Nông dân thắng đậm nhờ tung tuyệt kỹ bắt 'cây bạc tỷ' ra quả trái vụ

Ở những vùng trồng na lớn của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên như các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến..., cây na được ví von là 'cây bạc tỷ' do mang lại thu nhập vượt trội cho người dân.

Chị Triệu Thị Luyến, ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên, cho biết gia đình chị trồng na từ nhiều năm trước, với diện tích trên 10 sào (khoảng 0,36 ha). Tuy nhiên, chỉ đến những năm gần đây, khi chuyển đổi sang trồng na trái vụ, rải vụ, hiệu quả từ trái na mới bắt đầu có đột phá lớn.

“Tuyệt kỹ” trồng na trái vụ

Để trồng na rải vụ, chị Luyến tiến hành đốn những cành trên cao để tạo tán thấp. Công việc này tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật thuần thục, bởi nhiều cây phải cắt tới 1/3 chiều cao.

Sau khi hạ thấp tán na, người trồng phải căn cứ vào thời gian thu hoạch chính vụ để cắt tỉa cành hợp lý, sao cho na trái vụ chín “đúng hẹn” vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 12. “Thông thường các hộ sẽ cắt tỉa mầm trên thân để kích thích ra hoa, còn giữ mầm ngoài tán nuôi quả”, chị Luyến chia sẻ.

Trồng na trái vụ đang mang lại thu nhập cao cho nông dân tại nhiều địa phương.

Trồng na trái vụ đang mang lại thu nhập cao cho nông dân tại nhiều địa phương.

Tương tự, với gần 1 ha đất đồi, gia đình ông Kiều Thượng Chất ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, trồng được gần 400 cây na, cho sản lượng gần 6 tấn/năm. Sau khi thí điểm thành công, từ năm 2022, ông Kiều Thượng Chất chuyển toàn bộ diện tích trồng na theo hình thức rải vụ.

Thay vì thu hoạch tập trung vào tháng 8 và 9, ông áp dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ cho thu hoạch quả suốt từ tháng 8 đến tận đầu tháng 12. Với cách làm này, cây na không chỉ ra quả làm nhiều đợt mà còn cho năng suất cao hơn hẳn, với na sớm khoảng 2 tấn, chính vụ khoảng 2 tấn và hơn 3 tấn na trái vụ.

Ông Chất cho hay vào chính vụ, na bán với giá bán trung bình 30 - 40 nghìn đồng/kg, nhưng với na trái vụ giá bán có thể đạt từ 70 - 80 nghìn đồng/kg. “Nếu trước đây, cả vườn na chỉ thu 90 - 100 triệu đồng/năm, thì nay đạt trên dưới 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”, ông Chất hồ hởi nói.

Để có thể trồng na rải vụ, theo các hộ sản xuất ở Võ Nhai, cây na yêu cầu phải già, tán tương đối thưa để nắng có thể lọt vào làm nảy chồi trong thân cây. Tận dụng đặc tính tái sinh mạnh của cây na, người dân có thể cắt chồi cũ để cây mọc ra những chồi mới có hoa, sau đó thụ phấn bổ sung cho hoa (vào khoảng đầu tháng 5) để tạo thành quả na vụ muộn. Điều quan trọng nhất khi thâm canh na rải vụ là phải chủ động nước tưới, tỉa thưa tán để tạo điều kiện cho nắng chiếu vào quả.

Thu trăm tỷ từ cây na

Tương tự Võ Nhai, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng đang là một trong những “thủ phủ” trồng na lớn nhất cả nước. Nhờ những cuộc cách mạng trong sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cây na đang cho hiệu quả cao kinh tế vượt trội.

Điển hình, những năm qua, các hộ dân tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các hộ dân từ bỏ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đáng chú ý, dựa trên những thế mạnh của địa phương, năm 2017, HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ được thành lập với 27 hộ thành viên HTX, liên kết với 148 hội viên sản xuất na, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có khoảng 70 ha na.

Việc tham gia HTX giúp các hộ trồng na nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.

