Nông dân Thạch Kim Sơn: Kinh nghiệm trồng thanh long tiết kiệm điện cho năng suất cao

Mô hình trồng thanh long của ông Thạch Kim Sơn, ngụ ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long là một điển hình về giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Cụ thể mỗi tháng ông tiết kiệm điện từ 400.000 - 500.000 đồng tiền điện.

Ông Thạch Kim Sơn kiểm tra mức độ tăng trưởng của thanh long.

Ông Thạch Kim Sơn kiểm tra mức độ tăng trưởng của thanh long.

Từ năm 2017, nhờ tiếp thu từ chuyển giao khoa học - kỹ thuật của Hội Nông dân các cấp, phối hợp với các ngành, cùng với kinh nghiệm “ăn gian” thời gian xông đèn, cụ thể là bật tắt đèn và mắc bóng song song, mỗi tháng ông Thạch Kim Sơn đã tiết kiệm điện từ 400.000 - 500.000 đồng.

Ông Thạch Kim Sơn hiện có 0,25ha thanh long đang cho trái. Những năm đầu, việc trồng thanh long của ông gặp không ít khó khăn, nhất là khi tính toán thời gian xông đèn/đợt kích thích ra hoa (03 đợt/năm), thời điểm, thời gian (bình quân xông đèn từ 12 - 15 đêm/đợt ra hoa) phù hợp để kích thích ra hoa, cho trái nhiều nhất, cách chăm sóc bón phân, tưới nước…

Sau thời gian gắn bó với cây thanh long và từ thực tiễn… đến nay ông Thạch Kim Sơn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm; trong đó có 04 kinh nghiệm đã được nhiều nhà vườn của ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh đang áp dụng hiệu quả:

Thứ nhất, cũng sử dụng đèn led 12W, 200 bóng/2,5ha, nhưng ông Sơn “ăn gian” về thời gian, thay vì 18 giờ chiều mở, đến 05 giờ sáng tắt, ông mở trể hơn 15 phút và tắt sớm hơn 15 phút. Nhờ đó, mỗi ngày xông đèn giảm được 30 phút nhưng thanh long vẫn kích thích ra hoa, cho trái và đảm bảo năng suất cao như những mảnh vườn thanh long khác ở ấp Đầu Giồng.

Thứ hai, theo ông Thạch Kim Sơn không nên mắc bóng đèn xông cho thanh long bằng phương pháp nối tiếp, mà nên mắc song song. Cụ thể, trên một thửa vườn thanh long, cần có những tuyến dây chính, sau đó mắc các tuyến dây phụ nối bóng đèn đến thanh long. Nếu mắc một dây theo kiểu bóng đèn nối tiếp, kéo hết vườn thanh long, thì những bóng đèn ở cuối nguồn cường độ dòng điện yếu, ánh sáng thường yếu theo, thanh long ít ra bông, lại hao điện năng nhiều do thất thoát.

Thứ ba, nên đổi vị trí đặt bóng đèn, vụ này khi trụ thanh long cho trái nhiều ở hướng có bóng đèn, nếu không thay đổi, đặt bóng đèn vị trí cũ, vụ sau trụ thanh long sẽ không ra bông, năng suất thấp…

Thứ tư, để an toàn và kéo dài tuổi thọ của đường dây, nên mắc dây trước, khi xác định đúng vị trí cần mắc bóng thì tiến hành mắc bóng, không làm thay đổi vị trí muốn mắc, tránh được tình trạng tháo gỡ di dời vị trí bóng, làm nát dây, làm vỏ dây điện bị hư, thiếu an toàn…

Với 04 kinh nghiệm trên, trong đó có “ăn gian” thời gian bật tắt đèn và mắc bóng song song, mỗi đợt kích thích ra hoa, ông Thạch Kim Sơn đã tiết kiệm điện từ 400.000 - 500.000 đồng.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nong-dan-thach-kim-son-kinh-nghiem-trong-thanh-long-tiet-kiem-dien-cho-nang-suat-cao-30625.html