Nông dân Thái Nguyên khôi phục trồng trọt, chăn nuôi sau lũ

Trận lũ lụt lịch sử vừa qua để lại hậu quả nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp ở Thái Nguyên với gần 10 nghìn ha lúa, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại; hơn 380 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 560ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Sau lũ, nông dân đang tích cực 'tái thiết' để từng bước ổn định sản xuất, cuộc sống.

Chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt tại kỳ họp 36 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng yêu cầu các ngành chức năng sớm tham mưu phân bổ kinh phí, ngành chức năng và các địa phương khẩn trương thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn nông dân khôi phục sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, tỉnh đã phân bổ kinh phí đợt 1 với số tiền gần 40 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân và chuẩn bị phân bổ kinh phí đợt 2.

Là vùng chăn nuôi lớn của tỉnh Thái Nguyên, nhưng khi mưa lũ xảy ra, huyện Phú Bình đã huy động tối đa lực lượng để hỗ trợ nông dân, các trạng trại đưa gà, lợn đến nơi an toàn nên thiệt hại đối với chăn nuôi là không lớn, lũ rút tập trung rắc vôi bột, phun khử khuẩn chuồng trại để đề phòng dịch bệnh. Khi cấp kinh phí đợt 1 với số tiền 5,6 tỷ đồng, huyện Phú Bình tập trung hỗ trợ nông dân sửa chữa nhà ở, thiệt hại về trồng trọt để sớm khôi phục sản xuất.

Những diện tích ở khu vực cao bị lũ ngập nhẹ, nông dân đẩy mạnh chăm sóc để rau màu phát triển nhanh, bù lại diện tích bị thiệt hại, cung cấp rau xanh cho thị trường đang khan hiếm.

Những diện tích ở khu vực cao bị lũ ngập nhẹ, nông dân đẩy mạnh chăm sóc để rau màu phát triển nhanh, bù lại diện tích bị thiệt hại, cung cấp rau xanh cho thị trường đang khan hiếm.

Bí thư Huyện ủy Phú Bình Nguyễn Thị Loan cho biết: “Toàn huyện có 2 nghìn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Với những diện tích còn khôi phục được, cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con tích cực chăm sóc để lúa phục hồi; vệ sinh, thu dọn đồng ruộng đối với diện tích mất trắng để chuyển sang sản xuất vụ đông, trong đó chú trọng cây mầu ngắn ngày để nhanh có thu hoạch, bù đắp sản lượng bị thiệt hại, phục vụ nhu cầu xã hội”.

Tương tự như vậy, thành phố Sông Công có hơn 400ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, cán bộ các phòng, ban chức năng và các xã, phường tập trung vận động nông dân tích cực chuyển sang trồng các loại cây màu vụ đông, làm cho đồng ruộng xanh trở lại để vừa có thu nhập, vừa đáp ứng nhu cầu rau xanh cho các khu công nghiệp và xã hội.

Các phường, xã dọc sông Cầu là vùng sản xuất rau lớn nhất và cung cấp lượng rau chủ yếu cho thành phố Thái Nguyên gần như bị “san phẳng” trong lũ lụt, thứ còn sót lại là khung nhà lưới, nhà kính, bùn đất và rác thải.

Sau lũ, nông dân các phường Túc Duyên, Đồng Bẩm, Chùa Hang, Cam Giá, các xã Linh Sơn, Cao Ngạn và các xã khác ra đồng thu dọn, làm lại từ đầu, tái thiết cơ sở vật chất, làm đất khôi phục sản xuất. Những ruộng rau ở cao chỉ bị lũ “tráng qua”, không bị ảnh hưởng nhiều, bà con đẩy mạnh chăm sóc để cây phát triển nhanh, vừa đáp ứng nhu cầu rau xanh đang khan hiếm, bù đắp lại sản lượng đã mất.

Sau lũ, cơ quan chức năng khẩn trương thống kê thiệt hại tại các trang trại để hỗ trợ nhằm khôi phục chăn nuôi.

Sau lũ, cơ quan chức năng khẩn trương thống kê thiệt hại tại các trang trại để hỗ trợ nhằm khôi phục chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi của tỉnh bị thiệt hại lớn, khôi phục như trước lũ là vấn đề nan giải vì cơ sở vật chất bị thiệt hại, 380 nghìn con gà, lợn bị lũ cuốn trôi, bị chết do mất điện, nhiều gia đình, trang trại “trắng tay”, nay “tái thiết” cần vốn đầu tư lớn để sửa chữa, làm mới chuồng trại, mua con giống, thức ăn chăn nuôi.

Chỉ tính riêng xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên đã có 38 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm bị thiệt hại, trong đó gia đình anh Ngô Đức Việt ở xóm Vải có gần mười nghìn con gà đang chuẩn bị được xuất bán thì bị lũ cuốn trôi, chết, chuồng trại trở nên tan hoang, bùn đất ngập ngụa, thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Trong gian khó, vợ chồng anh Việt không “bó tay”. Anh Việt tâm sự: “Khi lũ rút, vợ chồng động viên nhau nỗ lực khắc phục, dọn dẹp đống đổ nát, sửa chữa chuồng trại, vệ sinh môi trường, vay vốn tái đàn trong một đến hai tháng tới nhằm kịp thời có gà xuất bán trong dịp Tết này để bù đắp thiệt hại phần nào”.

Cán bộ thú y toàn tỉnh hỗ trợ nông dân phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ thú y toàn tỉnh hỗ trợ nông dân phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở và Chi cục đôn đốc các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ, tích cực sát cánh cùng nông dân lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh chuồng trại sau ngập lụt để khôi phục sản xuất. Tổ chức tốt việc tiêm phòng đợt 2 cho đàn vật nuôi nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên Phạm Văn Sỹ cho biết, mặc gia súc và gia cầm bị chết, cuốn trôi lên đến hơn 380 nghìn con, nhưng chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng đàn nên năm 2024 toàn ngành vẫn có khả năng tăng trưởng 3,5% so với năm trước như mục tiêu đã đề ra.

Điều mà nông dân và chính quyền cơ sở băn khoăn là chính sách hỗ trợ của tỉnh quá thấp, như đối với lúa bị thiệt hại từ 70% trở lên được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha và được ban hành gần 10 năm nên đến nay không còn phù hợp, không đủ để mua giống. Chính sách đối với một số loại cây trồng, vật nuôi cũng thấp.

Nông dân đề nghị tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu nâng mức hỗ trợ thiên tai đối với ngành nông nghiệp vốn chịu nhiều rủi ro, giá trị thấp để thúc đẩy, động viên bà con toàn tỉnh tích cực khôi phục sản xuất.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nong-dan-thai-nguyen-khoi-phuc-trong-trot-chan-nuoi-sau-lu-post834535.html