Nông dân phấn khởi được mùa lúa
Bà con nông dân tại nhiều địa phương hối hả thu hoạch lúa mùa, theo phương châm 'xanh nhà hơn già đồng' để bảo toàn năng suất, sản lượng và tiến hành làm cây vụ đông.
Niềm vui Ba Nhất
Trên cánh đồng thôn Ba Nhất, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thời điểm này người, máy hối hả chạy đua với thời gian để thu hoạch lúa mùa sớm, nhanh chóng giải phóng đất để làm cây vụ đông. Niềm vui được mùa hiện rõ trên nét mặt, nụ cười của những người nông dân.
Đứng đầu bờ liên tục trao những chiếc bao tải cho thợ gặt máy để dồn thóc sau những đường gặt, bà Đỗ Thị Lanh phấn khởi bảo, gia đình có gần 3 sào, vụ xuân vừa rồi được có 16 bao, vụ mùa này hơn hẳn 5 bao. Được mùa, có máy làm dịch vụ gặt, tiền thuê máy hết 500 nghìn đồng, 20 phút thu hoạch xong cả bung. Bà Lanh tính, gặt xong là bà trỉa ngô luôn, ăn chắc thêm vụ đông nữa.
Giáp bung với gia đình bà Lanh, gia đình ông Ma Quang Long cũng huy động hết nhân lực để thu hoạch lúa mùa. Những bông lúa nặng trĩu ngả sâu xuống gốc khiến những người gặt lúa lại thêm 1 công đoạn lựa để cắt. Ông Ma Quang Long bảo, lúa ngả không thuê được máy gặt phải đổi công gặt tay nhưng ông rất vui vì đã thực hiện được mục tiêu lấy mùa bù xuân. Ông Long ước tính, 3 sào lúa của gia đình thu hoạch xong, phơi khô, quạt hết rơm, rác cầm chắc 6,5 - 6,8 tạ.
Theo báo cáo của UBND xã Yên Nguyên, trên 40% diện tích lúa mùa của xã đã được thu hoạch. So với mọi năm, tiến độ thu hoạch lúa mùa sớm hơn 5 ngày, dự tính đến 20 - 9 toàn bộ diện tích lúa mùa sẽ được thu hoạch xong. Đồng chí Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết, vụ mùa năm nay, dịch vụ gặt đập liên hoàn đã về đến xã, chỉ ít diện tích lúa bị đổ bà con dùng liềm, hái gặt còn lại là thuê máy làm nên tiến độ thu hoạch rất nhanh. Không chỉ tiến độ thu hoạch được đẩy nhanh, vụ mùa năm nay xã thắng lợi lớn trên cả 3 phương diện, diện tích, năng suất, sản lượng. Nhiều các giống lúa mới chất lượng cao như HT3, Điện Biên, Bắc Hương... lần đầu tiên được người dân đưa vào gieo cấy đã thành công ngoài mong đợi.
Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hầu hết diện tích lúa mùa của tỉnh bước vào giai đoạn vào chắc, chín. Đến ngày 12-9 các địa phương trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương thu hoạch lúa mùa sớm, chưa ghi nhận tổn thất do thiên tai. Đánh giá sơ bộ tại đồng ruộng, lúa vụ mùa năm nay cứng cây, chắc bông rất thuận lợi để bà con nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch, năng suất ước đạt 2,4 - 2,5 tạ/sào, cá biệt có cánh đồng năng suất lúa ước đạt 2,7 tạ/sào, dự tính từ nay đến hết tháng 9 có trên 7.000 - 8.000 ha lúa mùa được thu hoạch. Đây là diện tích đảm bảo cho kế hoạch trồng cây vụ đông.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Tuyên Quang, từ nay đến hết tháng 9 khả năng có những đợt mưa lớn trên diện rộng và kéo dài trùng với thời điểm lúa thu hoạch rộ lúa mùa. Bảo vệ năng suất, sản lượng lúa mùa bà con thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành "xanh nhà hơn già đồng", khi lúa chín trên 80% có thể thu hoạch để hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết, dịch hại rơi dụng khi thu hoạch và giải phóng đất, gieo trồng cây ngô vụ đông lấy hạt.
Linh hoạt phát triển cây vụ đông
Kế hoạch sản xuất cây vụ đông năm nay được nhận định sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thiếu lực lượng lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm...Trên thực tế hiện nay, rất nhiều địa phương lao động trẻ có sức khỏe, nhanh nhẹn đều đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp dẫn đến việc kế hoạch sản xuất cây vụ đông tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng.
Ngay tại các xã có truyền thống trồng cây vụ đông như: Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa); Thái Hòa (Hàm Yên); Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam (Sơn Dương); Hoàng Khai, Chân Sơn (Yên Sơn)... bà con đang loay hoay trong việc tìm cây trồng cho vụ đông năm nay.
Ông Ma Văn Hạp, thôn Ba Nhất, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chia sẻ, vụ đông những năm trước gia đình trồng dưa chuột để cung ứng về chợ đầu mối tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, do nhiều người đầu tư trồng nên giá dưa chuột giảm nhiều, hơn nữa con cái đi làm công nhân, 2 vợ chồng ông không còn sức để ngày ngày ra đồng chăm bón dưa. Ông Hạp tính sẽ quay về trồng ngô sinh khối dù lời lãi có thấp hơn các loại cây trồng như ớt, dưa chuột đổi lại tốn ít nhân công, ngô chỉ thu hoạch 1 lần, thị trường tiêu thụ bền vững vì trang trại chăn nuôi bò sữa, hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò vỗ béo lúc nào cũng cần nguồn thức ăn xanh, chất lượng.
Duy trì sản xuất, tạo ra nguồn nông sản hàng hóa đủ cung ứng thị trường, giữ ổn định thu nhập cho bà con nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch triển khai vụ đông. Theo đó, các địa phương căn cứ vào điều kiện sản xuất, nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường, các địa phương bố trí kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng, thời vụ trồng cho phù hợp. Tuyệt đối không sản xuất ồ ạt cùng loại sản phẩm, chỉ gieo trồng khi có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm; bố trí cơ cấu từng trà, lứa cho phù hợp để rải vụ thu hoạch đảm bảo vừa tiêu thụ hết hàng hóa vừa kịp giải phóng đất để sản xuất vụ Đông xuân 2023 - 2024. Ưu tiên trồng các loại cây đầu ra ổn định như: ngô lấy hạt, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc... Thực tế hiện nay nhu cầu về nguồn thức ăn thô xanh chất lượng cao cho các trang trại bò sữa trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, Trung tâm đã có kế hoạch, kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để liên kết với người dân phát triển 3 đối tượng cây chủ lực bao gồm: Cây thức ăn chăn nuôi, ớt và dưa chuột. Các địa phương có nhu cầu chủ động liên hệ, ký kết sản xuất. Bà Kim khuyến cáo, 2 đối tượng cây trồng là ớt và dưa chuột phần lớn tiêu thụ tại thị trường ngoài tỉnh, do đó người dân cần có sự liên kết chặt chẽ để sản xuất theo kế hoạch, tránh tình trạng trồng ồ ạt, không có kiểm soát khiến cho cung vượt cầu làm giảm giá trị sản phẩm. Về phần canh tác, bà con nên áp dụng biện pháp kỹ thuật làm đất tối thiểu, trồng cây trong bầu, sử dụng giống ngắn ngày để đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ đông. Đối với diện tích lúa mùa thu hoạch sau ngày 25 - 9, tiếp tục thực hiện mở rộng diện tích trồng ngô cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông.