Nông dân Sóc Trăng thắng lớn nhờ những cây trồng 'nhỏ nhưng có võ'

Với ý định ban đầu chỉ là 'tự sản, tự tiêu', phục vụ bữa ăn gia đình, nhưng sau đó nhận thấy tiềm năng của mô hình trồng cải mầm, anh Huỳnh Trọng Nghĩa quyết định nhân rộng, mở ra thành công đầy bất ngờ từ loài cây 'nhỏ nhưng có võ' này.

Định cư ở khu 7, phường 8, TP.Sóc Trăng, vợ chồng anh Huỳnh Trọng Nghĩa và chị Ngọc Tuyền đều là những người trẻ có tình cảm đặc biệt với việc trồng rau trái. Sau khi đã trải nghiệm, thử sức với nhiều mô hình khác nhau, anh chị “bén duyên” với cây cải mầm một cách rất tình cờ.

Cơ duyên “bạc triệu”

Chia sẻ về cơ duyên với loài cây cải mầm, anh Nghĩa cho hay ban đầu, anh chỉ định trồng vài bệ, mục đích là lấy rau phục vụ bữa ăn hàng ngày, hoàn toàn không hề có ý định kinh doanh, buôn bán gì.

Cây cải mầm được trồng theo phương thức thuận tự nhiên, không hề sử dụng một loại hóa chất nào, chỉ uống nước sạch nhưng lớn nhanh như thổi, các bệ rau xanh mướt mắt, thu hút ánh nhìn, thấy thú vị nên chị Ngọc Tuyền đã đăng lên trang mạng xã hội của cá nhân để “khoe”.

Cây cải mầm đang cho thấy tiềm năng, lợi nhuận cao (Ảnh: BST).

Cây cải mầm đang cho thấy tiềm năng, lợi nhuận cao (Ảnh: BST).

Màn “ra mắt” sản phẩm trên mạng xã hội của vợ chồng anh Nghĩa nhanh chóng gây ấn tượng với nhiều bạn bè, không ít trong số đó có ý định đặt mua về ăn thử. Chính từ đây, đôi vợ chồng trẻ nảy ra ý định mở rộng khu trồng cải mầm để bán.

Nghĩ là làm, anh Nghĩa bắt đầu học hỏi thêm kiến thức rồi đầu tư lắp đặt thêm các giàn để trồng cải mầm theo hướng khoa học hơn. Đến năm 2019, những sản phẩm cải mầm đầu tiên bắt đầu được đưa ra thị trường, đón nhận những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.

Để làm ra sản phẩm chất lượng cao, theo anh Nghĩa, vợ chồng anh đã nghiên cứu kỹ thuật trồng cải mầm đại trà, theo đó các bước chuẩn bị giống, ngâm hạt, gieo trồng, căn độ ẩm, tưới nước, chăm sóc... đều được tính toán kỹ lưỡng, sau nhiều lần thất bại mới tìm ra công thức chuẩn.

“Trồng để ăn thì dễ, nhưng chuyển sang quy mô lớn thì không hề đơn giản, chúng tôi phải mất gần 2 năm để nắm bắt kỹ thuật cơ bản, làm ra những sản phẩm tốt nhất. Cải mầm trồng trong nhà, vì vậy việc tính toán tỷ lệ nước tưới, giữ độ ẩm sao cho phù hợp không hề đơn giản”, anh Nghĩa chia sẻ.

Giải xong bài toán kỹ thuật thì bài toán thị trường lại đặt ra, vì cải mầm là một loài cây mới nên hầu hết khách hàng của vợ chồng anh Nghĩa chỉ có bạn bè, người quen trên mạng xã hội. Để mở rộng đầu mối tiêu thụ, anh đã chủ động tìm đến các nhà hàng, bếp ăn trường học, doanh nghiệp để “chào hàng”.

Bên cạnh đó, anh Nghĩa cũng ký gửi bán tại các cửa hàng rau sạch, họ bán được bao nhiêu anh lấy tiền bấy nhiêu, “ế” thì lại mang về. Cứ thế, những nỗ lực không biết mệt mỏi của đôi vợ chồng trẻ đã bắt đầu có được những thành quả ban đầu. Từ 5 cân, 7 cân, rồi lên 10 cân, sản lượng tiêu thụ cứ thế tăng đều.

Những cây trồng nhỏ cho thu lời lớn

Đến nay, với các đầu mối tiêu thụ ổn định, bình quân mỗi ngày, gia đình anh Nghĩa bán ra thị trường hơn 15kg cải mầm, có những ngày cao điểm sản lượng có thể đạt 30-35kg. Doanh thu bình quân từ cải mầm đạt 20 - 24 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng anh Nghĩa bỏ túi trên dưới 170 triệu đồng.

“Trồng cải mầm không tốn quá nhiều diện tích, hiện chúng tôi đầu tư 2 giàn rau, mỗi giàn có 3 tầng, mỗi tầng xếp được 9-10 thùng xốp, cứ trồng tầm 6 ngày, mỗi thùng thu hoạch được 1,5-2kg. Nhờ chất lượng tốt nên giá bán ổn định, làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, nên thu nhập cao hơn so với trồng các loại màu khác, lại nhẹ công chăm sóc và trồng được quanh năm”, anh Nghĩa hồ hởi nói.