Việc tham gia HTX giúp các hộ trồng na nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, đại diện HTX Đồng Mỏ, cho biết sau khi thành lập, HTX đứng ra điều hành, hỗ trợ các thành viên, hộ liên kết tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất.

Nhờ đó, chất lượng sản phẩm liên tục được nâng cao, mẫu mã quả đẹp hơn, thị trường tiêu thụ ổn định. Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm HTX thu trên dưới 200 tấn quả, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, doanh thu hàng tỷ đồng, thu nhập của hộ thành viên cũng đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Theo lãnh đạo UBND huyện, Chi Lăng có tổng diện tích tự nhiên là 70.418,89 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 76,24%, đất phi nông nghiệp chiếm 5,0%, đất chưa sử dụng chiếm 18,76%.

Trong những năm qua, người dân nơi đây đã tập trung trồng cây na góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Nhiều hộ dân trong huyện đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Nhiều thôn, bản có tới 60 - 70% hộ khá giả.

Với tổng diện tích trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả diện tích trồng rải vụ), cây na tại Chi Lăng đem lại doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng/năm. Hiện, diện tích na trên địa bàn huyện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha.

Đến đầu năm 2022, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và các xã Chi Lăng, Y Tịch đạt hoặc cơ bản đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Đất cằn kết trái “vàng”

Cũng đang gặt hái thành công lớn từ na trái vụ là nông dân, HTX ở Nho Quan, Ninh Bình. Như tại xã Phú Long, kể từ khi “bén duyên” với nghề trồng na trái vụ, thu nhập của nông dân địa phương được nâng cao đáng kể, nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú chỉ sau một thời gian ngắn.

HTX Sản xuất Na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long từ lâu đã nổi tiếng là đơn vị sản xuất các giống na sạch, na ngon của tỉnh Ninh Bình. Sau 3 năm thành lập, HTX hiện đã có 40 thành viên với tổng diện tích trồng na lên tới gần 200 ha, doanh thu bình quân 350-400 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX San xuất Na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long, cho hay rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã ăn nên làm ra nhờ việc trồng na. Vào chính vụ, có những ngày các hộ trồng na thu về 3-5 triệu đồng là bình thường.

Để có được thành công hiện tại, na tại HTX đều được trồng theo quy trình VietGAP loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai (được xử lý vi sinh đúng quy trình kỹ thuật).

Đặc biệt, điểm mấu chốt để na ra quả được to đều, thơm ngon là phải nắm vững “tuyện kỹ” cắt tỉa cành. Hầu hết cành cao sẽ bị cắt bỏ, chỉ để lại những cành ngang tầm với, phân bố đều. Hoa na vừa nở sẽ được thụ phấn nhân tạo hoàn toàn, cứ 2 người sẽ thụ phấn được khoảng từ 300-500 hoa/ngày. Nhờ phương pháp độc đáo, bình quân mỗi cây na sẽ cho khoảng 15 kg/vụ, trọng lượng đạt 6-7 lạng/quả.

“Để duy trì được danh tiếng và độ uy tín cho thương hiệu, các thành viên trong HTX phải thật đoàn kết để hướng đến mục tiêu chung. Chỉ cần một người đi chệch hướng, không chỉ chất lượng sản phẩm giảm sút, mà danh tiếng của thương hiệu cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đó cũng là lý do dù có nhiều hộ xin gia nhập, chúng tôi chưa thể vội vàng kết nạp ngay”, ông Thuật chia sẻ với VnBusiness.

Trong tương lai, các thành viên HTX sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long mong muốn mở rộng diện tích nhằm phát triển các giống na với chất lượng cao hơn. Ngoài ra, HTX cũng hướng tới việc xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm. Được biết, có nhiều khu du lịch tại Ninh Bình đã tìm đến với mong muốn hợp tác nhưng hiện cơ sở vật chất tại HTX vẫn chưa đáp ứng được.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-thang-dam-nho-tung-tuyet-ky-bat-cay-bac-ty-ra-qua-trai-vu-1101008.html