Nông dân Quảng Trị thi đua lao động, sản xuất theo lời Bác Hồ dạy

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: 'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất', những năm qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' bằng nhiều mô hình làm ăn mới, hiệu quả. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy sự phát triển KT-XH ở địa phương.

Mô hình nuôi bò 3B hiệu quả của gia đình hội viên nông dân Trương Thị Hằng ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong - Ảnh: K.S

Mô hình nuôi bò 3B hiệu quả của gia đình hội viên nông dân Trương Thị Hằng ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong - Ảnh: K.S

Phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi đã lan tỏa đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình ở huyện Đakrông, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung xây dựng giai cấp nông dân không ngừng lớn mạnh.

Khuyến khích nông dân khai thác đất đai tiềm năng, lợi thế sẵn có, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề...

“Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao về chất lượng, tổng số hộ đăng ký SXKD giỏi luôn vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu, đa dạng cây trồng, vật nuôi; kết cấu hạ tầng ở nông thôn được cải thiện; tỉ lệ hộ nông dân nghèo giảm đáng kể, hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng cao, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng NTM ở địa phương”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông Nguyễn Thị Lượng cho hay.

Đến nay, toàn huyện Đakrông có 5.391 lượt hộ đăng ký SXKD giỏi, đạt 123,3% kế hoạch. Riêng trong năm 2023, tổng số hộ đạt SXKD giỏi các cấp 1.283 hộ. Huyện duy trì tốt 6 hợp tác xã; nhân rộng các mô hình có hiệu quả như: đậu đen xanh lòng tại các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên; nuôi thỏ, nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học, mộc mỹ nghệ, may mặc tại thị trấn Krông Klang; chuối tiêu hồng - gạo ra dư tại A Bung; nếp than tại A Ngo, Tà Long; chuối bản địa tại Tà Rụt... Duy trì tốt 13/13 mô hình bảo vệ môi trường tại hội nông dân các xã, thị trấn như: con đường “Nông dân tự quản” tại thị trấn Krông Klang, Mò Ó, Hướng Hiệp, Ba Nang, Húc Nghì gắn với “Mô hình ba quản”; mô hình đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn dân cư...

Không chỉ ở huyện Đakrông, phong trào này được các cấp hội nông dân trong tỉnh thường xuyên tổ chức phát động, hướng dẫn đăng ký, bình xét công khai, dân chủ được hội viên, nông dân đồng tình, tích cực hưởng ứng tham gia.

Trong giai đoạn 2021- 2023, tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp bình quân hằng năm đạt 26.926 hộ/năm, chiếm hơn 50% số hộ đăng ký, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI đề ra. Chất lượng hộ SXKD giỏi được nâng lên và bền vững hơn.

Từ phong trào xuất hiện nhiều tấm gương nông dân SXKD giỏi, tham gia đóng góp phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh như: hộ gia đình ông Lê Đình Vững thôn Đồng Tâm, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong với mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gà khép kín bảo đảm vệ sinh môi trường, quy mô diện tích 3 ha, đầu tư trại chăn nuôi lợn công nghệ cao, lợn thịt nuôi 3.600 con/năm, gà nuôi 7.000 con/năm. Lợi nhuận đạt 1,6 tỉ đồng/năm.

Gia đình ông giúp đỡ các hộ khó khăn, ủng hộ quỹ vì người nghèo tại xã, số tiền 1,5 triệu đồng/năm; hỗ trợ các hoạt động xây dựng NTM, các hoạt động của Hội Nông dân xã phát động ủng hộ 1 triệu đồng/năm. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.

Gia đình ông có tàu đánh bắt xa bờ, thu nhập bình quân 23 triệu đồng/người/tháng; ủng hộ tích cực các hoạt động của địa phương cũng như của hội, hỗ trợ 20 triệu đồng tiền mặt làm đường bê tông liên xóm.

Hộ gia đình ông Nguyễn Hùng Vương tại Khối 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa chăn nuôi cá, trồng trọt; kinh doanh cà phê, giải khát và các mặt hàng thương mại dịch vụ; sản xuất mộc dân dụng, xây dựng. Tổng doanh thu của mô hình 2,4 tỉ đồng/năm, lợi nhuận thu được 1,3 tỉ đồng. Ông đỡ đầu tiếp sức đến trường cho 2 cháu 3 triệu đồng/năm; gia đình đầu tư 350 triệu đồng tự làm đường ra nội đồng phục vụ người dân đi lại sản xuất.

Hộ nông dân SXKD giỏi các cấp đã giúp 417 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, vốn sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho 5.150 lao động, trong đó có trên 3.000 lao động có việc làm thường xuyên, hơn 2.000 lao động có việc làm theo mùa vụ; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt việc chỉnh trang NTM, cải tạo vườn tạp, làm vệ sinh đường làng, lối xóm, di tích lịch sử văn hóa.

Bên cạnh đó, hội viên, nông dân đã tự nguyện hiến 125.042 m2 đất, đóng góp 41,4 tỉ đồng, 58.158 ngày công; làm mới và sửa chữa 541 km đường giao thông; nạo vét, nâng cấp 883 km kênh mương nội đồng, sửa chữa 87 cầu cống, bia di tích lịch sử. Xây dựng hàng trăm mô hình chi hội quản lý “Con đường nông dân tự quản”.

Các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, hiệu quả, ngày càng thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia xây dựng phong trào ngày càng lớn mạnh, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM ngày càng được khẳng định.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là truyền thông nhân rộng và lan tỏa các điển hình tiên tiến trong SXKD giỏi.

Thường xuyên tổ chức cho hội viên nông dân trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Làm cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân SXKD với doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học để tạo mối liên kết bền vững trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Xây dựng được nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để phát triển vùng nguyên liệu tạo ra những sản phẩm chủ lực có chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-dan-quang-tri-thi-dua-lao-dong-san-xuat-theo-loi-bac-ho-day-186123.htm