Nông dân Quảng Ninh trăn trở 'thiếu liên kết sản xuất'
Chưa có những mô hình liên kết sản xuất trên quy mô lớn, nông sản địa phương chưa thể bứt phá trở thành những thương hiệu lớn... là trăn trở của nông dân tỉnh Quảng Ninh gửi đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong Hội nghị Đối thoại diễn ra ngày 28/7.
Gần 200 nông dân đại diện cho hơn 99.000 hội viên nông dân toàn tỉnh Quảng Ninh đề xuất ý kiến về nhiều nhóm vấn đề nổi bật như: chính sách nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đất đai quy hoạch, vốn và tín dụng, thị trường, logistics, khoa học công nghệ và chuyển đổi số, an sinh xã hội nông thôn… Mặc dù hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới nhưng tỉnh vẫn còn rất nhiều hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quảng Ninh đi đầu triển khai thành công chương trình OCOP, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao…
Gửi câu hỏi đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu nông dân Quảng Ninh thẳng thắn: “trên địa bàn tỉnh đã có mô hình nào về thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - người nông dân thành công chưa?”.
Anh Phoòng Phu Mềnh (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) trăn trở về sản phẩm OCOP 4 sao gà Tiên Yên - 1 trong những đặc sản trứ danh của Quảng Ninh, món ăn đặc sản nổi tiếng cả nước theo Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam: “Gà Tiên Yên vẫn chưa có thị trường ổn định, bấp bênh về giá cả, chủ yếu là thương lái mua bán nhỏ lẻ gà sống. Đề nghị tỉnh quan tâm có cơ chế đầu tư thu hút các doanh nghiệp phát triển bền vững sản phẩm gà Tiên Yên, hoàn thiện quy trình nuôi gà hữu cơ, thảo dược, chế biến các sản phẩm như gà xông khói, hầm thuốc bắc, giò gà… quảng bá giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các ngành, địa phương trong tỉnh trực tiếp giải đáp các thắc mắc, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp thu “hiến kế” của nông dân về những cơ chế, chính sách không còn phù hợp.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ngành liên quan rà soát và tham mưu đề xuất những cơ chế, chính sách mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn; hướng dẫn nông dân tiếp cận hiệu quả việc sử dụng đất đai, xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh, giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản, chuyển đổi số và phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”.
“Trong năm nay, ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh phải tham mưu đề xuất, đảm bảo có ít nhất 1 mô hình liên kết thành công hoặc có bước đi hướng tới thành công trong thời gian ngắn nhất. Bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP, phải vừa giữ được gốc của sản phẩm, vừa phải đáp ứng được thị hiếu của thị trường”, ông Vũ Văn Diện yêu cầu.