Nông dân tập trung trồng rừng kinh tế

Nông dân xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) vận chuyển cây giống trồng rừng. Ảnh: LÊ TRÂM

Năm nay, mưa nắng đan xen thích hợp cho nông dân trồng rừng kinh tế. Hiện nông dân trồng bạch đàn lá đỏ, loại cây gỗ lớn chống sạt lở, trôi đất trên gò đồi.

Trồng bạch đàn xen keo

Ông Mạnh Thế Bình ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay: Mùa mưa năm nay, thời tiết thuận lợi mưa nắng đan xen nên tôi trồng mười cây sống mười cây. Mấy năm trước, trồng bạch đàn xong gặp mưa to kéo dài, cộng với gió lớn, chỗ cây trồng bị trôi đất, vùi lấp, lỏng gốc, dẫn đến héo úa. Có năm trồng xong thì nắng kéo dài, khu gò đồi rốc nước, cây chết nên phải trồng lại.

Cũng theo ông Bình, mùa mưa năm nay tại các vùng gò đồi nhiều nông dân trồng bạch đàn lá đỏ. Cây bạch đàn hiện nay giá trị kinh tế cao. Một cây có đường kính 40cm, cao 5-7m, giá bán 1 triệu đồng, tương đương bán 1 tấn cây keo (gỗ keo nguyên liệu giấy 1 triệu đồng/tấn). “Bạch đàn lá đỏ bán được giá nên tôi trồng xung quanh bờ, còn chính giữa trồng xen keo lai. Vùng gò đồi thường là đất có độ dốc, trồng bạch đàn chống sạt lở, chống trôi lớp đất mặt”, ông Bình nói.

Còn ông Bùi Văn Minh ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) cho rằng, vùng này trồng cây bạch đàn lá đỏ cây cao 5-7m thì mất 7-8 năm, tán cây to rộng khoảng cách trồng 5m/cây. Còn keo thì trồng cách 2-3m/cây, thời gian 4-5 năm cho thu hoạch. Nông dân thường trồng bạch đàn xung quanh bờ, vì bạch đàn còn có lợi là khi cưa cây mẹ bán, gốc cây tiếp tục mọc nhánh và khoảng 3 năm sau thì có thể thu hoạch, bán theo giá gỗ nguyên liệu giấy giống như keo mà không phải tốn chi phí trồng, chăm sóc.

Ông Trương Thái Hòa, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Giá gỗ nguyên liệu keo lá tràm, bạch đàn là 1.000 đồng/kg, tương đương 1 triệu đồng/tấn, trung bình trồng 1ha rừng kinh tế, sau 5 năm khai thác được 70-80 tấn/ha, trừ chi phí bình quân người trồng rừng thu được 60 triệu đồng/ha. UBND xã khuyến khích người dân khai thác có hiệu quả đất trống đồi núi trọc để trồng rừng, lập vườn rừng theo mô hình nông lâm kết hợp gắn với quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 của Chính phủ. Hàng năm, nông dân Đa Lộc trồng 40ha rừng nguyên liệu giấy và cây phân tán. Gần đây nông dân trồng cây gỗ lớn như bạch đàn dùng làm gỗ xây dựng.

Ông Trần Thanh Tùng ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: Tôi vừa bán 3 cây bạch đàn, trong đó có 1 cây bị eo (bị cong), đường kính trung bình 40cm/cây, giá 2,8 triệu đồng. Vợ chồng bà Trần Thị Hiền ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), đang trồng bạch đàn lá đỏ, cho hay: Bạch đàn trồng thời gian 7-8 năm lõi cây sát da, mà lõi bạch đàn thì mọt không ăn nổi nên nhiều người mua về cưa thành cây đòn tay, có người xẻ ra rui mè. Hiện nay, nhu cầu xây nhà tăng cao nên nhiều người hỏi mua cây bạch đàn.

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, mùa mưa này nông dân các xã Đa Lộc, Xuân Lãnh, Xuân Quang 1, Phú Mỡ… tập trung trồng rừng. Với phong trào trồng rừng kinh tế, hàng năm sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn huyện là 35.000m3. Cùng với đó gieo ươm 2 triệu cây giống lâm nghiệp, trồng mới trên 2.000ha rừng.

Nâng độ che phủ rừng

Thời gian qua, phong trào trồng rừng kinh tế trong tỉnh lớn mạnh. Theo đó, đất lâm nghiệp có rừng tăng đáng kể, từ 161.490ha năm 2014 lên 231.445ha năm 2018, tăng 69.955ha; trong đó, rừng tự nhiên tăng 11.363ha, rừng trồng tăng 58.592ha, đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, với quy mô 8ha và sản lượng 8 triệu cây giống/năm; một số công nghệ mới được áp dụng như nuôi cấy mô, giâm hom, tưới nước phun sương tự động, nhân giống keo lai, bạch đàn, phi lao.

Những năm qua, nông dân các xã Ea Bá, Ea Bar, Ea Trol, Ea Ly (huyện Sông Hinh) sống chủ yếu dựa vào trồng rừng kinh tế. Theo thống kê của UBND huyện Sông Hinh, phong trào trồng rừng tiếp tục phát triển mạnh. Trong năm nay, trồng rừng tập trung đạt gần 1.300ha, trồng trên 300.000 cây phân tán, nâng độ che phủ rừng 40,3%, đạt 100% so với kế hoạch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án khoán bảo vệ rừng tự nhiên giai đoạn 2015-2020 với diện tích 9.750ha. Trong đó, thuộc lâm phần xã Sông Hinh 1.506ha, với 140 hộ tham gia; thuộc lâm phần Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Hinh là 8.243ha.

Theo Sở NN-PTNT, hàng năm thực hiện chăm sóc rừng trồng đạt 15.630ha, trồng mới rừng khoảng 6.000-6.650ha. Trong đó, diện tích rừng trồng tập trung khoảng 5.400ha, còn lại là trồng cây phân tán quy đông đặc. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt khoảng 173.000-200.000m3/năm. Tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 44%. Cùng với đó, phát triển, nâng cao chất lượng rừng bền vững, phòng chống cháy rừng, phát triển dịch vụ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành đặt mục tiêu nâng độ che phủ rừng đạt 45%. Bên cạnh nâng độ che phủ rừng, tỉnh đang thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp bền vững theo định hướng của Chính phủ.

Chủ trương của tỉnh là thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển rừng trồng, nhất là rừng gỗ lớn, rừng có chất lượng và xây dựng chuỗi hành trình của sản phẩm. Tỉnh triển khai đề án Trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, với quy mô diện tích trồng giai đoạn 2017-2020 khoảng 3.577ha. Đối với trồng rừng tập trung, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trồng mới hơn 31.000ha, trong đó rừng trồng kinh tế chiếm hơn 92%.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/248730/nong-dan-tap-trung-trong-rung-kinh-te.html