nhà nước - nông dân - doanh nghiệp bền vững, cùng có lợi; trước khi triển khai thực hiện dự án, phòng đều phối hợp với chính quyền các xã khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân; đồng thời phân tích, chỉ ra những tiềm năng, lợi thế của từng vùng trong việc phát triển các dự án chăn nuôi. Do đó nhu cầu nuôi con gì, cách thức tổ chức dự án ra sao đều do người dân tham gia đóng góp.
Với tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) trên địa bàn, huyện Tuần Giáo khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi bằng nhiều hình thức phù hợp theo hướng tập trung chú trọng chất lượng, từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung; phát triển chăn nuôi nông hộ đối với những xã có điều kiện chăn nuôi trâu, bò. Áp dụng công nghệ, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn đến chế biến) để nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Nhất là với những vật nuôi lợi thế (trâu, bò), huyện đẩy mạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển chăn nuôi hoặc liên kết với người chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm; thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi... Với mục tiêu đặt ra trong năm 2020 là phát triển đàn bò lên 8.780 con; đàn trâu hơn 23.300 con.