Nhiều nông dân Sóc Trăng đang "kiếm bộn" từ mô hình trồng hẹ lấy bông (Ảnh: BST).

Nhiều nông dân Sóc Trăng đang "kiếm bộn" từ mô hình trồng hẹ lấy bông (Ảnh: BST).

Nếu vợ chồng anh Nghĩa, chị Tuyền đang gặt hái thành công, thu trăm triệu với cây cải mầm, thì ở huyện Mỹ Xuyên, nhiều nông dân cũng đang thắng to với một loại cây trồng “nhỏ nhưng có võ” là cây hẹ lấy bông.

Gắn bó với cây hẹ lấy bông đã hơn 10 năm, gia đình bà Bình, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) đang triển khai sản xuất trên diện tích hơn 1.000m2 đất. Theo bà Nương, cây hẹ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp lại cho thu hoạch quanh năm.

“Hầu hết các hộ trồng hẹ trong Tổ hợp tác đang sống khỏe lắm. Như nhà tôi cứ bình quân 2-4 ngày, cây sẽ ra bông một lần, thu hoạch được 20-25kg, giá bình quân 30-40 nghìn đồng/kg, mùa khô giá sẽ cao hơn, nhiều lúc lên tới 50 nghìn đồng/kg, mỗi lần hái cũng có cả triệu bạc”, bà Nương tiết lộ.

Theo các hộ trồng hẹ tại Tổ hợp tác nông nghiệp xã Đại Tâm, cây hẹ lấy bông trung bình mỗi tháng cho thu hoạch 13-15 lần, sản lượng bình quân 400-500 kg/tháng/1.000m2. Nếu thời tiết thích hợp, năng suất cao đạt 700 - 900 kg/tháng/1.000m2.

Bên cạnh hoa, hẹ còn cho thu hoạch lá, nếu lá tốt thì cứ 2,5 tháng có thể tỉa một lần, 1.000m2 thu hoạch được từ 400 - 600 kg hẹ lá. Tuy nhiên, thu hoạch lá chỉ khi nào lượng bông đã giảm, cắt lá để cây hẹ ra lượt lá mới, tạo điều kiện để năng suất bông tăng trở lại. Cây hẹ trồng sau 4 tháng có thể thu hoạch, tuổi đời kéo dài khoảng 3 năm.

Liên kết để phát triển bền vững

Với lợi nhuận cao, cây hẹ đang được ví như “cần câu cơm”, hay cây làm giàu ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, diện tích trồng hẹ liên tục được nhân rộng. Không chỉ các hộ sản xuất trực tiếp, nhiều lao động nông nhàn tại địa phương cũng có thêm thu nhập từ cắt hẹ thuê, thu nhập từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày/người.

Để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp huyện đang định hướng phát triển cây hẹ theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời đẩy mạnh khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, huyện khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết, lấy các HTX, doanh nghiệp làm điểm tựa hỗ trợ nông dân trồng hẹ theo cánh đồng lớn, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán, gia tăng lợi nhuận.

Tuy vậy, nói đến những cây trồng “nhỏ nhưng có võ”, góp phần xóa đói giảm nghèo ở Sóc Trăng thì không thể quên cây lúa. 5 tháng đầu năm 2024, bất chấp "bão" hạn mặn được đánh giá là kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, những người trồng lúa ở Sóc Trăng vẫn có một vụ mùa thắng lớn, thu hoạch đúng thời điểm thị trường có nhu cầu cao, nhờ những thay đổi trong tư duy sản xuất.

Với hơn 1 ha sản xuất, vụ vừa qua, gia đình ông Phương (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách) thu về hơn 9 tấn thóc, giống OM5451. Giá bán bình quân 9.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha, tăng khoảng 20 triệu đồng/ha so với cùng kỳ, mức lợi nhuận kỷ lục trong hàng chục năm qua.

"Vụ vừa qua, năng suất tăng hơn 2 tấn/ha, giá cũng cao hơn vụ Hè Thu năm trước từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Giá cao, lợi nhuận tăng nên bù lại cho những vụ mùa kém vui trước đó", ông Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc HTX nông nghiệp Tín Phát (xã Kế Thành, huyện Kế Sách), cho biết sự điều chỉnh cơ cấu mùa vụ tốt giúp cây lúa không chỉ an toàn vượt qua hạn, mặn, mà còn đưa vụ thu hoạch vào đúng thời điểm khô ráo, đặc biệt là khi nhu cầu thị trường đạt đỉnh.

“Với sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 94%, người trồng lúa ở Sóc Trăng thắng lớn khi bán được giá cao, nhất là các giống lúa ST24, ST25, Tài Nguyên hay Đài Thơm”, vị đại diện HTX cho hay.

Có thể thấy, nông dân Sóc Trăng với sự cần cù, ham học hỏi, cùng những tư duy mới đang liên tục tạo nên thành công với đủ loại cây trồng cả cũ lẫn mới. Với nền tảng đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như sản xuất theo quy trình hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, cải thiện, chất lượng mẫu mã nông sản theo yêu cầu của bên nhập khẩu; đăng ký mã số vùng trồng (code), đăng ký nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm chủ lực... Mục tiêu là “mở đường lớn” cho nông dân thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Song Ngư

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-soc-trang-thang-lon-nho-nhung-cay-trong-nho-nhung-co-vo-1100509.html