Nông dân Sông Mã tập trung chăm sóc lúa xuân
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng lúa ở vùng biên huyện Sông Mã, bà con nông dân đang tập trung xuống đồng làm cỏ, cấy dặm và bón thúc cho lúa vụ xuân. Nông dân phấn khởi khi năm nay thời tiết thuận lợi, cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh và đẻ nhánh tốt.
Chiềng Khoong là xã có diện tích lúa lớn nhất của huyện Sông Mã, năm nay, nông dân trong xã cấy 245 ha lúa xuân với cơ cấu giống chủ yếu, gồm: Nếp Điện Biên, nếp 87, 97, tẻ Thái Bình, CR 25 và một số giống lúa thuần địa phương có năng suất cao. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, thông tin: Xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên cùng bà con kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn trực tiếp cho bà con kỹ thuật chăm sóc và sử dụng lượng phân bón hợp lý, khuyến cáo về các biện pháp diệt chuột, diệt ốc bươu vàng cắn phá lúa. Trong điều kiện thời tiết nắng ẩm, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, những cánh đồng lúa ở xã đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, nguồn nước phục vụ sản xuất lúa năm nay dồi dào và thuận lợi.
Còn tại xã Chiềng Sơ, thời điểm này, bà con huy động nhân lực làm cỏ, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Chị Quàng Thị Phưa, bản Nà Cần, xã Chiềng Sơ, nói: Vụ này, gia đình tôi gieo cấy hơn 2.000m² lúa nếp 86, 87. Cấy đúng thời vụ, đến nay lúa đã bắt đầu đẻ nhánh. Tôi đang tập trung phát quang bờ ruộng, làm cỏ và bón phân cho lúa sinh trưởng. Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Với sự chủ động của người dân, sự chỉ đạo sát sao của xã, đến nay, 195 ha lúa vụ xuân của xã Chiềng Sơ phát triển tốt. Ông Lò Văn Hạch, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, cho biết: Xã khuyến cáo người dân bón phân đủ, đúng liều lượng. Đồng thời, khuyến khích nông dân tăng cường các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh theo phương pháp thủ công, dùng chế phẩm sinh học, vừa góp phần bảo vệ môi trường lại giảm chi phí sản xuất. Hiện, bà con đang tiến hành bón phân lần 2 và phun thuốc trừ bọ xít hại lúa.
Vụ lúa xuân năm nay, huyện Sông Mã đã cấy 1.665 ha lúa xuân, đạt 94% kế hoạch, với cơ cấu các giống lúa năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh hại, như: Đông A1, ADI 28, ADI 168, J01, giống lúa thuần LH12, Đài thơm 8, Bắc thơm số 9, nếp thơm 86, N87, N97... Đối với diện tích ruộng cấy muộn ở các xã Nậm Ty, Chiềng Phung, nhân dân đã chuẩn bị mạ, làm đất để sẵn sàng gieo cấy xong trong tháng 4. Những ruộng không đảm bảo nguồn nước để cấy lúa đã chuyển sang trồng cây rau màu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Thời tiết đang ấm dần, là điều kiện thuận lợi để cây lúa phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm ốc bươu vàng, bọ xít, sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu đục thân... gia tăng và gây hại. Vì vậy, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, diệt trừ ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công để bảo vệ lúa. Tăng cường theo dõi các đối tượng dịch hại trên để có biện pháp phòng trừ kịp thời, phấn đấu sản xuất vụ xuân đạt năng suất, sản lượng cao nhất. Đồng thời, Phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã tu sửa, khơi thông mương, điều tiết nước tại các hồ chứa đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã, cho biết: Hiện một số cánh đồng ở xã Chiềng Khoong, Chiềng Sơ, Nà Nghịu đã xuất hiện ốc biêu vàng, rầy lưng trắng, rầy nâu, bệnh đạo ôn. Trung tâm đã cử các cán bộ phụ trách các xã tăng cường bám đồng ruộng để kiểm tra tình hình sâu bệnh, sinh vật hại lúa, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ, sử dụng thuốc để trị bệnh cho lúa.
Với sự chỉ đạo sát sao ngay từ đầu của các cấp ủy, chính quyền, sự chủ động của người nông dân trong sản xuất, lúa vụ xuân ở Sông Mã đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ đạt năng suất, chất lượng cao.